Phù phép hàng nghìn tấn thịt trâu đông lạnh thành “thịt bò

Theo tờ khai hải quan, một năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 26.000 tấn thịt trâu từ Ấn Độ và một số nước khác. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường thì thấy rất ít thịt trâu được bán ra
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt trâu và thịt bò
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt trâu và thịt bò

Mỗi tháng nhập khẩu 2.100 tấn thịt trâu

Cuối năm 2014, tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), lực lượng chức năng kiểm tra kho đông lạnh của Công ty An Việt, đã phát hiện ra nơi tập kết một lượng lớn thịt trâu nhập khẩu chuyên cung cấp cho các bếp ăn tập thể. Kho này đang chứa khoảng 40 tấn thịt trâu đóng thùng nhưng không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng, một số hộp bao bì đã bị xé rách. Lực lượng kiểm tra nhận định, từ loại thịt không nhãn mác, khi gặp khách hàng đặt mua, đơn vị nhập khẩu sẽ “gắn” thêm nhãn mác thịt bò để đưa ra tiêu thụ trên thị trường. 

Lần theo đường đi của lượng thịt nhập khẩu và kiểm tra bếp ăn của 2 đơn vị cung cấp suất ăn trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường và Công an bước đầu xác định, bếp ăn này đã sử dụng thịt trâu có nguồn gốc nhập khẩu nhưng nhãn mác ghi trên vỏ bao bì lại là… “thịt bò”.  Nguồn gốc của số “thịt bò” này được lấy từ kho đông lạnh của Công ty An Việt.

Đáng nói, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG cho biết, trong năm 2014, Ban chỉ đạo 389 và Cục QLTT đã phát hiện trên 26.000 tấn thịt trâu được nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác (theo tờ khai của hải quan). Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường thì thấy rất ít thịt trâu được bán ra. Như vậy, trung  bình, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu khoảng 2.100 tấn thịt trâu các loại. Sự việc kỳ lạ này đã khiến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phải đặt câu hỏi: “Có hay không việc 26.000 tấn thịt trâu được đưa vào các bếp ăn tập thể dưới danh nghĩa thịt bò?”. 

Việc kinh doanh thịt trâu, thịt bò nhập khẩu không vi phạm, nhưng vì thị hiếu tiêu dùng của người dân cũng như lợi nhuận từ việc thịt trâu giả thịt bò lớn nên hành vi đánh tráo đã diễn ra. Theo khảo sát, trên thị trường, số điểm bán thịt trâu tươi đông lạnh nhập khẩu khá khiêm tốn, giá bán thịt ngon (phile và thịt bắp) cũng chỉ ở mức 150.000-160.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu “đội lốt” thịt bò, giá bán sẽ ở mức 220.000 - 300.000 đồng/kg.

Trâu đông lạnh “đội lốt” bò đã diễn ra từ lâu

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, số lượng thịt trâu từ Ấn Độ nhập về Việt Nam liên tục tăng mạnh. Trong đó, có một số lượng đáng kể xuất đi Trung Quốc, còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do khá giống với thịt bò nên khi mặt hàng này ra đến thị trường đã trở thành thịt bò với mức giá chênh lệch lớn.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho hay, việc phân biệt giữa thịt trâu và thịt bò rất khó, nhất là khi đã đưa vào các bếp ăn tập thể để chế biến. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, khi các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam thì hồ sơ, giấy tờ vẫn là thịt trâu. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường và đưa vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể thì đã biến thành thịt bò. Thậm chí, Phó cục trưởng Cục Thú y tiết lộ: “Tại phần lớn các nhà hàng ăn uống hiện nay, món bò sốt tiêu đen (90%) làm từ thịt trâu”. Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt giữa thịt trâu với thịt bò không dễ, nhất là khi đã qua chế biến với các loại gia vị.

Theo tìm hiểu, các cửa khẩu nơi mặt hàng thịt trâu tập trung về nhiều là Đình Vũ (Hải Phòng) và Tân Cảng Cát Lát, TP.HCM. Thịt trâu nhập khẩu dưới nhiều dạng khác nhau: đông lạnh không xương, nạm cắt lát, thịt nạc vai… Đối với các doanh nghiệp phía Bắc, mặt hàng này được khai báo chủ yếu dưới dạng hàng tạm nhập, còn tại cảng phía Nam, mặt hàng này được khai với mục đích kinh doanh. Nguồn nhập chủ yếu là từ nhà cung cấp Allanasons (Ấn Độ). Giá trung bình mà các doanh nghiệp nhập về khoảng 3-4 USD/kg (tương đương 60.000-85.000 đồng/kg), nhiều loại giá chỉ có khoảng 1,58 USD/kg (hơn 30.000 đồng/kg).

Theo ANTĐ