Phó Thủ tướng chỉ đạo cấp mã QR Code cho người có kết quả xét nghiệm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM xem xét việc cấp mã QR Code cho người đã có kết quả xét nghiệm COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM xem xét việc cấp mã QR Code cho người đã có kết quả xét nghiệm. Nguồn: Báo Chính phủ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo TP.HCM xem xét việc cấp mã QR Code cho người đã có kết quả xét nghiệm. Nguồn: Báo Chính phủ

Cần chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác chống dịch

Khẳng định tinh thần Chính phủ luôn đồng hành cùng TP.HCM chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 với TP.HCM ngày hôm nay 5/7 cho rằng hiện nay số lượng ca bệnh tại TP đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở.

Trong đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố nhưng phải đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để cung ứng đủ cho người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao TP.HCM sớm kết nối và phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để thống nhất phương án kiểm soát người đi/đến TP, người điều khiển các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra/vào TP… Những người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Ngược lại người từ TP.HCM (những vùng cách ly, phong tỏa) về các tỉnh thành phải được cách ly.

Theo Phó Thủ tướng, trong công tác xét nghiệm, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu và kết nối dữ liệu đã rút kinh nghiệm và ngày càng tổ chức bài bản, hiệu quả hơn. Ngành Y tế và ngành Thông tin - Truyền thông cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR Code cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra/vào TP hoặc đến các địa điểm, khu vực trong TP. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng trong tình hình đang có nhiều điểm giãn cách, phong toả phải có phương án phù hợp hơn.

Việc khai báo y tế, địa phương rà soát xem đã triển khai toàn dân hay chưa? Ở những nơi nào chưa có khai báo điện tử thì khẩn trương hỗ trợ để người dân thực hiện khai báo y tế bằng giấy đầy đủ.

Tại điểm cầu UBND TP.HCM - Ảnh: TTBC
Tại điểm cầu UBND TP.HCM - Ảnh: TTBC

Ba nhóm giải pháp để kiểm soát dịch bệnh

Sở Y tế TP.HCM nhận định, xu hướng số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế; điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, ngành Y tế TP.HCM cho rằng, để kiểm soát dịch bệnh cần có những biện pháp quyết liệt như sau.

Thứ nhất, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND TP về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP; Cân bằng lợi ích về kinh tế, tuy nhiên cần cân nhắc giữa thực hiện giãn cách và sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, loại bỏ (làm giảm) nguồn lây nhiễm trong cộng đồng; trong đó, những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch COVID-19, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh, qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa. Chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường...) để kiếm soát dịch.

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Tại các ổ dịch trên địa bàn: thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phổ, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty. Thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch) có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Lặp lại xét nghiệm để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 01-03 ngày/lần; Khu vực có nguy cơ cao: triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 05 - 07 ngày/lần.

Thứ ba, làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ; Khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần có giải pháp giãn cách để tránh lây lan; Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.