Sau Quốc hội Anh, Facebook tiếp tục từ chối yêu cầu điều trần của Hạ viện Mỹ

Sau bê bối để lộ thông tin của 87 triệu người dùng, mặc dù đã công khai xin lỗi trên báo Anh và Mỹ đồng thời thành khẩn trả lời những câu hỏi tại buổi điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ nhưng việc từ chối điều trần tại Quốc hội Anh và Hạ viện Mỹ lại đặt ra những nghi vấn mới về cách Facebook lấy lại lòng tin của người dùng, các tổ chức đăng quảng cáo, các nhà lập pháp và nhà đầu tư.

Hai lần từ chối yêu cầu điều trần trong vòng chưa đầy 1 tháng

Ngày hôm qua - 25/4, phát ngôn viên của tập đoàn Facebook đã cho biết, hãng đã từ chối lời mời ra điều trần tại Hạ viện Mỹ vào ngày 26/4 - tức hôm nay. Nội dung cuộc điều trần dự kiến sẽ xoay quanh các hoạt động lọc thông tin của các công ty truyền thông xã hội.

Mặc dù đã từ chối lời mời/yêu cầu ra điều trần của Hạ viện Mỹ, nhưng Facebook khẳng định, họ vẫn muốn tiếp tục đối thoại với các thành viên Ủy ban tư pháp của Hạ viện về những cam kết của hãng này khi vẫn muốn trở thành một diễn đàn cho mọi ý kiến và ý tưởng.

Trước đó, vào ngày 27/3 vừa qua, Giám đốc điều hành Tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg cũng đã từ chối ra điều trần trước các nhà lập pháp Anh để làm rõ những quan ngại về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận thời gian gần đây. Thay vào đó, nhà sáng lập Facebook đã đề xuất gửi một trong những đại diện của mình đến thay.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Facebook đã hai lần từ chối yêu cầu điều trần tại cả Anh và Mỹ về bê bối do chính hãng tạo ra. Điều này cho thấy, ngoài việc đánh mất niềm tin, không tôn trọng người dùng, Facebook còn chưa thật sự muốn sửa chữa những sai lầm của mình.

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Facebook 2 lần từ chối yêu cầu điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu

Đánh mất niềm tin của người dùng

Sau khi đã bỏ ra số tiền khá lớn mua quảng cáo trên báo Anh và Mỹ để công khai đăng lời xin lỗi người sử dụng nhưng các cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 vừa qua cho thấy phần lớn công chúng mất lòng tin vào Facebook về việc bảo mật sự riêng tư.

Cụ thể, chưa đầy một nửa người Mỹ tin Facebook tuân thủ các luật lệ về quyền riêng tư ở Hoa Kỳ, theo một cuộc thăm dò do Reuters và Ipsos thực hiện, trong khi một cuộc thăm dò được Bild am Sonntag, tờ báo Chủ Nhật lớn nhất Đức, đăng tải, cho thấy 60% người Đức lo ngại rằng Facebook và các mạng xã hội khác có tác động tiêu cực tới nền dân chủ.

Trong các đoạn quảng cáo đăng trên tờ the Observer và the New York Times, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi vì “làm mất lòng tin”.

Tỷ phú này nói: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ thông tin của các bạn. Nếu chúng tôi không thể, chúng tôi không xứng đáng”.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang chịu áp lực ở châu Âu và Mỹ, cũng như đang tìm cách khôi phục lại lòng tin của người dùng, các tổ chức đăng quảng cáo, các nhà lập pháp và nhà đầu tư.

Đã từng điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ

Rạng sáng ngày 11/4, người sáng lập Facebook phải trả lời Quốc hội Mỹ về bê bối ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử năm 2017 cùng nhiều câu hỏi hóc búa khác. Theo nhận định từ hàng loạt các báo lớn trước khi CEO Facebook đến điều trần thì đây là thử thách lớn nhất và căng thẳng nhất trong đời của Mark Zuckerberg.

Tại buổi điều trần này, CEO của Facebook đã phải trả lời thành thật bất kỳ câu hỏi nào về sự cố để lộ 87 triệu dữ liệu người dùng. Cùng ngày, người điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh này còn phải trải qua thêm một cuộc điều trần vào 22h đêm tại Hạ viện Mỹ. Cả hai cuộc điều trần kéo dài gần 10 giờ nhưng có vẻ như "mô hình chất vấn" này đã không thành công. Bởi thời gian cho mỗi Thượng nghị sĩ chất vấn Mark Zuckerberg dài không quá 5 phút, còn Hạ nghị sĩ không quá 4 phút. Theo các nhà quan sát, đây đơn thuần là "một cuộc hỏi đáp", chứ không phải chất vấn, bởi các nghị sĩ không thể gây sức ép, xoáy sâu vào vấn đề trong thời gian ngắn như vậy.

Việc công khai xin lỗi trên báo Anh và Mỹ cùng với việc thành khẩn trả lời những câu hỏi tại buổi điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ cho thấy Facebook đang tìm cách khôi phục lại lòng tin của người dùng, các tổ chức đăng quảng cáo, các nhà lập pháp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc từ chối điều trần tại Quốc hội Anh và Hạ viện Mỹ lại đặt ra nhiều câu hỏi về thái độ “sửa lỗi” của Facebook cũng như tính tôn trọng luật riêng tư của mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Theo XHTT

http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201804/sau-quoc-hoi-anh-facebook-tiep-tuc-tu-choi-yeu-cau-dieu-tran-cua-ha-vien-my-601194/