Nikkei: Mỹ giúp Ericsson hạ bệ Huawei trên thị trường thiết bị viễn thông

VietTimes -- Sau 2 năm thống lĩnh thị trường thiết bị viễn thông, Huawei đã đánh mất ngôi vương vào tay Ericsson. Theo Nikkei Asia, đây là hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng tại Mỹ, khi chính quyền Trump liên tục cảnh báo về rủi ro an ninh trong công nghệ 5G của Huawei.
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo báo cáo mới đây của IHS Markit, Ericsson đã đoạt lại được danh hiệu nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Thị phần toàn cầu của Ericssons tăng 2,4 điểm lên 29%; ngược lại, Huawei giảm 1,9 điểm xuống 26%.

Đồng thời, IHS Markit cũng nhấn mạnh rằng một số quốc gia ngần ngại mua thiết bị của Huawei vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tại Bắc Mỹ, Erisson đang kiểm soát thị phần áp đảo 68%, so với 6% của Huawei. Trong khi đó, thị trường chiến lược của Huawei vẫn là Châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi với 40% thị phần; cũng như Châu Á –Thái Bình Dương với 30% thị phần.

Các chuyên gia của IHS Markit cho rằng Huawei có thể bù đắp thua lỗ nhờ mở rộng hoạt động tại các thị trường ít ảnh hưởng bởi lời kêu gọi cấm cửa Huawei của Mỹ.

Mặc dù chính quyền Trump liên tục cảnh báo các nước đồng minh ngừng sử dụng công nghệ của Huawei, nhưng “cơn sốt 5G” vẫn đem đến cơ hội lớn cho các nhà cung cấp thiết bị viễn thông trên toàn cầu. Các quốc gia đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G và mỗi chính phủ lại có chính sách lựa chọn nhà cung cấp khác nhau.

Hiện tại, nhà cung cấp Thụy ĐIển Ericsson đang kiểm soát thị phần lớn nhất về sô lô hàng thiết bị 5G dự kiến xuất xưởng với 24%. Xếp sau lần lượt là Samsung Electronics của Hàn Quốc (24%), Nokia của Phần Lan (20%) và Huawei (17%).

Theo IHS Markit, thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu đã giảm 18% xuống 30,5 tỷ USD trong giai đoạn chuyển giao công nghệ, từ 4G lên 5G.

Mảng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng như smartphone giờ đây mới là nguồn thu chính của Huawei. Ảnh: HIL
Mảng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng như smartphone giờ đây mới là nguồn thu chính của Huawei. Ảnh: HIL

Huawei vẫn dẫn đầu số lượng bằng sáng chế 5G, nhưng chiến dịch tẩy chay trên toàn cầu của Mỹ đã gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh doanh của công ty Trung Quốc.

Mỹ đã ban hành Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia cho năm tài khóa 2019 cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị do 5 công ty Trung Quốc sản xuất, bao gồm Huawei. Ngoài Mỹ, Australia đã cấm Huawei và Nhật Bản đã ngăn chặn một số thỏa thuận mua thiết bị từ Trung Quốc.

Tại Châu Âu, Liên minh Châu Âu đề xuất các quốc gia thành viên tự đánh giá rủi ro, thay vì áp dụng lệnh cấm với toàn khối. Ví dụ, Đức đang hợp tác với Mỹ để xây dựng tiêu chuẩn bảo mật riêng.

Theo báo cáo doanh thu công bố cuối tuần qua, doanh số chung của Huawei trong năm 2018 đã tăng 19,5% lên mức kỷ lục 721,2 tỷ NDT (tương đương 107 tỷ USD), nhưng doanh số bán thiết bị viễn thông lại giảm 1,3% xuống còn 294 tỷ NDT.

Nhận định về sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực viễn thông, một quan chức của Huawei tỏ ra bất ngờ: “Điều đó chưa bao giờ xảy ra trong những năm gần đây”.

Phát biểu tại trụ sở ở Thâm Quyến vào ngày 29.3, Chủ tịch luân phiên Huawei Gou Ping tuyên bố công ty sẽ cho phép kiểm tra mã nguồn thiết bị. Ảnh: SCMP
Phát biểu tại trụ sở ở Thâm Quyến vào ngày 29.3, Chủ tịch luân phiên Huawei Gou Ping tuyên bố công ty sẽ cho phép kiểm tra mã nguồn thiết bị. Ảnh: SCMP

Phát biểu tại trụ sở ở Thâm Quyến, Chủ tịch luân phiên Huawei Gou Ping cho biết nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mua sắm thiết bị giảm trong giai đoạn cuối của chu kỳ đầu tư viễn thông. Bên cạnh đó, các nhà mạng chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng 5G. Ông Gou Ping không đề cập tới tác động của chính sách gây bất lợi cho công ty tại Mỹ.

Tuy nhiên, tình cảnh của Huawei còn tốt hơn nhiều so với công ty đồng hương ZTE. Kể từ năm ngoái, hoạt động kinh doanh của ZTE bị đình trệ do không mua được linh kiện bán dẫn (Mỹ cấm công ty nước này không được làm ăn với ZTE). Chủ tịch luân phiên Gou Ping lý giải rằng sự khác biệt này là do Huawei sở hữu chuỗi cung ứng đa dạng để giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Nikkei Asia Review