Sau 30 phút bơm xi măng sinh học, cụ ông 98 tuổi vỡ lún đốt sống tự ngồi dậy bình thường

VietTimes – Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị vừa tiến hành can thiệp bơm xi măng sinh học cho cụ ông 98 tuổi bị vỡ lún đốt sống. Sau 30 phút, cụ ông đã có thể tự ngồi dậy bình thường dù trước đó không thể đi lại được.
Cụ ông 98 tuổi bị vỡ lún đốt sống ngồi dậy nói chuyện vui vẻ sau can thiệp bơm xi măng sinh học. Ảnh: BVCC
Cụ ông 98 tuổi bị vỡ lún đốt sống ngồi dậy nói chuyện vui vẻ sau can thiệp bơm xi măng sinh học. Ảnh: BVCC

Hồi phục kỳ diệu sau 30 phút

BS. Trịnh Tú Tâm – Trưởng Đơn vị Điện quang can thiệp và Điều trị đau, Bệnh viện Hữu Nghị - cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn T. 98 tuổi nhập viện trong tình trạng đau vùng cột sống thắt lưng, đặc biệt khi thay đổi tư thế bệnh nhân không tự ngồi dậy và không đi lại được. Mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của bệnh nhân đều cần sự hỗ trợ của người nhà mặc dù trước khi vào viện khoảng 1 tuần bệnh nhân vẫn đi lại bình thường.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ lún đốt sống L2.

Đốt sống bị vỡ lún của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Đốt sống bị vỡ lún của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Để khắc phục tình trạng vỡ lún đốt sống cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp bơm xi măng sinh học. 30 phút sau khi can thiệp, cụ ông đã có thể tự ngồi dậy, nói cười vui vẻ.

Cụ ông 98 tuổi đỡ đau và ngồi dậy trong niềm vui của gia đình. Ảnh: BVCC

Cụ ông 98 tuổi đỡ đau và ngồi dậy trong niềm vui của gia đình. Ảnh: BVCC

Trước đây, để phục hồi hình dạng và độ chắc chắn của đốt sống, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp mổ mở, dùng nẹp vít, tốn rất nhiều thời gian và xâm lấn nhiều hơn.

Tuy nhiên với những trường hợp loãng xương thì phương pháp này không tối ưu vì kết cấu xương ít, không chắc chắn, mật độ xương thưa. Ngoài ra với người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh nền thì việc trải qua 1 cuộc phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất máu cũng như quá trình hậu phẫu kéo dài.

Ảnh: BVCC
Ảnh: BVCC

Theo BS. Tâm, trong những năm gần đây, phương pháp tạo hình đốt sống qua da bằng xi măng sinh học đã được áp dụng ở một số bệnh viện. Kỹ thuật này ít xảy ra tai biến với nhiều ưu điểm vượt trội, khắc phục những nhược điểm của phương pháp trước đây như: can thiệp tối thiểu (vết chọc kim <5mm trên da), thời gian làm thủ thuật rút ngắn, không đau, làm bền vững thân đốt sống, không cần gây mệ, không mất máu, mất ít thời gian và tránh được nguy cơ gù, trượt đốt sống về sau.

Sau thủ thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh, giảm các biến chứng do nằm lâu, có thể được xuất viện sau 2 ngày điều trị.

Không chủ quan khi gãy xẹp đốt sống

BS. Trịnh Tú Tâm cho hay, gãy xẹp đốt sống xảy ra khi khối xương hoặc thân đốt sống bị xẹp, có thể gây đau dữ dội, biến dạng và mất chiều cao đốt sống. Loại gãy này thường xảy ra ở đốt sống ngực (phần giữa của cột sống) đặc biệt ở phần ngực thấp, và đốt sống thắt lưng. Loãng xương là nguyên nhân thường gặp nhất nhưng loại gãy này cũng có thể do chấn thương hoặc ung thư di căn.

Ở những người bị loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản hàng ngày như bước ra khỏi bồn tắm, hắt hơi mạnh, nâng vật nhẹ cũng có thể gây gãy xẹp đốt sống.

Những người bị loãng xương mức độ trung bình, gãy xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã hoặc cố gắng nâng một vật nặng. Người có cột sống khỏe mạnh bị gãy xẹp đốt sống thường do chấn thương nghiêm trọng như tai nạn xe hơi, chấn thương thể thao hoặc ngã cao.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gãy xẹp đốt sống do ung thư di căn cần được nghĩ đến ở những bệnh nhân dưới 55 tuổi, không có tiền sử chấn thương hay chỉ chấn thương rất nhẹ.

Ảnh: BVCC
Ảnh: BVCC

Các xương ở cột sống là vị trí thường gặp ở nhiều loại ung thư di căn. Ung thư có thể gây phá hủy một phần cột sống, làm yếu xương cho đến khi nó bị xẹp lún. Vị trí thường gặp cho nhiều loại ung thư di căn tới là các xương ở cột sống. Ung thư có thể gây phá hủy một phần cột sống và làm yếu xương cho đến khi xương bị xẹp lún.

Để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời tình trạng xẹp đốt sống, BS. Tâm khuyến cáo người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. Nên bổ sung các khoáng chất và vitamin cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Người dân cần hạn chế sai tư thế khi thực hiện các động tác, tránh những tư thế xấu; tránh hoạt động quá mạnh; tham gia các bài tập giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai. Mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện xẹp đốt sống kịp thời.

Phương pháp bơm xi măng (cement) sinh học hay còn gọi là xi măng xương acrylic (Poly methylmetharylate – PMMA). PMMA có tính chất lỏng và cứng dần, đặc tính gắn kết mạnh. Phương pháp này được thực hiện với 2 mục đích chính là giúp giảm đau cho bệnh nhân và làm vững đốt sống, từ đó giúp bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường, tránh các biến chứng do nằm lâu và nâng cao chất lượng cuộc sống

Kỹ thuật bơm xi măng sinh học vào thân sống được áp dụng cho ba trường hợp chính gồm: Gãy lún thân sống do loãng xương gây đau nhiều; gãy lún thân sống do chấn thương nhưng không có chỉ định phẫu thuật làm cứng; một số trường hợp hủy thân sống do u, u máu tiến triển.