Trước khi sụp đổ, FTX từng là sàn tiền mã hóa lớn thứ ba thế giới và được định giá 32 tỷ USD với hơn một triệu người dùng. Nhà đồng sáng lập Sam Bankman-Fried từng nằm trong danh sách tỉ phú, nhưng hiện đối mặt với án tù lên đến 115 năm.
Mới đây, một “ma trận chủ nợ” đã được các luật sư của FTX công bố vào thứ Tư trước Tòa án Phá sản Delaware của Hoa Kỳ, dài 115 trang và chứa hàng nghìn cái tên.
Theo danh sách mở rộng được tòa án Delaware công bố ngày 26/1, hàng nghìn công ty, cơ quan truyền thông, chính phủ... đang bị FTX nợ tiền. Số tiền cụ thể không được tiết lộ chi tiết. Ngoài năm hãng công nghệ kể trên, danh sách còn có Netflix, LinkedIn, Amazon và Microsoft.
Các khoản nợ không hoàn toàn đến từ việc công ty công nghệ đầu tư vào FTX. Thay vào đó, nhiều khoản là thông qua chiến dịch quảng cáo, tài trợ và quan hệ đối tác có trả phí. FTX từng có hợp đồng quảng cáo trên Facebook, TikTok và Twitter cũng như phí lưu trữ đám mây Amazon Web Services.
Người phát ngôn của Netflix, Emily Feingold nói với Forbes rằng công ty “chưa từng có bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với FTX và không hiểu tại sao họ lại liệt kê chúng tôi là chủ nợ”.
Edgar Mosley, giám đốc điều hành của công ty tư vấn tái cấu trúc Alvarez & Marsal, người đã nộp danh sách chủ nợ, đã không trả lời ngay các câu hỏi về sự khác biệt trên.
Meta đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. FTX dường như cũng không chạy quảng cáo trên Facebook, theo thư viện quảng cáo của nền tảng.
Hồi tháng 11/2022, trong hồ sơ xin phá sản, FTX nói họ có khoảng 100.000 chủ nợ. Tuy nhiên, theo CNBC, sàn tiền số thực tế "có hơn một triệu chủ nợ". Nhóm này được xác định là các quỹ đầu tư và người gửi tiền trên sàn giao dịch này.
Theo Forbes