Sao cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp?

Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết quí 1-2016 đã có thêm 35.400 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, nâng con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lên 190.900 người.
Sao cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp?

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp luôn than phiền thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đó là lời cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng đào tạo chạy theo số lượng chứ không theo nhu cầu của xã hội.

Điều trớ trêu là chương trình đào tạo của các trường trong nước nói chung thường nặng hơn các trường ở các nước phát triển, nhất là về mặt lý thuyết, nhưng chất lượng lại kém hơn ngay cả so với nhiều trường trong khu vực. Thực trạng trên dẫn đến chiều hướng tăng nhanh sự thâm nhập của nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nguyên nhân của vấn đề trên từ lâu đã được mổ xẻ rất nhiều, tuy vậy việc cải thiện trong thực tế vẫn không tiến triển được bao nhiêu, mặc dù đã có không ít nghị quyết, quyết định về vấn đề này đã được ban hành.

Đó là trào lưu chạy đua thành lập hàng loạt trường đại học ở các địa phương bất chấp sự bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng dạy. Thiếu trang thiết bị tối thiểu, các trường đó chỉ còn cách nhồi nhét kiến thức lý thuyết với nhiều thứ lỗi thời không còn phù hợp với thực tế xã hội. Người học ra trường không tìm được việc làm đã lãng phí không ít thời gian, tuổi trẻ và tiền của mà không đạt được bao nhiêu hiệu quả. Đó cũng là sự thiệt hại đáng kể của xã hội.

Chất lượng đào tạo cho đến nay bị hạn chế còn do nhiều trường vì mục đích tăng thu nhập đã tăng quy mô đào tạo quá nhanh so với khả năng phát triển của đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất, dẫn đến tình trạng thầy cô chỉ lao vào giảng dạy, không còn đủ thời gian để cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới hay nghiên cứu khoa học.

Việc kiểm tra đánh giá phương pháp và chất lượng giảng dạy của thầy cô hầu như đã bị bỏ qua. Thực chất việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên chủ yếu cũng chỉ căn cứ trên nội dung bó hẹp trong bài giảng của thầy cô, làm cho sinh viên chỉ thụ động giới hạn kiến thức của mình trong bài giảng.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cả mấy thập kỷ qua chỉ chăm bẳm dồn sức lo thủ tục thi tuyển đầu vào mà hầu như buông xuôi việc kiểm tra đầu ra, cùng với chính sách quá chú trọng bằng cấp chứ không phải thực tài và tâm lý quá ham bằng cấp trong xã hội đã tạo ra tâm lý dễ dãi về đầu ra sản phẩm của các trường, không chỉ ở bậc đại học mà cả thạc sĩ, tiến sĩ.

Đúng như nhận xét của PGS.TS. Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ, Thái Nguyên: “Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay không thể đánh giá được... phần nhiều luận án rất dở, yếu kém, không có đóng góp gì về mặt giá trị khoa học” (Tuổi Trẻ, 24-4-2016). Tình trạng đó vô tình kích thích tệ nạn bằng giả và đủ loại bằng thật nhưng học giả có cơ hội hoành hành trong xã hội, chủ yếu là trong các cơ quan nhà nước.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế không ngừng biến động dưới tác động của toàn cầu hóa khiến cho công việc thay đổi thường xuyên hơn thì một số người có trách nhiệm hoạch định chiến lược đào tạo lại ngồi trong “tháp ngà” tưởng tượng ra nhu cầu xã hội. Điển hình gần đây nhất là cuộc họp của các trường đại học kỹ thuật muốn có thêm nhiều trường đào tạo kỹ sư cơ khí nông nghiệp, thay vì chỉ có hai trường như hiện nay, với lập luận kỹ sư cơ khí nông nghiệp rất cần cho cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Các nhà làm chiến lược đó không nghĩ thực tế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ trong nông nghiệp hiện nay khác xa thời kỳ các trạm cơ khí nông nghiệp của Liên Xô hồi trước. Không người nông dân cá thể nào lại đi thuê kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Các hợp tác xã, trang trại nhỏ hiện nay và các trại sản xuất thủy hải sản cũng không cần kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Chủ của các chủ thể trên tự học hoặc thuê thợ điều khiển những thiết bị cơ giới từ máy bơm, máy tuốt lúa, máy phát điện đến máy cày mà họ có. Xã, huyện cũng chẳng sắm kỹ sư cơ khí nông nghiệp làm gì.

Thực chất đó là cách tư duy làm những việc mình có thể làm chứ không phải những việc mà xã hội cần. Họ đã chọn cách dễ làm thay vì tư duy tích cực hơn là phấn đấu để có đủ điều kiện mở ra những ngành mà rõ ràng các trường chưa đáp ứng được, nhưng xã hội đang và sẽ rất cần như: cơ khí chính xác, tự động hóa, chế tạo con chip, công nghệ laser, cảm biến, những chuyên ngành mới trong công nghệ thông tin, ứng dụng tế bào gốc trong công nghệ sinh học...

Ngoài ra khiếm khuyết về kỹ năng sống cũng là một yếu tố làm các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI từ chối tiếp nhận cử nhân, kỹ sư hay thạc sĩ. Một số người tốt nghiệp đại học đành phải chấp nhận công việc không liên quan gì đến chuyên môn đã học. Trớ trêu hơn là mới đây có thông tin một số cử nhân, thạc sĩ cất bằng, đi học trung cấp nghề (VnExpress, 21-4-2016), nhưng tìm ra trường dạy nghề chất lượng cao phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay cũng không phải dễ.

Tuy đất nước còn nghèo, nhưng đâu phải người dân và Nhà nước đã không quan tâm đầu tư đúng mức cho giáo dục. Thật giật mình trước thông tin: “Chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo tăng từ 74.000 tỉ đồng năm 2008 lên đến 170.000 tỉ đồng năm 2012; đó là chưa kể theo Ủy ban Văn hóa và Nhi đồng của Quốc hội, giai đoạn từ 2004-2014, Việt Nam đã vay 2,2 tỉ đô la Mỹ cho gần 40 dự án giáo dục” (TBKTSG, số 17-2016).

Thế nhưng cơ sở vật chất của các trường đại học công do bộ quản lý vẫn tăng rất chậm so với mức tăng quy mô tuyển sinh, còn triết lý giáo dục thì vẫn như cũ. Số tiền khổng lồ đó đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm đối với hiệu quả đầu tư trong việc cải thiện chất lượng của cả hệ thống giáo dục. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì không mong gì có được sự bứt phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Phải chăng đã đến lúc cần cấp bách thay đổi tư duy quản lý, cấu trúc lại hệ thống đào tạo của nước nhà và thật sự nghiêm túc trong việc thực thi các nghị quyết và quyết định đã ban hành của Trung ương Đảng và Chính phủ về giáo dục và đào tạo?

Theo TBKTSG