Nóng: Hà Nội phát hiện 82 trẻ mắc tay chân miệng ở 28 quận, huyện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ đầu năm đến nay, toàn TP. Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng ở 28 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. 
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng (Ảnh - Cục Y tế Dự phòng, BYT)
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng (Ảnh - Cục Y tế Dự phòng, BYT)

Thông tin này được ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội – đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP. Hà Nội.

Mỗi năm có từ 1-3.000 trẻ mắc

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 18.436 trường hợp mắc tay chân miệng với 4 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2020 số ca mắc trên cả nước tăng 4,3 lần.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết: Tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố. Hàng năm có từ 1 đến 3.000 trường hợp mắc.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng ở 28 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và dịch bệnh này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bệnh tay chân miệng chủ yếu chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi).

Bệnh tay chân miệng tấn công trẻ (Ảnh minh hoạ)

Bệnh tay chân miệng tấn công trẻ (Ảnh minh hoạ)

Trước tình hình dịch tay chân miệng có nhiều diễn biến phức tạp, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – nhấn mạnh: Dịch bệnh tay chân miệng đã có ở 28 quận huyện với số ca mắc đang gia tăng. Vì thế, bên cạnh việc phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị phải chú trọng phòng chống không chỉ dịch bệnh tay chân miệng mà cả các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa như sốt xuất huyết, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, Sở Y tế TP. Hà Nội cũng đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xã phòng hoặc cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.

Đặc biệt, UBND thành phố cùng các xã phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, săn sạch, ở sạch.

Trẻ dễ mắc tay chân miệng do vệ sinh chưa sạch sẽ

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng ở nước ta là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng trong khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, chưa rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, nhằm giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ phù hợp tới người dân về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.

Vệ sinh tay để phòng bệnh (Ảnh minh hoạ)

Vệ sinh tay để phòng bệnh (Ảnh minh hoạ)

Bộ Y tế đề nghị các trường học cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu trường học phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lýn ổ dịch kịp thời.

Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng; phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, hỗ trợ các địa phương, có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo khắc phục các tồn tại của địa phương để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh tay chân miệng lan rộng, kéo dài.