Các nghiên cứu chứng minh, các bệnh nhân COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý nền, mãn tính thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.
Trước thực tế này, trao đổi với VietTimes về việc tránh lây nhiễm COVID-19 cho đối tượng người cao tuổi vốn rất nhảy cảm, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược tập trung điều trị và có các phương án điều trị hết sức cụ thể đối với người bệnh cao tuổi có bệnh nền và tập trung theo dõi các diễn biến bệnh ở trong bệnh viện đối với nhóm bệnh nhân này.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Thanh Hằng
|
Quan tâm khai báo sức khỏe
Cùng với việc tuyên truyền khai báo sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế kêu gọi toàn thể người dân đặc biệt là những người cao tuổi tích cực thực hiện những giải pháp, hướng dẫn về y tế như tránh những nơi tụ tập đông người, tránh tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch trở về.
Cùng với đó, họ cần duy trì nếp sống lành mạnh như việc đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, ăn ngủ nghỉ điều độ. Đặc biệt, khi có những biểu hiện ho, sốt, khó thở thì cần báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám chăm sóc tận nhà.
“Nếu họ có diễn biến nặng thì sẽ có các phương tiện như xe cấp cứu 115 và các phương tiện vận chuyển khác đưa họ đến những địa chỉ có đủ năng lực điều trị sớm và hiệu quả nhất đối với những người cao tuổi này”, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh thông tin.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cũng lưu ý, các hộ gia đình, các cá nhân cần hết sức quan tâm thực hiện khai báo sức khỏe, tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là thông tin từ tải khoản của Bộ Y tế trên các mạng xã hội và các trang thông tin chính thống khác.
Phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt tại các khoa lão
Về việc phân luồng khám và điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, ngay từ đầu mùa dịch Bộ Y tế đã tổ chức xây dựng tài liệu và tập huấn cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc với khoảng 700 đầu cầu, trực tiếp với cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Các bệnh viện, các cơ sở y tế phải có thông báo về số điện thoại đường dây nóng cũng như các địa chỉ khám chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh: Anh Lê.
|
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý về phác đồ điều trị chuẩn và các hướng dẫn về phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ người bảo vệ - là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, cho đến các khoa nội trú”, ông Khuê nói.
Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế tập trung một chiến lược là làm sao không giữ bệnh nhân điều trị dương tính ở các bệnh viện đa khoa vốn có tập trung số lượng lớn bệnh nhân nặng và có bệnh lý nền.
Đưa ra ví dụ về số người tập trung ở Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Khuê nhẩm tính mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp đón khoảng 5.000 người khám bệnh kèm 5.000 người nhà đi cùng và khoảng 3.000 bệnh nhân điều trị kèm 3.000 người nhà. Cùng với đó, có khoảng 3.000 – 4.000 cán bộ y tế, nhân viên y tế, sinh viên thực tập mỗi ngày. Như vậy, riêng Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 20.000 người – một con số rất lớn.
“Do vậy, chúng ta càng phải quan tâm trong việc dự phòng, phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt trong các bệnh viện lão khoa, các khoa lão tại các bệnh viện”, TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS. Khuê cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện, các cơ sở y tế phải có thông báo về số điện thoại đường dây nóng cũng như các địa chỉ khám, chữa bệnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng để người bệnh nắm được và có thể thực hiện đăng kí khám bệnh trước, giúp bệnh viện chủ động trong công tác tiếp đón và hướng dẫn người bệnh.
Ông thông tin, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các sở y tế công khai các địa chỉ được sở y tế giao tổ chức cách ly, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh từ vùng dịch cũng như người bệnh nghi nhiễm COVID-19 hay người có các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới.
“Chúng ta cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các sở y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế, giám đốc các bệnh viện. Chúng tôi cũng mong qua các phương tiện thông tin đại chúng, nếu cơ sở nào chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, chưa thực hiện đúng các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống dịch COVID-19 thì người dân phản ánh về cơ quan chúng tôi.
Những đơn vị nào không chấp hành, Bộ Y tế sẵn sàng xem xét cho rút giấy phép và đóng cửa các cơ sở khám chữa bệnh đó, bất kể đó là cơ sở khám chữa bệnh công hay tư”, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh nhấn mạnh.