Sau bao nỗ lực, chuyện người dùng rút điện thoại ra thanh toán tiền vẫn là thách thức!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Áp lực mà MoMo cũng như các ví điện tử khác phải đối mặt trên thị trường thanh toán không phải là sự cạnh tranh của bất cứ doanh nghiệp hiện hữu nào, mà chính là sự cạnh tranh khóc liệt từ tiền mặt.
Nhiều ý kiến cho rằng đến nay chuyện người dùng ra quán cafe, rút điện thoại ra thanh toán vẫn là thách thức.
Nhiều ý kiến cho rằng đến nay chuyện người dùng ra quán cafe, rút điện thoại ra thanh toán vẫn là thách thức.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Đồng Tổng Giám đốc MoMo – đã chia sẻ như vậy với báo giới sau khi Ví điện tử MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), với sự tham gia của các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này cũng xuất hiện các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital.

Nói về thị trường, đại diện MoMo cho biết, đối thủ lớn nhất là tiền mặt. Ông Tường cho rằng, đến nay, sau rất nhiều nỗ lực nhưng chuyện người dùng ra quán cafe rút điện thoại ra thanh toán vẫn là thách thức. Cùng với đó là thách thức bảo mật, an toàn thông tin của người dùng khi sử dụng các nền tảng số.

Nhấn mạnh về niềm tin của người dùng với dịch vụ, lãnh đạo MoMo cho rằng: "Nếu người dùng không tin thì chúng tôi xem như là thất bại. Chúng ta cần quản lý được rủi ro để sử dụng được tiện ích mà nền tảng công nghệ số mang lại. Đó là việc không thể một sớm một chiều và một mình chúng tôi không thể làm được. Chúng ta hãy cùng nhau giải quyết bài toán đó để đánh lại đối thủ lớn nhất là tiền mặt” – ông Tường nói.

Cùng với đó, ngành bán lẻ Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc không biết khách hàng là ai khi khách hàng thanh toán tiền mặt. Khi không biết khách hàng là ai thì không có dữ liệu để phân tích, tìm hiểu, nhận định để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch Điều hanh và Đồng Tổng Giám đốc của MoMo.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch Điều hanh và Đồng Tổng Giám đốc của MoMo.

Cùng với việc hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), đại diện MoMo cho biết sẽ ra mắt “Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo” (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết, nếu trước đây, MoMo tập trung nhiều vào khách hàng và trong phần hợp tác với đối tác thường cung cấp dịch vụ rất cơ bản như thanh toán thì nay MoMo chuẩn bị đưa ra một nhóm các dịch vụ, giải pháp mới cho các đối tác để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, giúp họ tìm kiếm và tiếp cận và chăm sóc khách hàng.

Cụ thể, MoMo sẽ phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 3 phương diện.

Thứ nhất là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận khách hàng. Trước đây, việc tiếp cận ấy tương đối khó khăn, nhưng bây giờ MoMo đã có sản phẩm như tính năng “Ưu đãi” cung cấp các deal (thẻ quà tặng) để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đưa các deal lên bán trên MoMo.

Với việc ứng dụng công nghệ để hiểu khách hàng, các doanh nghiệp sẽ biết khách hàng nào phù hợp với deal nào. MoMo sẽ giúp cá nhân hóa deal để phù hợp với từng khách hàng phù hợp, trong khu vực bán kính nhất định, như 2-3km từ cơ sở cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc này rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về F&B, về đồ ăn - thức uống.

Thứ hai, MoMo cung cấp giải pháp về chăm sóc khách hàng. Khi khách hàng sử dụng app để thanh toán, chủ quán sẽ có một số thông tin sơ lược về khách hàng và quán, biết được vị khách này đến quán gần nhất là khi nào. Từ đó, chủ quán có thể thông qua nền tảng MoMo, thông qua trang thương hiệu của quán ấy trên MoMo, gửi tin nhắn để tiếp cận, giới thiệu món mới, chăm sóc khách hàng một cách dễ dàng.

Thứ ba, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của MoMo cho biết doanh nghiệp này sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đào tạo về khả năng phân tích số.

“Bởi vì khi chúng ta có thông tin để hiểu hơn về khách hàng thì chúng ta cần dựa trên các thông tin ấy, cần có kỹ năng để hiểu những thông tin ấy nghĩa là gì, và đưa ra những insight để hiểu khách hàng, để điều chỉnh lại cách tiếp cận khách hàng cũng như các sản phẩm mới” – ông Tường nói thêm.