Ý tưởng ngửi được mùi trong các cảnh phim không phải là mới. Chúng ta có thể thấy một nỗ lực như vậy đã được thực hiện vào năm 1959 khi người ta ứng dụng một công nghệ gọi là AromaRama để gửi mùi cho khán giả.
Thật tuyệt vời khi xem một cảnh quay khu vườn, chúng ta ngửi được mùi thơm của hương hoa, hoặc ngửi được mùi khói trong các cảnh quay chiến tranh hoặc bom nổ.
Đã đến thời kỳ mà chúng ta ngửi được mùi qua… dòng điện!
Một số tiến bộ về công nghệ đã giúp viễn cảnh chúng ta ngửi được mùi trong các bộ phim trở nên thực tế hơn. Các nhà nghiên cứu ở Viện Imagineering ở Malaysia đã tìm ra một phương pháp mới có thể giúp mọi người ngửi mùi qua dòng điện và họ dự định sử dụng nó trong các ứng dụng dựa trên thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR và AR).
Các nhà khoa học Malaysia gọi kỹ thuật này là Digital Smell. Họ đưa vào mũi người tham gia thí nghiệm một điện cực mỏng, cho nó tiếp xúc với lớp lót bên trong mũi. Tất nhiên là công nghệ này còn khá cồng kềnh, vì người ta sẽ phải đưa sợi dây dẫn vào lỗ mũi người thí nghiệm, nhưng các nhà khoa học nói rằng họ đang nghiên cứu để thu nhỏ thiết bị, giúp mọi người có thể dễ dàng thực hiện và sử dụng.
Hai nhà khoa học đứng đầu dự án này là Kasun Karunanayaka và Adrian Cheok. Trong khi ông Kasun Karunanayaka thực hiện nghiên cứu này để bảo vệ luận án tiến sỹ, thì ông Adrian Cheok lại đang là Giám đốc của Viện Imagineering. Giấc mơ của hai nhà khoa học là tạo ra một “mạng Internet mùi vị”.
Thiết bị tạo mùi hoạt động như thế nào?
Ban đầu, các nhà khoa học tạo ra một thiết bị bao gồm các hộp mực pha trộn và giải phóng hóa chất. Nhưng đây không phải là những gì mà nhóm nghiên cứu muốn hướng tới. Họ muốn tạo ra một hệ thống có thể tự tạo mùi hương thông qua dòng điện, tức là bằng cách kích thích vào một khu vực nào đó trong não bộ.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm với tế bào thần kinh trong mũi. Thử nghiệm này đòi hỏi một sợi dây được đưa vào mũi. Khi đầu bạc tiếp xúc với biểu mô khứu giác, nằm khoảng 7cm trong khoang mũi, các nhà khoa học sẽ phóng một dòng điện vào đó.
“Chúng tôi sẽ xem những khu vực nào trong não được kích thích trong từng điều kiện, sau đó so sánh hai mẫu thí nghiệm xem liệu chúng có kích thích cùng một khu vực của não bộ không. Nếu đúng như vậy, vùng não này sẽ trở thành mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi trong tương lai”, nhà khoa học Karunanayaka nói.
Các nhà nghiên cứu cũng thay đổi cả cường độ dòng điện để xem cảm giác mùi mà chúng tạo ra với người tham gia thí nghiệm. Một số sự kết hợp dòng điện đã làm cho người thí nghiệm cảm nhận được mùi trái cây hoặc mùi hóa chất trong tự nhiên.
Phần tiếp theo là xác định các thông số chính xác để tạo ra mùi nhất định. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu muốn thiết kế lại thiết bị để nó thoải mái hơn với người dùng bởi trong thí nghiệm của họ nhiều người tham gia đã bỏ cuộc vì họ cảm thấy quy trình quá bất tiện.
Hoàn thiện công nghệ này sẽ đem lại khả năng to lớn, không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực phim ảnh, Internet mà còn giúp những người bị rối loại mùi phân biệt mùi chính xác hơn.