“Skin in the game” là tựa đề tác phẩm của Nassim Taleb - tác giả những best-seller “The Black Swan”, “Fooled by Randomness”, “Antifragile”.
“Skin in the game” là gì? Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Esquire số tháng 4/2018, Nassim Taleb có giải thích như sau:
“Ngày càng có ít "Skin in the game" hơn 50 năm trước, hoặc thậm chí 20 năm trước đây. Càng ngày càng nhiều người quyết định số phận của người khác mà không phải chịu hậu quả. “Skin in the game” có nghĩa là bạn chấp nhận rủi ro của riêng bạn trong cuộc chơi. Nghĩa là những người đưa ra quyết định trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống không bao giờ được cách ly khỏi hậu quả của những quyết định đó. Nếu là thợ sửa máy bay, bạn phải là người ngồi trên chiếc máy bay ấy. Nếu quyết định xâm lược IRAQ, những người bỏ phiếu cho việc đó cần động viên con mình vào quân đội. Và nếu đưa ra một quyết định kinh tế, bạn phải chịu hậu quả nếu bạn sai.
98% người Mỹ như thợ sửa ống nước, nha sĩ, tài xế xe buýt có "Skin in the game". Chúng ta lo lắng về 2 phần trăm còn lại - trí thức và chính trị gia - đưa ra những quyết định lớn, những người không có “Skin in the game” và đang làm rối tung mọi thứ. Ba mươi năm trước, Quốc hội Pháp bao gồm các chủ cửa hàng, nông dân, bác sĩ, bác sĩ thú y và luật sư ở thị trấn nhỏ, những người tham gia vào các hoạt động hàng ngày. Ngày nay, quốc hội này hoàn toàn bao gồm các chính trị gia chuyên nghiệp, những người ly khai khỏi cuộc sống thực. Nước Mỹ tốt hơn một chút, nhưng chúng ta đang đi theo hướng đó (của Pháp)".
Và lời giải thích chính thức là từ bài báo trên Medium “What do I mean by Skin in the Game? My Own Version”:
“Skin in the game là gì? Cụm từ thường bị nhầm lẫn với các khuyến khích ở một phía: lời hứa được tưởng thưởng sẽ khiến ai đó làm việc cho bạn chăm chỉ hơn. Nhưng nó có thuộc tính cốt lõi là tính đối xứng: cân bằng giữa khuyến khích và trừng phạt, mọi người nên bị trừng phạt nếu gây ra sai lầm và làm tổn thương người khác: anh ta hoặc cô ta được chia sẻ lợi ích cũng cần chia sẻ một số rủi ro”.
“Nói thì dễ và người chỉ nói mà không làm thì rất dễ bị công chúng phát giác, họ nói quá giỏi”, Nassim Taleb nói thêm.
Ông cũng rất chán đám giáo sư giảng dạy về kinh doanh có nhiều bằng cấp, thậm chí cả giải Nobel. Những người này giảng dạy, đưa lời khuyên cho doanh nghiệp nhưng bản thân không hề chịu rủi ro, thất bại hay phá sản. Họ không hề biết cách điều hành xí nghiệp thế nào và nếu giao cho các giáo sư này làm CEO thì công ty cũng sớm đi đến bờ vực của phá sản. Ông nói đơn giản rằng họ không có “Skin in the game”.
Những người ra quyết định và trả giá cho những quyết định của mình sẽ đáng tin cậy hơn những người ra quyết định mà không hề phải chịu rủi ro. Nếu bạn hỏi nhà tư vấn về đầu tư, Taleb khuyên phải xem anh ta có những cổ phiếu nào trong rổ của mình (porfolio) và anh ta có chịu rủi ro cùng với mình (risk sharing) khi đưa ra lời khuyên không?
Để biết người ra quyết định có chịu rủi ro không, cần trách nhiệm giải trình. "Trách nhiệm giải trình" (tiếng Anh: accountability, có nguồn gốc Latin là accomptare), là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình khi được yêu cầu. Là một khía cạnh trong ngành quản trị, nó là trung tâm của các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề trong khu vực công, các bối cảnh phi lợi nhuận và doanh nghiệp và cá nhân.
Trách nhiệm giải trình như vậy liên quan đến quyền hạn và nghĩa vụ. Nó không chỉ ở lĩnh vực công hay cơ quan nhà nước mà ngay ở những cá nhân, nhất là lãnh đạo. Cần thiết kế quyền hạn đi đôi với trách nhiệm. “Quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm càng lớn.” ("With great power comes great responsibility.") Sẽ là vấn đề đạo đức nghiêm trọng khi một người lãnh đạo có quyền hạn mà không phải chịu trách nhiệm, không thực thi trách nhiệm của mình.
Ở một xã hội phương Đông khép kín, người ta không thấy mình có trách nhiệm phải giải thích việc mình làm. Người dưới và người ngoài phải đoán ý và như thế các hành động có thể không được biện minh. Không giải thích thì không ai biết hành động ấy có lợi ích như thế nào, ai có thể giám sát để hành vi ấy để không gây tổn hại cho xã hội.
Trong phần mở đầu tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sử dụng hai câu mang tính khẳng định của nhân dân đó là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với Đảng viên và cán bộ chúng ta”. Người trích câu mà thường được nhân dân nói, truyền tai nhau từ xưa cho đến tận gần đây.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax ngày 26/3/2021 (ảnh: VOV) |
Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ đã không còn thấm nhuần lời dạy của Bác. Họ luôn tranh thủ quyền lợi cho bản thân, cho gia đình mình, điển hình những hiện tượng “ông ngoại” trong việc tiêm vắc-xin phòng chống COVID19 vừa qua.
Trước những vấn đề nguy hiểm, những quyết sách ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người, chúng ta mong muốn các nhà lãnh đạo cần có tinh thần “skin in the game”. Khi lãnh đạo không chịu rủi ro với quyết định của mình, những quyết định ấy rất khó thuyết phục được mọi người.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu