Ông Lê Đăng Dũng làm Chủ tịch Viettel Global, nhắm chiến lược đến thị trường ASEAN

Đại hội cổ đông của Viettel Global đã thông qua tờ trình bầu ông Lê Đăng Dũng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời tìm kiếm ứng viên mới đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Viettel Global.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viettel Global.

Trước đó, ông Lê Đăng Dũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Viettel Global. Tuy nhiên, phía Viettel chưa thông báo các ứng viên sẽ nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Viettel Global sau khi ông Lê Đăng Dũng không còn kiêm nhiệm vị trí này.

Trong sự kiện liên quan đến nhân sự của Viettel, mới đây Thủ tướng đã bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn này.

Năm 2018, Viettel Global đặt kế hoạch tiếp tục xúc tiến các thị trường mới, trọng tâm là các nước ASEAN và các thị trường có quy mô dân số tương đương Việt Nam. Năm 2017 là năm hầu hết các thị trường quốc tế của Viettel đều có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. 6/10 thị trường, tức là 60% số nước Viettel đã kinh doanh, có tốc độ tăng trưởng đạt tới 2 con số như: Cameroon (103%), Mozambique (79%), Peru (37%), Tanzania (35%), Haiti (13%), Đông Timor (12%). Nếu tính các thị trường đã kinh doanh 3 năm sau khi khai trương thì 100% đều tăng trưởng. Cần phải nhìn kết quả tăng trưởng này trong bối cảnh doanh thu trung bình ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng 4%.

Ông Lê Đăng Dũng giải thích khái niệm là các thị trường đã kinh doanh 3 năm sau khi khai trương bởi vì khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, đều cần có thời gian để thu hồi vốn đầu tư rồi mới có lãi: "Với các thị trường Viettel đầu tư, chúng tôi xác định khoảng thời gian này là 3 năm sau khai trương. Bởi vì, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có thời hạn từ 15-20 năm, và thường tiếp tục gia hạn thêm nữa. Vì vậy, đặt mục tiêu 3 năm sau khai trương là mới chỉ bằng 1/5-1/6 khoảng thời gian có thể kinh doanh tối thiểu ở thị trường. Với những thị trường kinh doanh dưới 3 năm sau khi khai trương, chúng tôi đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị phần. Từ năm thứ 3 sau khai trương, tất cả các thị trường sẽ phải có lãi".

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các thị trường kinh doanh 3 năm sau khai trương đều có lãi. Đặc biệt, thị trường Peru kinh doanh dưới 3 năm đã có lãi. Hiện nay, chỉ còn 4 thị trường chưa có lãi là Tanzania (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Burundi (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Cameroon (kinh doanh 2 năm sau khai trương) và Myanmar thì đang trong quá trình đầu tư, chưa kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường Tanzania và Cameroon đều có tốc độ tăng trưởng rất tốt, đạt 2 con số. Cụ thể là Tanzania 35%, Cameroon 103%.

Ông Lê Đăng Dũng cho biết: “Ở châu Á, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Lào và Campuchia, hai quốc gia này là nơi tạo dòng tiền tốt hỗ trợ cho các thị trường mới đi vào hoạt động như Myanmar và các thị trường châu Phi. Với thị trường Mỹ La tinh, Natcom dự kiến sẽ trở thành thị trường phát triển tốt những năm tới. Tại châu Phi, các thị trường mới kinh doanh nên chưa thể có lãi ngay nhưng Burundi đã có lãi. Mozambique sau khi tỷ giá ổn định trở lại đã có lãi. Viettel đang kỳ vọng nhất năm 2018 là Myanmar, dự kiến sẽ khai trương trong tháng tới và đặt mục tiêu có 2-3 triệu khách hàng tại thị trường này. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu năm 2018 Viettel Global sẽ không còn lỗ”.

Theo ICT News
http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/ong-le-dang-dung-lam-chu-tich-viettel-global-nham-chien-luoc-den-thi-truong-asean-168864.ict