Nhu cầu số hoá rộng khắp
Có thể nói, cả nước đang có một hệ thống bảo tàng rất lớn, của các cơ quan, bộ ngành, địa phương và cả của tư nhân.
Ngoài việc đón khách tham quan trực tiếp, các bảo tàng luôn có nhu cầu quảng bá, giới thiệu qua môi trường Internet. Còn ngay tại chính các bảo tàng, là nhu cầu số hoá thuyết minh, để việc này được thực hiện một cách tự động sang nhiều ngôn ngữ, chứ không bị phụ thuộc vào hướng dẫn viên.
Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng muốn các hiện vật trưng bày đều phải có mã QR, để khách tham quan có thể nắm bắt thông tin chỉ với một thao tác đơn giản bằng điện thoại thông minh. Không chỉ vậy, các hiện vật ở đây còn phải 3D hoá để lưu trữ thông tin và quảng bá qua môi trường Internet.
Còn với các địa phương, ở đâu cũng có lễ hội truyền thống. Nơi nào có nhiều nguồn lực thì các lễ hội được ghi hình và việc số hoá các hình ảnh không mấy khó khăn.
Riêng với các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân không mong muốn gì hơn là sản phẩm của họ được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Để làm được việc này, các làng nghề và chính các nghệ nhân phải đầu tư làm website và số hoá các sản phẩm để đưa lên đó.
Riêng đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhiều năm nay, các đoàn nghệ thuật đều có đầu tư kênh quảng bá trên Youtube. Nhờ đó, hoạt động biểu diễn của họ đến được với đông đảo khán giả phương xa, thậm chí, còn có nguồn thu từ quảng cáo theo thoả thuận chia sẻ có thể làm với Youtube.
Với lĩnh vực điện ảnh, chưa nói đến các thể loại phim truyện và phim tài liệu được thực hiện những năm gần đây trên nền tảng công nghệ số, mà những bộ phim được thực hiện bằng công nghệ phim nhựa hiện đang nằm trong các kho lưu trữ cũng rất cần được số hoá để lưu trữ và khai thác thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, vấn đề khó nhất để số hoá di sản văn hoá chính là phải có tiền để đầu tư và việc này cần cơ chế để xã hội hoá.
Cần cơ chế xã hội hoá cho hoạt động số hoá
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, trên thực tế, là tổ chức phi lợi nhuận, thông thường, các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài bảo tàng là xu hướng tất yếu để bảo tàng có thể thực hiện được chức năng của mình.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Do đó, các dự án xã hội hóa chưa có nhiều và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, cũng như không phải mô hình hợp tác nào cũng mang tính bền vững.
Chuyển đổi số văn hoá rất cần có chính sách về hợp tác công -tư |
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đối tác công nghệ có đủ năng lực, có cùng định hướng, tin tưởng, chia sẻ và đồng hành trong cả quá trình cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Trên thực tế, bảo tàng không có đủ nguồn lực về công nghệ, nên phải dựa vào đối tác. Ngược lại, nếu đối tác công nghệ không có kiến thức về bảo tàng, sẽ không thể một mình xây dựng sản phẩm công nghệ cho bảo tàng. Vì vậy, việc hợp tác chặt chẽ giữa đôi bên là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, với dự án xã hội hóa, việc minh bạch về nguồn vốn đầu tư và chia sẻ nguồn lợi là điều tiên quyết để duy trì mối quan hệ hợp tác đôi bên.
Đối với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, việc chuyển đổi số tại đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, như việc ứng dụng công nghệ tất yếu phải đầu tư những khoản kinh phí cho việc lắp đặt, vận hành các thiết bị công nghệ.
Mặc dù được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư để đổi mới trang thiết bị… nhưng thiết bị và công nghệ thì phát triển từng ngày, từng giờ, trong khi thiết bị tại bảo tàng đã cũ và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Khi đã có thiết bị thì cần đến người vận hành. Cán bộ bảo tàng có thể làm tốt chuyên môn nhưng thiếu và yếu kiến thức về công nghệ, dẫn đến khi thực hiện thiếu tự tin, lúng túng…
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – cũng chia sẻ: Vấn đề đặt ra là kinh phí thực hiện chủ yếu được trích từ nguồn ngân sách hàng năm của đơn vị, nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số hiện chưa đồng bộ. Với một bảo tàng, muốn chuyển đổi số các hoạt động, trước hết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về tài liệu hiện vật bảo tàng. Do đó, cần sớm có cơ chế, chính sách và các quy định, định mức về tài chính, để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Song song với đó là xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin. Ban hành chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng để các bảo tàng có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả. Xây dựng cơ chế khai thác và sử dụng thông tin đối với các đơn vị quản lý di sản văn hóa.