Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: P.D)
|
Tại buổi tọa đàm công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 1/2019” của Viện nghiên cứu kinh tế à chính sách (VEPR), PGS. TS Phạm Thế Anh cho biết nhiều chỉ báo kinh tế vĩ mô Quý 1/2019, dù thấp hơn năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Các chỉ báo này góp phần phác họa nên những nét cơ bản của nền kinh tế vĩ mô trong cả năm 2019.
Dù có nhiều đánh giá tích cực, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, một số ngành có dấu hiệu chậm lại.
Mặt khác, cũng trong Quý 1/2019, thế giới cũng chứng kiến nhiều biến động khó lường (chiến tranh thương mại, kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn).
Đây là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế có “độ mở lớn nhất thế giới” như Việt Nam. Trong đó, hệ thống tài chính được nhiều chuyên gia đánh giá là nhạy cảm với các “cú sốc” từ bên ngoài hơn cả.
“Nếu tổ chức tài chính trong nước lành mạnh thì sẽ hạn chế được ảnh hưởng nhưng nếu có tổ chức yếu, kém thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây đổ vỡ cho hệ thống” - PGS. TS Phạm Thế Anh đánh giá.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải thực hiện đánh giá tổng thể hoạt động tái cấu trúc, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
“Về vấn đề sở hữu chéo, trước đây chúng ta quan tâm giữa mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì nay cần phải đánh giá giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Tiếp đến là thị trường liên ngân hàng, cần phải đánh giá các ngân hàng cho vay lẫn nhau trên thị trường này ra sao. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá những đối tượng cho vay chính của hệ thống. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phát triển rất nhanh nhờ nguồn vốn ngân hàng. Khi “con nợ” quá lớn thì chúng ta khó có thể cho phá sản được.” - PGS. TS Phạm Thế Anh bày tỏ quan điểm và cho biết chưa có những số liệu đủ tin cậy, minh bạch về các vấn đề này.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu trích dẫn thêm thông tin về việc S&P đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên BB với triển vọng ổn định sau 9 năm. Điều này được ông HIếu đánh giá sẽ có tác động tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, mức xếp hạng BB vẫn phản ánh thực tế rằng Việt Nam đang được phân loại ở trong nhóm “không khuyến khích đầu tư, mang tính đầu cơ” và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Riêng đối với hệ thống ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đặc biệt quan tâm tới nhận định của S&P cho biết: “Chúng tôi xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam ở nhóm số 9 trong bảng xếp hạng thẩm định về rủi ro tín dụng với điểm 1 là điểm cao nhất, điểm 10 là điểm thấp nhất”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần phải có những nghiên cứu, phản biện kỹ lưỡng về đánh giá này của S&P, làm rõ lý do hệ thống ngân hàng được xếp hạng ở mức này.
Khả năng chống đỡ của nền kinh tế ở mức “trung bình”
Đánh giá về khả năng chống đỡ của nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết điều dễ tổn thương nhất của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc nhiều vào công ty nước ngoài (FDI). Nếu các doanh nghiệp này có sự thay đổi về chính sách thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ quan điểm cá nhân nhận định khả năng chống đỡ của Việt Nam đang ở mức trung bình.
“Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu tối thiểu đủ 3 tháng nhập khẩu. Về vấn đề nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam là 61%, còn cách 4% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, con số này cũng không nói lên nhiều điều. Như ở Nhật Bản, tỷ lệ nợ công trên GDP lên tới 250% nhưng vẫn được đánh giá khả năng khủng hoảng ở mức thấp. Điều khác biệt ở đây là Việt Nam chủ yếu vay nợ nước ngoài, bằng ngoại tệ, nên đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động của nền kinh tế thế giới” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết cách đây 4 năm đã đề xuất việc Việt Nam cần có một bộ phận phụ trách xử lý khủng hoảng riêng, đề ra những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra và cách ứng phó.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần phải xây dựng “đệm tài khóa” để ứng phó với những cú sốc bất ngờ từ nền kinh tế dù biết có thể sẽ cần nhiều năm nhưng “bắt buộc phải thực hiện”./.