Quán quân Nhân tài Đất Việt 2016: Start-up không thể chỉ dựa vào ý tưởng và nhiệt huyết

VietTimes -- Anh Lê Công Thành, Trưởng nhóm dự án “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC)” – Giải nhất CNTT triển vọng giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 - đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên VietTimes về những trải nghiệm Start-up mà anh đã trải qua.  
Anh Lê Công Thành - Trưởng nhóm dự án “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC)”
Anh Lê Công Thành - Trưởng nhóm dự án “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC)”

Theo nhà Quán quân Nhân tài Đất Việt 2016: Start-up là con đường chông gai, không thể chỉ dựa trên ý tưởng và sự nhiệt huyết

Khởi động từ năm 2012, Dự án “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC)” của CTCP Chọn lọc thông tin (Infore) được biết đến là hệ thống lắng nghe, thu thập, phân tích và thông kế thông tin trên mạng xã hội cùng các nguồn tin tức lớn, hệ thống thu nhập thông tin mỗi ngày của 30 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, phân tích ngữ nghĩa các nội dung này bằng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo hiện đại. Đây được đánh giá là trợ thủ đắc lực trong công tác quản lý thương hiệu, truyền thông, bán hàng của doanh nghiệp.

Bốn năm sau, tháng 11/2016, trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2016, SMCC đã vinh dự nhận được Giải nhất CNTT triển vọng. .

Anh Lê Công Thành tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2016

 Khác biệt nhờ công nghệ

Chào anh, chúc mừng anh và Infore đã giành Giải nhất CNTT triển vọng giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 với dự án: “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC), anh có thể cho độc giả được biết rõ hơn về dự án này?

SMCC là hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service), hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản Tiếng Việt.

Hệ thống này sẽ quét những thông tin được xuất bản hàng ngày trên Internet tại VN như thông tin trên mạng xã hội, thông tin báo chí xuất bản, thông tin trao đổi trên các diễn đàn hoặc các blog nổi tiếng, đặc biệt là khoảng 95% lượng thông tin trên facebook. Sau khi quét thông tin, hệ thống dùng những bộ trí tuệ nhân tạo để cho máy tính tự phân tích nội dung, hiểu ngữ nghĩa nội dùng, qua đó tổng hợp thống kê và đưa ra các báo cáo theo yêu cầu.

Hệ thống có thể giúp phát hiện sớm những rủi ro khủng hoảng, hay những thông tin phản ánh từ khách hàng để chăm sóc kịp thời, đo lường hiệu quả của những chiến dịch truyền thông, hay đơn giản là phân tích sở thích để thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.

SMCC có gì khác biệt với các sản phẩm đang có trên thị trường?

Bạn có thể thấy các sản phẩm cùng loại với SMCC trên thị trường có hai loại: Hệ thống do nước ngoài cung cấp và hệ thống của các DN Việt Nam. Thực ra, trước SMCC trên thị trường cũng đã có hệ thống tương tự như vậy. Tuy nhiên, khối lượng dữ liệu thu thập là rất lớn, nếu hệ thống không có hàm lượng công nghệ sâu thì phải mất rất nhiều nhân lực để chăm sóc khách hàng.

Hiện tại, với SMCC, hàng ngày chúng tôi phải phân tích 1,1 tỷ công văn/ngày bằng tiếng việt và SMCC thuần túy áp dụng công nghệ 100%. Hệ thống có thể đáp ứng cho 10.000 tài khoản truy xuất các dữ liệu cần thiết. Bên cạnh đó, SMCC có lợi thế cạnh tranh khi hệ thống của nước ngoài  không phân tích và quét bằng tiếng Việt. Nên có thể thấy, SMCC đang có lợi thế rất lớn về công nghệ, và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này.

Anh có thể cho biết đối tượng khách hàng mà SMCC hướng tới?

Hiện tại, SMCC hướng tới 3 đối tượng chính:

Thứ nhất là những người buôn bán nhỏ lẻ, những starup. Hệ thống có thể tìm kiếm nhu cầu của khách hàng trên internet và trả ra những kết quả phù hợp. Song song với việc các shop online phải bỏ quá nhiều tiền để chạy quảng cáo, SMCC có thể tìm kiếm khách hàng. Đồng thời, đây cũng là một công cụ hết sức hiệu quả để các shop xây dựng, triển khai và quản trị thương hiệu trên môi trường mạng xã hội.

Thứ hai SMCC hướng tới những doanh nghiệp cỡ vừa và lớn để theo dõi và quản trị thương hiệu. Hiện tại, SMCC đang có một loạt KH là các Resort, những đơn vị này dùng SMCC để theo dõi phản hồi của khách du lịch…. Một số DN lớn hơn có thể dùng hệ thống để quản trị truyền thông, theo dõi phát hiện những rủi ro khủng hoảng có thể xảy ra.

Thứ ba các đơn vị cơ quan hành chính Nhà nước có thể dùng SMCC để lắng nghe những ý kiến phản hồi của người dân để đưa ra những điều chỉnh, thay đổi phù hợp. Chúng tôi đã từng triển khai một dự án thử nghiệm cho Tổng Cục du lịch để lắng nghe những ý kiến phản hồi để du khách đánh giá thế nào về các địa điểm du lịch, bước đầu, dự án đã cho những kết quả rất khả quan.

Start-up:  Con đường chông gai

Bắt đầu dự án từ năm 2012, Infore được thành lập từ những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, có kiến thức và đam mê trong lĩnh vực CNTT. Đa phần những founder đều là các du học sinh của các trường đại học hàng đầu trên thế giới, đã có kinh nghiệm làm việc ở các công ty nổi tiếng như Google, Yahoo, Frace Telecom-Orange…Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, không ít những khó khăn thử thách lòng kiên trì và sự quyết tâm của nhóm.

Ban đầu các thành viên đa phần thuần túy làm kỹ thuật, suy nghĩ rất đơn giản là cứ có ý tưởng, có sản phẩm là sẽ thành công nhưng khi triển khai thì lại gặp vô vàn khó khăn, đụng đâu thiếu đó từ khả năng quản trị nhân lực, quản trị dòng tiền, gọi vốn…

Có lần, cả công ty phải giải tán, có những founder chọn giải pháp ra đi, chỉ còn một mình ngồi trong phòng tối, không còn một ai ở lại công ty nhưng chưa bao giờ anh Thành từ bỏ ước mơ Start-up.

Bằng sự quyết tâm không lùi bước trước thất bại, sau nhiều lần nhận được sự ngoảnh mặt từ các nhà đầu tư, anh Thành đã rút ra được những bài học quý giá cho những Start-up, đặc biệt là những “bí quyết” chinh phục NĐT.

Anh có thể cho biết những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai SMCC?

SMCC bắt đầu bằng những thành viên đơn thuần làm kỹ thuật starup dựa trên ý tưởng, sự nhiệt huyết và nắm bắt được công nghệ, nhưng khi triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề: Thiếu vốn, thiếu khả năng quản trị nhân lực, khả năng quản trị dòng tiền, kinh nghiệm bán hàng và thiếu rất nhiều thứ khác.

Đáng nhớ nhất có lần gặp phải thất bại, toàn bộ công ty bị giải tán, có những founder chọn giải pháp ra đi… Xong sau những lần thất bại đó, tôi rút ra rằng, start-up không chỉ đơn giản là một ý tưởng và biến ý tưởng đó thành sản phẩm. Con đường start-up rất chông gai, để có kết quả khả quan, nó đòi hỏi phải hội tụ những gì tinh túy nhất của một doanh nghiệp đã thành công trước đó nhưng thu nhỏ lại. Bên cạnh đó, việc “ gọi vốn” cho Start-up và một yếu tố rất quan trọng và cần phải có kỹ năng nhất định.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về “kỹ năng” này cho các Start-up khác?

Với nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến kế hoạch mà Start-up sử dụng đồng vốn như thế nào để gia tăng giá trị doanh nghiệp. Họ không chỉ nhìn vào ý tưởng của mình, nhân lực, hay bất cứ thứ khác, điều họ quan tâm là làm sao dùng đồng vốn đó để nâng cao giá trị doanh nghiệp hơn trong vòng 6 tháng hay 1 năm tới, nếu Start-up có kế hoạch thuyết phục được nhà đầu tư, họ sẽ đưa tiền cho mình để mình phát triển doanh nghiệp.

 Với SMCC, ban đầu chúng tôi không hề biết chuyện đó nên nhiều bên rất thích ý tưởng và công nghệ của chúng tôi, nhưng khi nói chuyện mãi họ cũng không bỏ vốn. Sau nhiều lần, chúng tôi nhận ra điều đó và đã chuẩn bị kỹ càng hơn cho những kế hoạch để thuyết phục NĐT, từ đó mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều và trong vòng 2 năm SMCC đã “gọi” được 200.000USD.

Đã có những dư luận về chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Start-up và nhà đầu tư ở VN. Anh có ý kiến gì về vấn đề này không?

Theo tôi, mấu chốt vấn đề nằm ở thỏa thuận được xác lập giữa Start-up và NĐT. Đối với SMCC, chúng tôi không gặp vấn đề đó bởi chúng tôi lên kế hoạch cho NĐT từng tháng mình cần bao nhiêu tiền, sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào, nếu thống nhất hai bên cứ thế triển khai chứ không chia làm giai đoạn dài lúc đó lại đàm phán thương lượng lại sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Việc chia nhỏ từng tháng như vậy sẽ khiến vấn đề dễ giải quyết hơn rất nhiều.

Được biết, đa phần nhóm triển khai SMCC đều là những du học sinh, anh góp ý gì về chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài hiện nay không?

Chúng tôi triển khai dự án SMCC này cũng là demo cho xã hội để làm sao thu hút chất xám từ nước ngoài về. Bạn thấy đấy, nếu chỉ dùng lương thì rất ít nhân sự có chất lượng về Việt Nam bởi vì mặt bằng lương của DN Việt không thể cao như nước ngoài. Nên nếu bảo các bạn đi làm lấy lương thì họ sẽ không về nếu có công việc tốt bên kia rồi, hoặc có về đôi khi cũng không khai thác hết được trình độ các bạn đó. Nhưng nếu thúc đẩy starup phát triển, thúc đẩy tư duy làm chủ thì lại khác. Internet hiện tại đã kéo mọi người lại gần với nhau hơn bao giờ hết, những Việt kiều, du học sinh đều có thể đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp họ kể cả họ không có mặt ở VN. Nếu họ  có cổ phần của các starup tại Việt Nam, các bạn ấy sẽ làm việc vì giá trị số cổ phần đó,  nếu công ty phát triển, giá trị cổ phần được nhân lên thì tài sản của chính các bạn ấy sẽ gia tăng và đây sẽ là động lực để các bạn đó đóng góp cho chính doanh nghiệp của các bạn cũng như cho đất nước.

Điểm yếu của Start-up hiện nay là thiếu sự liên kết và tương trợ nhau. Bản thân SMCC và Infore có chính sách gì để hỗ trợ các Start-up khác hay không?

Hiện tại, chúng tôi có một CLB Start-up với hơn 100 founder sinh hoạt dùng cùng nhau với một hình thức đơn giản ban đầu là... đá bóng. CLB bắt đầu bằng trận giao hữu với đội bóng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến bây giờ, mọi người vẫn sinh hoạt đều đặn, từ đó nẩy nở ra rất nhiều mối liên hệ khác giữa khác giữa các starup. Với SMCC, chúng tôi cung cấp cho các Start-up tài khoản miễn phí, bù lại, khi SMCC cần sự giúp đỡ cũng đã có rất nhiều các Start-up khác tương trợ. Hiện tại trên hệ thống của SMCC đang cung cấp hơn 200TK miễn phí cho các Start-up khác.

Ngoài dự án SMCC, Infore có đang triển khai các dự án khác hay không?

Thế mạnh của Infore là về trí tuệ nhân tạo, ngay cả những dữ liệu SMCC thu về cũng phục vụ tích cực cho những dự án khác. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu 8-10 dự án khác, nghiên cứu về công nghệ lõi. Có 3 dự án đang trở thành những starup và sẽ triển khai trong thời gian sắp tới.

Bênh cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng được Infore đặc biệt chú trọng, các bạn sinh viên giỏi vừa ra trường hay các bạn sinh viên đã đoạt giải quốc gia được Infore tuyển dụng, đào tạo và cung cấp cho những dự án đang triển khai.

Trong thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ tập trung nguồn lực để phát triển SMCC và đồng thời tìm kiếm những nhóm giỏi về kinh doanh nhưng đang thiếu ý tưởng, công nghệ để có thể hợp tác cùng nhau và phát triển.

Xin cám ơn anh! Chúc anh, SMCC và Infore sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trong thời gian tới.