Truyền thông phải là động lực, truyền cảm hứng
Ghi nhận rất nhiều việc mà ngành Thông tin và Truyền thông đã làm được trong thời gian qua với những nỗ lực vượt bậc, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số - cho rằng lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Vì thế, "truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra hôm nay, 18/12.
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2022, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng
Thủ tướng khẳng định có được kết quả này là có phần đóng góp quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông, ghi nhận những nỗ lực, thành tích xuyên suốt trong thời gian qua và trong năm 2022 của Bộ. |
Cùng với rất nhiều những việc đã làm được – vốn là điểm sáng, chính yếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn nữa của ngành thông tin và truyền thông.
Kinh tế số chủ yếu là sản xuất điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Dịch vụ viễn thông, nền tảng số và kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn chưa nhiều; dữ liệu - yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số - còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Các cơ quan, địa phương chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chất lượng thấp. Người dân chủ yếu sử dụng các nền tảng nước ngoài, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ, dễ lộ lọt bí mật, không bảo đảm an toàn, khó xử lý khi phát sinh tranh chấp, có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp trên không gian mạng. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật thường xuyên
Nhắc tới những việc cần làm trong năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Trong đó, có dữ liệu đất đai, nhà ở...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 2023 là năm về dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam
Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.
Cùng với đó, Thủ tướng nhắc nhở tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam.
Thủ tướng cũng lưu ý cần thúc đẩy thương hiệu "Make in Vietnam", phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành truyền thông.
Chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh năm 2023 được dự báo là có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có tác động lớn tới bên trong.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương. |
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng toàn ngành cần chủ động, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao.
"Vừa qua, tôi dự các hội nghị quốc tế thì không có ai không nói đến chuyển đổi số, không có ai không nói đến biến đổi khí hậu, không có ai không nói đến kinh tế tuần hoàn và không có ai không nói đến cuối cùng là lợi ích của người dân. Chuyển đổi số đang len lỏi vào tất cả các góc cạnh của cuộc sống, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII: "Coi chuyển đổi số là phương thức mới, có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa" - Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, trong đó, có việc xây dựng chiến lược sản xuất chip. Thủ tướng kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối.