'Ông lớn' công nghệ Mỹ chuẩn bị cho bầu cử thế nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhóm Big Tech đã soạn kế hoạch nhằm xử lý các sự cố sẽ xảy ra trên nền tảng của mình, cũng như "sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất".

'Ông lớn' công nghệ Mỹ chuẩn bị cho bầu cử thế nào
'Ông lớn' công nghệ Mỹ chuẩn bị cho bầu cử thế nào

Trong thời gian diễn ra bầu cử Mỹ, các nền tảng xã hội sẽ phải đối mặt với rất nhiều tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn một trong hai ứng viên Tổng thống tuyên bố chiến thắng sớm khi chưa có kết quả chính thức, hay một số người dùng quá khích đe dọa bạo lực người khác. Facebook, Google, Apple, Twitter đã bố trí nhân sự giám sát các bài đăng trên nền tảng của mình từ trước 3/11, cũng như lên kế hoạch cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trang thông tin bầu cử của Facebook. Ảnh: Bloomberg.
Trang thông tin bầu cử của Facebook. Ảnh: Bloomberg.

Twitter

Mạng xã hội của Jack Dorsey đã bắt đầu hiển thị nội dung liên quan đến bầu cử qua "Trung tâm bầu cử" ở trên cùng trang chủ từ ngày 3/11. Khi truy cập, trang này sẽ hiển thị các tweet và thông tin từ các nguồn tin tức đáng tin cậy. Nguồn tin sẽ được lấy từ các trang báo uy tín trên toàn cầu, như ABC News, Associated Press (AP), CBS News, CNN, FoxNews, NBC News, National Election Pool Reuters.

Khi một ứng viên Tổng thống tuyên bố chiến thắng sớm trên tài khoản của mình khi chưa có kết quả bầu cử chính thức, hoặc thua nhưng vẫn tuyên bố chiến thắng, Twitter sẽ tiến hành ẩn tweet gốc hoặc dán nhãn cảnh báo thông tin không chính xác. Nếu ai đó vẫn cố đăng lại, mạng xã hội này sẽ đính kèm liên kết đến nguồn chính thống. Các nhãn dãn tương tự sẽ áp dụng đối với các tài khoản Twitter có hơn 100.000 người theo dõi hoặc các tài khoản đã được xác thực từ các hãng tin tức hoặc nhà báo.

Trong trường hợp người dùng đăng thông tin sai lệch hoặc kêu gọi bạo lực liên quan đến bầu cử, những tweet này cũng sẽ bị dán nhãn cảnh báo. Nội dung bị hạn chế gồm các tweet khuyến khích bạo lực hoặc được coi là đe dọa cử tri. Twitter đã bắt đầu hiển thị cảnh báo trên đầu nguồn cấp dữ liệu và trong các tìm kiếm có liên quan.

Bên cạnh đó, mạng xã hội này cũng bổ sung các tính năng mới nhằm cố gắng làm chậm sự lan truyền của các bài đăng sai sự thật, đồng thời yêu cầu người dùng thêm nhận xét nếu retweet các chủ đề thịnh hành. Thay đổi này sẽ có hiệu lực ít nhất đến hết tuần này.

Facebook và Instagram

Hai nền tảng thuộc Facebook đã bổ sung tính năng hiển thị các kết quả liên quan đến bầu cử trên đầu trang (áp dụng cả cho nền web và ứng dụng). Số liệu được Facebook tập hợp từ 6 ấn phẩm truyền thông uy tín.

Nếu một ứng viên Tổng thống tuyên bố chiến thắng sớm, Facebook sẽ không xóa bài đăng. Thay vào đó, mạng xã hội này sẽ dán nhãn cảnh báo rằng quá trình kiểm phiếu vẫn đang diễn ra và chưa có kết quả chính thức, đồng thời đính kèm liên kết đến Trung tâm tin tức về bầu cử. Cách này cũng áp dụng cho các tài khoản là đảng phái hoặc các nhóm hoạt động chính trị.

Với thông tin sai lệch hoặc kêu gọi bạo lực, Facebook sẽ kiểm soát thông qua hệ thống riêng. Hệ thống này làm nhiệm vụ gắn cờ các bài đăng nếu nghi ngờ, hạn chế hiển thị, không cho phép chạy quảng cáo cho đến khi bầu cử kết thúc. Ngoài ra, mạng xã hội cũng khuyến cáo người dùng truy cập Trung tâm Điều hành Bầu cử để báo cáo nếu phát hiện có nội dung sai sự thật hoặc kích động bạo lực.

Google

Trang tìm kiếm Google Search sẽ hiển thị trang kết quả bầu cử riêng, cũng như cung cấp các thông tin chuyên sâu phía trên các kết quả tìm kiếm có liên quan. Ngoài ra, sẽ có một bản đồ Mỹ hiển thị kết quả bỏ phiếu chi tiết từng bang và tiểu bang.

Đối với các tuyên bố chiến thắng sớm và thông tin sai lệch, Google Search sẽ không thực hiện các biện pháp cảnh báo hoặc nhãn dán. Thay vào đó, nền tảng này sẽ cố gắng đưa các kết quả chính xác nhất từ các nguồn đáng tin cậy lên đầu trang.

Google cũng có cách tiếp cận chủ động hơn đối với thông tin trong quảng cáo, trong đó cấm hoàn toàn các nội dung liên quan đến bầu cử từ ngày 3/11 và kéo dài ít nhất một tuần. Các quảng cáo về bầu cử sẽ nằm trong danh mục "sự kiện nhạy cảm" và bị hạn chế.

Google News mở một trang riêng cho chủ đề bầu cử Mỹ năm 2020 và sẽ chỉ hiển thị các câu chuyện, tin tức liên quan đến bầu cử. Tương tự Search, Google News cũng ưu tiên hiển thị kết quả từ các nguồn đáng tin cậy, thay vì dán nhãn cảnh báo.

YouTube sẽ hiển thị một bảng kết quả bầu cử lấy từ AP khi tìm kiếm các cụm từ khóa liên quan đến nội dung này. Bảng này cũng xuất hiện dưới các video có nội dung liên quan đến bầu cử.

Trong trường hợp chưa có kết quả chính thức, video trên YouTube sẽ được dán nhãn cảnh báo, đồng thời đính kèm liên kết về trang bầu cử trên Google. Những video liên quan đến bầu cử từ nguồn đáng tin cậy sẽ được ưu tiên hiển thị trong thời gian này.

Theo thống kê của Pew Research, hơn 1/4 người trưởng thành có thói quen nhận tin tức từ YouTube, dù không ít nội dung trên nền tảng này là "độc lập", không liên kết với bất kỳ nguồn tin chính thống nào.

Apple

Apple News bắt đầu bổ sung trang "Trung tâm bầu cử" từ 3/11. Công ty iPhone cũng đang hợp tác với website chuyên thăm dò và phân tích tin tức FiveThirtyEight để kiểm soát nội dung, cũng như lấy AP làm nguồn chính thức cho các thông tin về bầu cử.

Bên cạnh đó, Apple cũng huy động đội ngũ nhân sự để kiểm duyệt thông tin liên quan đến tuyên bố chiến thắng sớm của các ứng viên Tổng thống, cũng như các thông tin sai lệch khác. Việc đưa con người vào kiểm duyệt thay vì máy móc được đánh giá là an toàn hơn. Ngoài ra, Apple News cũng hạn chế các bài đăng sai lệch thay vì xóa khỏi nền tảng.

TikTok

Mạng video ngắn của ByteDance cũng có một trang đặc biệt dành riêng cho bầu cử, nhưng không ghim lên đầu ứng dụng. Thay vào đó, nó sẽ hiển thị dưới các nội dung liên quan. TikTok cũng sẽ cung cấp một bản đồ bầu cử tại Mỹ và cập nhật theo thời gian thực, lấy nguồn từ AP.

TikTok sẽ xóa bất cứ thông tin sai lệch nào trên nền tảng sau khi đối chiếu với các nguồn uy tín. Các quảng cáo liên quan đến chính trị cũng không được chạy thời điểm này.

Theo VnExpress