Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (bên phải) cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.
|
Thông tin được chia sẻ tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay sau khi phát hiện 2 người Trung Quốc nghi mắc bệnh viêm phổi lạ nhập cảnh Việt Nam.
Phân loại người bệnh từ khi đến đăng ký khám
PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, có thể có 3 tình huống người mắc bệnh cần sàng lọc:
Trường hợp thứ nhất, người bệnh bị sốt và viêm phổi, hoặc viêm phổi kẽ, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) mà không lý giải được căn nguyên. Các bệnh nhân này sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới (nCoV) trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.
Khu vực cách ly tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC)
|
Trường hợp thứ hai, các bệnh sốt, có các triệu chứng bệnh lý hô hấp, ví dụ ho, khó thở…; bệnh nhân ở các vùng dịch tễ đã xác định có các ca mắc bệnh do nCoV hoặc chăm sóc y tế hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ cũng trong vòng 14 ngày.
Trường hợp thứ ba, người bệnh bị sốt hoặc có trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.
Những bệnh nhân này có thể xuất hiện ở Khoa Khám Bệnh, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Trung tâm hô hấp, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Nhi, Khoa Cấp cứu, Khoa Tai Mũi Họng… của Bệnh viện.
Vì vậy, công tác tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi đến đăng ký khám rất quan trọng, giúp phát hiện sớm, điều trị và cách ly.
Đối với người bệnh có triệu chứng của viêm phổi cấp tính (ho, sốt, khó thở...), bác sĩ phải phân luồng, khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt. Trong trường hợp người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc, đặc biệt là từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hoặc các quốc gia khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông, Đài Loan, phải khai thác các yếu tố dịch tễ.
Các bác sĩ của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
|
Trong vòng 2 tuần, nếu thấy nghi ngờ trong trường hợp viêm phổi cấp tính do nCoV, cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho Cục Y tế Dự phòng, hoặc các đơn vị chuyên sâu khác tiến hành chẩn đoán trong thời gian sớm nhất.
Để dự phòng cho điều trị bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) gây ra, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chuẩn bị 10– 15 giường bệnh và sẽ tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Trung tâm cũng sẽ tổ chức cách ly nghiêm ngặt đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc nCoV, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các đơn vị theo quy định và hướng dẫn.
Đồng thời, Trung tâm thường xuyên cập nhật, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và phát hiện sớm, điều trị và cách ly các bệnh nhân viêm phổi do nCoV.
Khu vực điều trị cách ly (Ảnh: BVCC)
|
Chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng bệnh viêm phổi lạ
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện cũng cho biết đã chuẩn bị kỹ về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng điều trị, thu dung bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do nCoV và các bệnh dịch khác.
Rút kinh nghiệm từ nhiều vụ dịch, ví dụ sởi, cúm, sốt xuất huyết…, Bệnh viện đã tổ chức khu vực khám riêng cho các bệnh lý đường hô hấp; thiết lập khu vực cách ly; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ có tiền sử từ vùng dịch, các trường hợp đi cùng hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Khu vực điều trị hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
|
TS. Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết đã có các khu vực tiếp nhận điều trị người bệnh, phân loại, theo dõi những trường hợp nặng. Còn Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực vận hành hoạt động phòng áp lực âm, đảm bảo các phương tiện, trang thiết bị cấp cứu ví dụ máy thở, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân…
Bệnh viện còn chú trọng tổ chức theo dõi, chăm sóc người bệnh toàn diện; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị liên quan để tham chiếu kết quả xét nghiệm, đảm bảo chính xác, phát hiện bệnh viêm phổi cấp do nCoV từ Trung Quốc.
Trong trường hợp quá tải bệnh nhân, Bệnh viện đã có phương án bổ sung nhân sự kịp thời. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cũng được đưa vào trọng tâm nhằm phòng, chống lây chéo, phân loại rác thải y tế lây nhiễm và xử lý đúng quy định.
TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
|
TS. Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết sẽ tích cực truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà về bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, bệnh viêm phổi lạ và các biện pháp phòng bệnh, gồm: hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, sử dụng khẩu trang y tế, giữ gìn vệ sinh cá nhân, theo dõi tình trạng sức khỏe của người nhà người bệnh…
Các thông tin về dịch bệnh sẽ được cập nhật thường xuyên, báo cáo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để phối hợp phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch bệnh viêm phổi nặng ở Vũ Hán, đặc biệt là đã phát hiện 2 du khách Trung Quốc bị sốt khi nhập cảnh ở Đà Nẵng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phòng, chống, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Các bệnh viện đã có bề dày trong quá trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là kinh nghiệm từ dịch SARS, rất đáng quý, thuận lợi hơn trong việc phòng bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra khu labo xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
|
Tuy nhiên, hiện nay phương tiện giao thông rất thuận tiện, hiện đại, nên dịch bệnh cũng có nguy cơ lây lan rộng hơn, không chỉ tồn tại ở một vùng, một quốc gia, mà có thể xuất hiện ở nhiều quốc gia. Do đó, yêu cầu đặt ra dành cho công tác phòng chống dịch bệnh cao hơn trước nhiều lần.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bác sĩ rà soát về trang thiết bị y tế, nhân lực, công tác chuyên môn, phác đồ điều trị để sẵn sàng ứng phó với bệnh viêm phổi cấp do nCoV nói riêng và dịch bệnh nói chung. Khi có nghi ngờ, phải nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, trả lời bệnh nhân sớm để người dân không hoang mang.