Ông Nguyễn Xuân Sơn mắc sai phạm từ 2008-2010 sao vẫn lên chức?

Ông Nguyễn Xuân Sơn vi phạm pháp luật giai đoạn 2008-2010 khi còn giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) nhưng tại sao vẫn “leo” tới chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ?
Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch PVN, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch PVN, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hôm qua 22/7 đã có thông cáo báo chí về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch PVN. Trong đó PVN cho rằng ông Sơn bị bắt vì vi phạm pháp luật giai đoạn 2008-2010; giai đoạn xảy ra vi phạm trước khi ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ hôm nay 23/7, phóng viên các báo đặt vấn đề xung quanh việc Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại PVN từ năm 2010, đến năm 2012 đã kết luận sai phạm tại PVN, trong đó có việc đầu tư ngoài ngành nhiều vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng nhưng đến nay chưa rõ xử lý các vấn đề sau thanh tra như thế nào ?. Tại sao ông Nguyễn Xuân Sơn mắc sai phạm trước giai đoạn thanh tra nhưng sau này vẫn được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn ?. Câu chuyện này có giống việc Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mắc nhiều sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) từng gây bức xúc trong dư luận ?

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nói: “Tôi nhớ không nhầm thì cuộc thanh tra tại PVN được tiến hành năm 2010. Từ năm 2010 đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn kiểm tra việc thực hiện các nội dung được nêu trong kết luận thanh tra và kết luận của Thủ tướng Chính phủ, gần nhất chính là vào cuối năm 2014 vừa rồi. Tuy nhiên các số liệu cụ thể thì tôi không nhớ rõ hết được”.

Theo ông Khánh, việc bổ nhiệm lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, theo quy định về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý, trong đó có câu chuyện bổ nhiệm, đề bạt đều phải thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ.

“Chúng tôi chắc chắn không thể trả lời cụ thể về những trường hợp này, nhưng với chức năng cụ thể trong ngành thanh tra, chúng tôi thường xuyên được tham khảo, hỏi ý kiến về việc có phát hiện sai phạm, đơn thư tố cáo gì không?. Nếu tổ chức nào đó có người đề bạt, mà người đề bạt cần được hỏi liên quan đến sai phạm phát hiện trong hoạt động thanh tra, đơn thư tố cáo thì chúng tôi thực hiện đầy đủ, rõ ràng. Và không phải lúc nào chúng ta cũng phát hiện đầy đủ về những đối tượng trước khi bổ nhiệm”- ông Khánh nói.

Thế Kha theo Dân Trí