Ông Wingfield-Hayes vừa có chuyến điều tra hành động bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông cách đây mấy ngày.
Ông có mặt trên một chiếc máy bay loại nhỏ Cessna 206 của Philippines cùng 2 phi công, 1 kỹ thuật viên và 1 người quay phim trong chuyến đi tới đảo Pagasa, sau đó tìm hiểu các hoạt động phi pháp mà Trung Quốc đang triển khai tại Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Gaven.
Khi ở trên đảo Palawan của Philippines, ông được thị trưởng cho biết ngư dân Trung Quốc đang cố tình phá hủy các rạn đá ngầm gần một nhóm đảo san hô vòng do Philippines kiểm soát cả ngày lẫn đêm từ cách đây 2 năm. “Tôi nghĩ rằng đó là hành động cố ý, giống như họ muốn trừng phạt chúng tôi bằng cách phá hủy các rạn đá ngầm” – vị thị trưởng nói.
Ngư dân Trung Quốc bị tố phá hủy các bãi đá ngầm ở biển Đông. Ảnh: BBC
Ông Hayes nhanh chóng xác thực được thông tin trên không phải là lời nói xấu Trung Quốc. Khi ngồi trên chiếc Cessna 206 bay gần đảo Pagasa, một dải đất dài khoảng 400 m, ông chứng kiến cảnh hơn 10 tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc neo đậu tại một bãi đá ngầm gần đó, phía sau là cát và sỏi họ vừa đào lên.
“Nhìn này Jiro (người quay phim đi cùng ông Hayes), đó là những gì thị trưởng nói đến, hoạt động khai thác san hô” – ông Hayes thốt lên.
Khi máy bay đáp xuống, ông hỏi một người lái thuyền Philippines và được trả lời rằng các ngư dân Trung Quốc neo tàu vào rạn đá ngầm rồi chạy mạnh động cơ để cánh quạt bằng thép xoáy nát các rạn san hô. Bên dưới mặt nước, một hệ sinh thái san hô tan nát, phủ lên đáy biển một lớp dày mảnh vỡ trong khi hàng triệu mảnh vỡ san hô khác chết trắng, trôi nổi như những mảnh xương.
Các mảnh san hô chết trắng. Ảnh: BBC
Ông Hayes thắc mắc tại sao những kẻ săn trộm lại phá hủy cả một rạn san hô tuyệt đẹp như vậy. Cuối cùng, ông phát hiện họ đang kéo một con trai khổng lồ có đường kính khoảng 1 m và ném lên thuyền. Trên thuyền khi đó đã có sẵn 3 con trai. Với kích thước cỡ đó, những con trai này có thể đã được 100 năm tuổi và như ông Hayes từng xem trên một trang web đấu giá, chúng có giá dao động từ 1.000 USD – 2.000 USD/cặp.
Trên đuôi mỗi con thuyền của nhóm săn trộm có dòng chữ Tanmen – một cảng cá ở đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hồi tháng 5-2014, cảnh sát Philippines bắt giữ một chiếc thuyền đến từ Tanmen tại một bãi đá ngầm gần Bãi Trăng Khuyết. Trên thuyền có 500 con rùa biển Hawksbill, hầu hết đã chết. Loài rùa này nằm trong danh mục bảo vệ của Công ước về Buôn bán các loài nguy cấp quốc tế (CITES). 9 kẻ săn trộm sau đó bị tòa án Philippines kết án 1 năm tù giam.
Quay trở lại những kẻ săn trộm hiện tại, ông Hayes cảm thấy lạ vì họ không tỏ ra sợ hãi khi bị quay phim. Trên đảo Pagasa, một sĩ quan Hải quân Philippines cho biết nhân viên của ông không truy đuổi ngư dân Trung Quốc vì sợ gây chiến với hải quân của họ.
Nhóm săn trộm không tỏ ra sợ hãi khi bị quay phim. Ảnh: BBC
Tuy nhiên, theo ông Hayes, cảnh tàn phá san hô tuy rất sốc nhưng không là gì nếu so với mức độ hủy hoại môi trường mà chương trình xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc gây ra cho biển Đông.
Ông tiết lộ Trung Quốc vừa xây xong đảo trên Đá Vành Khăn, đồng nghĩa với việc hơn 9 km san hô sống đã bị chôn vùi dưới hàng triệu tấn cát và sỏi của Bắc Kinh.
P.Nghĩa - Theo BBC, NLĐ