Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index), do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số IPI (chỉ số sản xuất công nghiệp: xác định tốc độ tăng trưởng của nền sản xuất công nghiệp dựa vào khối lượng sản phẩm sản xuất) cũng thể hiện mức tăng trưởng cao của nền kinh tế trong Quý 4.
“Tuy nhiên, mức tăng trưởng này hơi thấp hơn so với công bố của TCTK về tăng trưởng GDP, do chỉ số VEPI luôn có xu hướng biến động ổn định hơn”, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 mà VEPR vừa công bố nêu rõ.
Cụ thể, VEPI Quý 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quý trước và cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng GDP trong quý IV/2017 được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố - là 7,65% (yoy), thì chỉ số VEPI lại thấp hơn đáng kể.
Phân tích kỹ hơn về động lực tăng trưởng của VEPI, VEPR cho biết: Điều này nhờ vào tăng trưởng nhập khẩu cao của Việt Nam trong cả năm 2017, cũng như chỉ số sản xuất IPI ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trước sự khác biệt giữa chỉ số VEPI do VEPR tính toán và con số tăng trưởng 7,65% mà Tổng cục Thống kê đưa ra, phía VEPR khuyến cáo: “Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế, tiếp tục cho thấy cần phải lưu ý đến sự thống nhất giữa các nguồn số liệu”.
“Chúng tôi tìm kiếm các nguồn tăng trưởng khác ổn định hơn mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào các con số mang tính chất thành tích của Tổng cục Thống kê. Theo đó, các con số theo VEPR thấp hơn Tổng cục Thống kê công bố”, Viện trưởng VEPR, TS. Nguyễn Đức Thành giải thích thêm trong Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của viện mình.
Cũng theo VEPR, việc duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn cũng đặt ra nhiều thách thức hơn cho nền kinh tế, khi các chỉ tiêu khác trong thành phần của VEPI vẫn tăng trưởng ở mức trung bình, chưa cho thấy sự đột biến đáng kể trong một thời gian dài.
Quan điểm mà VEPR đưa ra, thực tế, khá đồng thuận với quan điểm mà nhiều chuyên gia đã nêu trước đó.
Tại BizTalk 2018 diễn ra cách đây gần hai tuần, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng từng cảnh báo về trạng thái “lâng lâng” của nhiều người trước kết quả tăng trưởng GDP 6,81% của cả năm 2017 (7,65% tính riêng quý IV) – mức cao kỷ lục từ 2011, vượt ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF, và vượt mục tiêu 6,7% của Chính phủ.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không đồng tình khi truyền thông trong nước lạm dụng một cách thái quá cụm từ “kỳ tích kinh tế” khi đề cập đến kết quả tăng trưởng trên. “Có gì mà kỳ tích. Tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất nhập khẩu… bên trong nó có đầy vấn đề mà chúng ta phải mổ xẻ”, ông Thiên nói.
Thận trọng hơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Võ Trí Thành cho rằng kết quả tăng trưởng năm 2017 chỉ là “phục hồi tốt hơn chứ không phải là tăng trưởng có tính lâu dài”. “Bởi theo báo cáo 2035, thì để đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng thu nhập bình quân đầu người của Malaysia hiện nay, thì tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam từ nay đến 2035 phải duy trì ở mức từ 6, 5 – 7%/năm. Có nghĩa tốc độ tăng trưởng hiện tại phải đạt khoảng trên 7 đến 7,5%/năm”, TS. Thành lập luận nhanh.
Trong khi đó, bình luận về kết quả tăng trưởng 6,81% mà TCTK đã tính toán, ông Đặng Huy Đông – người vừa rời ghế Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – khẳng định: “Với tư cách cá nhân, bằng nhận thức của mình, tôi khẳng định đây là kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các thành viên tham gia từ lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, những lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, ông khẳng định các công thức này chuẩn xác, không cần hoài nghi.
Song ông Đông còn nói: “Phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không”.
Báo cáo của VEPR dẫn lại nguồn thống kê từ TCTK cho biết số doanh nghiệp mới và việc làm tạo mới tăng mạnh trở lạI trong quý IV, sau kết quả ảm đạm của “tháng cô hồn” - Tháng Bảy âm lịch (Tháng 9/2017), với chỉ 8.610 doanh nghiệp thành lập mới.
Theo đó, tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. Số vốn đăng ký trung bình trên một doanh nghiệp tăng đáng kể ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cả năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016.
Quy mô việc làm tạo mới trong Quý 4 cũng tăng mạnh trở lại từ mức 64 nghìn người của tháng Chín. Trung bình mỗi tháng của Quý 4 có 91,6 nghìn việc làm mới được tạo ra. Tại thời điểm 1/12/2017, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở
khu vực nhà nước tiếp tục giảm 0,7%, trong khi ở khu vực FDI ghi nhận mức tăng khá cao là 6,9%. Điều này cho thấy khu vực vốn Đầu tư nước ngoài tiếp tục là đầu tàu cho sự phục hồi sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu