Phúc, Lộc, Thọ và Giả của một Đức giám mục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghĩ đến cụm từ Phúc - Lộc - Thọ mà dân ta vẫn tấm tắc tôn vinh những đấng cao niên may mắn hội đủ những yếu tố trời cho và người gắng ấy, không hiểu sao cứ nhớ đến một người. Ấy là Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang!
Đức Giáo hoàng J. Paul II với Giám mục Nguyễn Văn Sang
Đức Giáo hoàng J. Paul II với Giám mục Nguyễn Văn Sang

Mạo muội mà xét, Phúc - Lộc - Thọ bất quá chỉ là viên mãn của sự hằng sống. Nhưng cái chất lấp lánh của sự viên mãn ấy có lẽ là chất lượng sống? Vậy với các bậc cao niên có chất lượng sống và lấp lánh sự viên mãn ấy, tôi muốn thêm vào chữ giả! Giả tất nhiên là người! Nhưng giả ở đây na ná như là thức giả, trí giả vậy?

Trong hàng giáo phẩm công giáo Việt Nam, trước khi trở thành giám mục, hình như cha Nguyễn Văn Sang (ngài lấy danh Thánh thương khó nghèo hèn Phanxico Xavie làm tên thánh bổn mạng) được Chúa chọn là người vinh dự can dự vào rất nhiều sự kiện? Trước khi là giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, Tổng thư ký Hội đồng giám mục Việt Nam, cha là linh mục thư ký cho hai Đức Hồng Y tiên khởi là Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn. Năm 1978, cha tháp tùng Hồng Y Trịnh Như Khuê đi Roma dự Lễ tang liền một lúc hai Đức giáo hoàng và dự Lễ bầu Giáo hoàng Jean Paul II. Do thông thạo nhiều ngoại ngữ nên nhiều lần cha được chọn đi dự các hội nghị quốc tế về tôn giáo. Cha cũng là người chứng kiến giây phút chúa gọi các đấng Hồng Y Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn về. Người ta cứ nghĩ, con đường thăng tiến của vị giám mục từng là thư ký cho các đấng Hồng Y sẽ thênh thang. Nhưng năm 1990, địa phận Thái Bình đang èo uột cả về nhân sự lẫn khô héo sự đạo, giáo hội chú mục vào nhân sự Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang này... Dịp đó, nhân một hội nghị quốc tế ở Roma, không biết bằng cách nào mà Đức giáo hoàng Jean Paul II biết được hoàn cảnh của cha Sang mà vị chủ chăn thay mặt cho chúa Kito dưới trần thế này cho gọi cha Sang tới

Ta biết được con đang có hai thứ phải chọn một là sẽ làm mục vụ ở một nới xa vắng thương khó hai là được cất nhắc với chức sắc cao hơn. Nhưng có lẽ Chúa đã chọn. Ta sẽ tặng cho con cái xe tàng tàng của ta cho con đi làm mục vụ...

Cái xe của Đức giáo hoàng thì Giám mục Nguyễn Văn Sang không dám nhận nhưng ngài đã vui vẻ về chăn chiên ở quê lúa Thái Bình với chức danh Tổng giám mục địa phận. Có lẽ khỏi kê ra ở đây công sức của ngài hơn 20 năm làm mục vụ ở địa phận Thái Bình đã trải bao thương khó gian nan làm sầm uất những xứ đạo cùng với làn gió Đổi mới lộng thổi khắp đất nước nói chung và Thái Bình nói riêng.

Cánh viết lách nhiều người biết đức cha có lẽ trong mặt bằng của các đấng chăn chiên xứ Việt nhô và nhỉnh lên một Nguyễn Văn Sang với nhiều đầu sách đã được xuất bản?

Một trong số những cuốn sách của Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang và bút tích của ngài gửi tặng tác giả.

Một trong số những cuốn sách của Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang và bút tích của ngài gửi tặng tác giả.

Mạo muội nghĩ thêm Hội văn bút Việt Nam nên có một Giám mục? Tại sao không? Chưa hẳn là Hội vời được một vị Giám mục, một trong những hàng giáo phẩm quan trọng của Thiên chúa giáo (mà hình như trong Hội mình, chưa có vị sư sãi cao tăng nào, ấy là bên Phật giáo! Còn Thiên chúa giáo chưa có một tu sĩ một linh mục lại càng không có vị giám mục nào viết văn?) nội sức viết của vị giám mục này cũng là đáng nể. Sơ sơ gần 20 đầu sách của những NXB Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn (cuốn Hành hương và thăm viếng với hàng ngàn trang in được tái bản đến 3 lần) NXB Tôn giáo... Sách dịch cũng có đến 5 cuốn rồi thơ 2 tập, cả kịch nữa,… Điều độc đáo trong những ấn phẩm của vị giám mục này, tỷ trọng giáo lý văn dĩ tải đạo chiếm chỉ khiêm tốn thôi còn là chứa chan là ăm ắp những chuyện đời thường là đời sống trần tục mà không cứ người bình thường không tôn giáo hay con chiên và cả các đấng chăn chiên cũng phải chiêm nghiệm nếm trải. Những quy luật tình cảm - quy luật muôn đời giúp cho ranh giới ngăn cách (nếu có) giữa tôn giáo và đời sống trần tục đỡ hoăm hoắm sâu thẳm.

Lần ấy về Thái Bình, trong văn phòng của ngài, thấy tôi cứ ngó mãi tấm ảnh chụp chung với Hòa thượng Thích Thanh Tứ hình như trong một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc, ngài cười đưa cho cuốn Đối thoại tôn giáo mà ngài là tác giả. Sách mới in của NXB Tôn giáo. Hóa ra tấm ảnh ấy được in ở bìa 4 của cuốn sách. Hai vị chức sắc của hai tôn giáo này hóa ra từng quen biết nhau từ lâu!

Chắc khi cho in bức ảnh ở bìa 4 này chả phải chỉ là ghi lại dấu ấn của một kỷ niệm? Lật vội cuốn sách mới được tặng, tôi thoáng thấy một trang trích từ Niên giám công giáo Việt Nam 2004 Kito giáo chiếm 2 tỉ người. Phật giáo chiếm 362 triệu người... Cũng chợt thêm một ý nghĩ, nếu như 2 tôn giáo này trên thế giới hòa hợp ở mức độ nào đó, mà tìm được tiếng nói chung ở những lĩnh vực nào đó thì quả là hồng phúc cho nhân loại? Và với dân Việt mình nữa chứ? Cứ ngó hai vị cao lão đang đóng các chức trọng của hai tôn giáo đang hòa hợp vững chãi với nhau trong thế đứng trên đất Việt, đồng một hướng nhìn vị nhân sinh như thế này thì chao ơi, lòng những lương dân Việt nào mà lại không yên tĩnh?

Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang và Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang và Hòa thượng Thích Thanh Tứ

Về nhà lật giở thêm cuốn Đối thoại tôn giáo dày gần 600 trang, ngạc nhiên chưa phải là sức nghĩ sức đọc và cả sức đi được thể hiện trong cuốn sách của vị giám mục đã cao niên này... Trong trật tự của thế giới hiện đại, đối thoại là âm hưởng chủ đạo để tìm ra chân lý. Có phải đạo và đời gặp gỡ ở sự đối thoại này? Chợt nghĩ thêm, cố Giáo hoàng Jean Paul II từng kêu gọi cuộc đối thoại giữa đức tin và nền văn hóa trong thời đại hiện nay là lãnh địa mang tính sinh tử... Và nữa, trong một Sứ điệp của Hội đồng giám mục Á Châu cũng thủ thỉ sự đối thoại được khuyến khích ở mọi cấp độ ở gia đình và cộng đoàn. Đối thoại cơ bản nhất là đối thoại bằng trái tim và tâm hồn... 40 câu hỏi cũng là 40 vấn đề được lần lượt trình bày kèm câu giải đáp trong phần I với 378 trang in trong Đối thoại tôn giáo từ những vấn đề đơn giản đến phúc tạp như Tôi nghĩ rằng không có đức chúa trời? Tại sao những người làm ác ở thế gian này thường được thành công? Thế ra Chúa ủng hộ những người xấu ư? Đạo được ích gì đâu, tôi thấy khối người giữ đạo mà chả tốt hơn người khác cứ gì người công giáo mới thánh thiện, rất nhiểu anh hùng vĩ nhân quân tử hơn cả người công giáo do đó cần gì phải gia nhập giáo hội? Giáo hội vẫn dạy yêu thương bác ái nhưng thời trung cổ lại lập ra thập tự chinh để gây chiến với người Hồi giáo? Giáo hội là tay sai là công cụ đắc lực cho tư bản bóc lột dân nghèo vv... và vv...

Rõ ra không phải là cái sự thích đến đâu thì giải đến đấy hoặc nói lấy được mà vị giám mục này đã sử dụng phưong pháp tư duy logíc để tiếp cận dẫn dắt cũng như lý giải vấn đề. Nguyên tắc mà ngài đặt ra là sự hiểu biết không thấu đáo, suy nghĩ phiến diện do thiên vị chủ quan, vơ đũa cả năm, lý luận không logic thì khó mà can dự vào sự đối thoại như thế này.

Phần II, với ưu thế của một nguời viết, giám mục Nguyễn Văn Sang đã trình bày những dạng vấn nạn của đời sống và tôn giáo bằng những truyện ngắn ghi chép khá sinh động. Vậy nên Đối thoại tôn giáo không hẳn là thích hợp với những đối tượng nghiên cứu tôn giáo nói riêng mà nhiều bạn đọc có đạo và không có đạo đều có thể tiếp cận một cách thú vị. Để mà tự tin hơn ở vị thế vị trí của mình! Để mà hơn cân bằng yên tĩnh hơn trong cõi ta bà nhân sinh vô thường này?

Ấn tượng hơn cả là lần ấy, năm 2007, tôi tiếp được giấy mời của Đức Giám mục Địa phận Thái Bình Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Sang tới khánh dự lễ khánh thành nhà thờ chính tòa Thái Bình vừa được xây mới. Cầm lên tấm giấy láng cóng thơm mùi mực in, tôi cảm vô hạn cái thịnh tình của vị giám mục cao niên kiêm nhà văn công giáo này. Đận tái bản mấy tập cuốn Bước đường hành hương (lần tái bản của NXB Hội Nhà Văn có tên mới là Hành hương& Thăm viếng) Đức cha cũng gửi cho sách. Lần xuất bản tập thơ Dâng tặng của ngài do NXB Tôn giáo ấn hành, ngài cũng cho người đem sách đến. Dịp Lễ kim khánh nhân sự kiện Đức cha Sang 50 năm làm linh mục, 25 năm ở chức Giám mục, ngài cũng thân đánh giấy tới.

Giáo xứ chính tòa.

Giáo xứ chính tòa.

Một bận đã lâu khi đi công tác ghé nhà thờ chính tòa Thái Bình cũ, tôi được đức cha Nguyễn Văn Sang dẫn cho đi coi khắp một lượt. Ấn tượng hôm ấy là thấy cha luôn miệng kêu khổ vì chốn thờ phuợng chúa này đã bị xuống cấp trầm trọng. Qua cụ, tôi được biết, nhà thờ chính tòa được xây từ năm 1906 (đến thời điểm tôi tới đã 96 năm) Thuở xây nhà thờ gạch thủ công đốt bằng rơm bổi cát đồng nội cùng vôi cũng nung thủ công có lẽ đã hết đát sử dụng! Trần nhà thờ bắng kết cấu rơm vôi vữa tre gỗ cũng đã quá hạn sang sửa từ lâu. Toàn bộ các xà cong được treo bằng gông gỗ, xà trần và các đầu mộng của xà vòm đã mục nát. Toàn bộ mái nhà thờ gồm hoành, rui gỗ và ngói dựa trên các xà ngang làm bằng hai thanh sắt hình chữ I cũng đã bị mục. Qua mấy lần sữa chữa đã phải dùng dây thép và bulông buộc chằng chịt nhưng vẫn quá tải. Tai hại hơn, trận bão năm 1997 đã làm mấy xà bị gãy. Cộng thêm toàn bộ lan can bị vỡ nát do tình trạng sụt lún của nền nhà thờ! Do sụt lún nên nền nhà chỗ cao chỗ thấp và dẫn đến hiện trạng các phần trong khu vực gian thánh đã bị tách rời không kết nối với nhau được nữa. Tuổi thọ của nhà thờ chắc cũng vượng được ít năm nữa nếu không có hai trận bom dã man của không lực Hoa kỳ năm 1967 bất thần trút xuống khu vực nhà thờ chính tòa Thái Bình. Tuy nhà thờ không sập hẳn nhưng đã đổ mất gian thánh và để lại di hại trầm trọng đến bây giờ: tường xiêu về phía bắc 15 cm và toàn bộ vòm trần lung lay có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nói dại mồm vào lúc bà con giáo dân đang dự lễ hành lễ mà có sự cố gì thì thật tai hại. Để là cái áo, tháo là cái tấm, Đức cha thuận miệng vận một câu thành ngữ khi tôi băn khoăn rằng liệu có thể trùng tu lại được không? Đức cha Sang cho biết đã có mấy lần trùng tu qua hàng chục năm nay nhưng không lại. Qua tham khảo các nhà chuyên môn với thể trạng như hiện tại nếu trùng tu kinh phí sẽ gấp 3 lần xây mới nếu cùng kích cỡ và hình dáng nguyên như cũ!

Năm tháng vùn vụt trôi. Tôi không tường lắm cách thức của êkip do đức giám mục Nguyễn Văn Sang đầu trò trong việc xây mới nhà thờ chính tòa ra làm sao, những gian nan thương khó cỡ nào... Nhưng cứ nhõn việc khó khăn những là giấy phép và giá vật liệu mỗi ngày một ngất ngưỡng thì cũng phần nào lường hết được công sức mà vị chủ chăn đã quá thất thập luôn mang trong mình chứng cao huyết áp với lại tim mạch đã phải bỏ ra. Chạy đuợc giấy phép trong lúc không ít ý kiến khăng khăng rằng, nhà thờ cũ trông đẹp thế phá đi làm gì!? Rồi nội cái việc ngài đã phải xoay xỏa để mở rộng phần khuôn viên lẫn diện tích nhà thờ vốn eo hẹp mà phần đất ngài đã phải đàm phán một cách dai dẳng qua nhiều năm (mà cha giám đốc phụ trách xây dựng nói lại với tôi trị giá hiện tại trên 25 tỉ đồng) Rồi kinh phí để xây? Lúc đầu tôi cứ tưởng vị chủ chiên địa phận Thái Bình cứ xướng lên bao nhiêu thì giáo hội lẫn Tòa thánh bên La Mã sẽ họa lại bấy nhiêu nhưng hóa ra chả phải! Quả là những lần đi đây đi đó của Đức cha những trời tây xứ này vùng khác xin viện trợ, số kinh phí là bao nhiêu, con số cụ thể hạng như tôi làm sao biết nhưng cứ như chỗ Đức cha bộc bạch thì chưa thấm tháp gì! Hóa ra việc xây nơi thờ phượng chúa, cách thức cũng tờ tợ và nghiệt ngã như cái lý của đời sống trần tục này vậy! Nghĩa là phải tiết kiệm phải tìm tra phương án tối ưu trong thi công. Cụ thể theo đức cha là phải đấu thầu. Đấu thầu ra làm sao? Xin dẫn ra mấy việc. Tỷ như việc phá dỡ nhà thờ cũ, lúc đầu nhà thầu xướng lên 500 triệu đồng. Nhưng qua đàm phán đến nhà thầu cuối cùng còn... 80 triệu! Toàn bộ sơn dùng trong nội thất là 1 tỉ đồng. Ấy là nhà thầu đầu phát ra nhưng đến nhà thầu cuối là 400 triệu đồng. Gạch lát nền toàn bộ nhà thờ cũng trên 1 tỉ đồng. Nhưng đến nhà thầu là đơn vị thi công cuối chỉ còn 400 triệu vv... Tôi cũng tỷ mẩn chép ra đây cung cách quản lý của Ban kiến thiết nhà thờ chính tòa.. Trước khi xây dựng, ban kiến thiết đã chia nhau đi tham khảo tận gốc các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Đây cũng là dịp cha xứ cùng Ban kiến thiết làm quen với nhiều nhà máy. Sau khi ký hợp đồng với các giám đốc, vật liệu đuợc chở về sân nhà thờ dưới sự giám sát của Ban bảo vệ và Ban vật tư. Mỗi hóa đơn phải có đầy đủ 6 chữ ký. 1. Đại diện ban bảo vệ. 2. Đại diện Ban vật tư. 3. Chữ ký của ông Chánh trương. Bốn là kế toán của Ban kiến thiết. 5. Chữ ký của bên bán vật liệu. 6. Chữ ký của Cha giám đốc công trình Trần Xuân Chiêu duyệt trước khi đến chính tay Đức giám mục F.X Nguyễn Văn Sang ký duyệt và cuối cùng mới đến tay đức cha Tổng quản giáo phận để lĩnh tiền. Chưa hết, đi lĩnh tiền thường là ông Chánh trương và ông Trùm giáo xứ, đôi khi việc lĩnh tiền ấy còn kèm theo đại diện của chính chủ bán vật tư hoặc đại diện các đội thợ. Như vậy cha xứ và là Giám đốc công trình không hề dính dáng đến đồng tiền cụ thể để rảnh tay lo việc khác! Lại vẫn chưa kết thúc! Mọi vật tư đưa về công trình còn có sự giám sát kiểm nghiệm của các tổ thợ khác nhau đang thi công. Đó là chưa kể sự coi xét tinh tường của hàng ngàn giáo dân thường qua lại và có mặt tại công trình. Lẩn mẩn kê ra như vậy để lẩn thẩn nghĩ rằng, biết bao kỳ họp của Quốc hội người ta than phiền cái tỷ lệ thất thoát trong xây dựng cơ bản những là 15 rồi 20 rồi 25 cho đến đỉnh điểm gần đây tới 35 %!?

Phải biên ra một cách tỷ mỷ thậm chí vụn vặt ra như thế, người viết bài này chưa dám coi tầng nấc lẫn quy trình cùng kinh nghiệm quản lý của Ban kiến thiết nhà thờ chính tòa Thái Bình là tối ưu! Nhưng có lẽ ông Bộ trưởng Bộ xây dựng cùng thuộc hạ lẫn cơ man người, những giăng giăng các cơ quan có trách nhiệm coi sóc việc thất thoát trong xây dựng cơ bản cũng nên đáo qua đây tí chút thời giờ mà tham khảo ngõ hầu có thể giảm đi chút bớt cái tỷ lệ thất thoát khốn nạn đã và đang khấu đi không biết là bao nhiêu tiền thuế của dân?

Cung cách quản lý hợp lý tối ưu ấy cộng với sự xúm tay vô tư của hàng ngàn giáo dân địa phận hay do có bàn tay của chúa dẫn dắt chở che? Không rõ nữa nhưng các công trình nhà thờ chính tòa, nhà sách của Tòa giám mục, khuôn viên Tòa giám mục phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo, nhà xứ mới 4 tầng, Đàng thánh giá, Linh đài La Vang... đã được hoàn thành tốt đẹp. Chi phí cho hàng loạt công trình này, theo đánh giá của giới chuyên môn trong và ngoài tỉnh Thái Bình không dưới 30 tỉ đồng. Nhưng với cung cách quản lý và sáng tạo trong thi công, công trình đã rút xuống nhiều tỉ đồng! Một con số khó tin trong mặt bằng xây dựng hiện nay?

... Thả bước trong lòng nhà thờ chính tòa, tôi chưa lĩnh hội hết những nguyên tắc vàng khi xây dựng lại nhà thờ chính tòa, như Đức cha Sang từng nói rằng, đường nét hình khối phải đơn giản không lòe loẹt phải mang màu sắc tôn giáo phải phù hợp với thị hiếu mà giáo dân đang ưa chuộng... Nhưng cứ ngắm suốt lượt những gương mặt hoan hỉ của các vị chăn chiên (khéo là dịp khánh thành nhà thờ chính tòa lại trùng với thời điểm kết thúc Đại hội lần thứ X Hội đồng Giám mục Việt Nam. Lễ khánh thành hôm nay có mặt của 3 vị chủ chiên địa phận Hà Nội, địa phận Huế, địa phận TP Hồ Chí Minh cùng hàng trăm linh mục giám mục ở các địa phận) lẫn giáo dân cùng khách mời dự lễ khánh thành thấy công sức của đức Giám mục F.X Nguyễn Văn Sang cùng ban kiến thiết với bà con giáo dân bỏ ra quả không uổng. Ngắm gian cung thánh nổi bật với nền gạch đỏ, tường sơn thếp rực rỡ hài hòa trong nền nâu trầm tổng thể của toàn bộ lòng nhà thờ, chợt nhớ hồi nãy đứng với mấy anh em bên ngành kiến trúc vốn khó tính lẫn khắt khe nhưng thấy họ phán gọn lỏn rằng cũng được! Lại ngắm thêm đức cha Sang nổi trội trong hàng phẩm phục, ngài như trẻ lại hơn cái tuổi 75 đang hào sảng đọc những câu văn vần cảm ơn quan khách và các con chiên, thấy tự dưng dậy lên cảm giác an lành đẹp đạo tốt đời!

Lâu lâu chưa gặp lại đức cha... Nghe nói đức Giám mục cũng đã về hưu bởi chứng cao huyết áp cùng bệnh khớp đã hành hạ ngài nhiều năm nay.

Tôi không tường lắm việc hưu của các đấng chăn chiên như thế nào nhưng nghe nói ngài muốn giành nhiều thời gian để tiếp tục việc viết sách.

Chẵn bát tuần mà vẫn nuôi vẫn tiếp được cái đam mê như vậy lại cũng chả sướng sao?

Nhớ cữ nắng năm xa, ghé Thái Bình, ngài cho bõ già đánh cá dưới ao lên làm gỏi… Ngài cười vui nắng gỏi mưa cầy. Nhưng tôi biết Đức Giám mục kiêng khem kỹ lắm vì ngài bị bệnh cao máu. Năm ấy ngài có mục vụ lên Hà Nội, cho gọi chúng tôi đến dự bữa ở quán Sen Tây Hồ. Ngài đưa menu bảo gọi thoải mái. Về phần ngài chỉ là đĩa nộm ngó sen. Những bữa ăn gần, nhậu xa ấy chỉ là cái cớ cho câu chuyện và sự hiệp thông đạo đời của vị chăn chiên ấy với lũ trần tục chúng tôi cho thêm phần ấm áp.

Rồi một ngày tháng Mười năm 2017, chúng tôi bất ngờ nhận tin dữ.

Đức Giám mục Phanxico Xavier Nguyễn Văn Sang đã hoàn tất cuộc lữ hành đức tin nơi trần thế - về Nhà Cha, tại Toà Giám mục Thái Bình, hưởng thọ 86 tuổi, với 59 năm đảm nhiệm vai trò Linh mục và 36 năm làm Giám mục.