Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD (2011)
Đây là thương vụ đình đám thời điểm ấy bởi Google là công ty phần mềm, trong khi Motorola là công ty phần cứng. Dưới trướng Google, Motorola vẫn tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm mới nhưng không thành công. Năm 2014, Google bán lại Motorola Mobility cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD. Dù không còn giữ thương hiệu Motorola, Google vẫn sở hữu kho bằng sáng chế khổng lồ - thứ quan trọng khiến “gã khổng lồ tìm kiếm” chi mạnh tay thâu tóm bộ phận di động của Motorola. Ảnh: Reuters.
Symantec mua lại Veritas Software với giá 13,5 tỷ USD (2004)
Tương tự nhiều thương vụ khác, mua lại Veritas giúp hãng phần mềm Symantec củng cố vị thế và mở rộng thị trường. Veritas là công ty chuyên cung cấp giải pháp quản lý dữ liệu. Trước sự cạnh tranh về công nghệ đám mây từ Amazon, Google, đến năm 2014, Veritas tiếp tục bị bán lại với giá chỉ 8 tỷ USD. Ảnh: AP.
Amazon mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD (2017)
Đây được xem là bước chân đầu tiên vào lĩnh vực bán lẻ truyền thống đến từ “ông vua” thương mại điện tử. Amazon còn tận dụng các cửa hàng Whole Foods để quảng bá dịch vụ Amazon Prime, thậm chí bán loa thông minh Echo bên cạnh hàng táo, chuối trong cửa hàng. Ảnh: Engadget.
Intel mua lại MobileEye với giá 15 tỷ USD (2017)
Trong cuộc đua phát triển xe tự lái, Intel chi 15 tỷ USD để thâu tóm công ty của Israel có tên MobileEye. Mục tiêu của Intel khi mua lại MobileEye là phát triển những chiếc “taxi robot” thay vì áp dụng công nghệ tự lái lên ôtô tiêu dùng. Ảnh: MobileEye.
Salesforce mua lại Tableau với giá 15,7 tỷ USD (2019)
Đây là cái tên mới nhất trong kế hoạch “mua để bành trướng” của Salesforce. Thâu tóm Tableau giúp Salesforce sở hữu nền tảng trực quan hóa, phân tích dữ liệu với hơn 86.000 khách hàng. Trong ảnh là Adam Selipsky, CEO của Tableau. Ảnh: Salesforce.
Walmart mua lại Flipkart với giá 16 tỷ USD (2018)
Thâu tóm Flipkart được xem là canh bạc của Walmart trong kế hoạch mở rộng quy mô trên toàn cầu. Việc mua lại trang thương mại điện tử của Ấn Độ giúp Walmart đặt chân vào thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 1,3 tỷ người. Ảnh: Vox.
Nokia mua lại Alcatel-Lucent với giá 16,6 tỷ USD (2015)
Thương vụ nhằm mở rộng mảng kinh doanh thiết bị mạng của Nokia sau khi mảng di động bị bán lại cho Microsoft. Hiện Nokia là một trong những đơn vị cung cấp hạ tầng 5G lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images.
Facebook mua lại WhatsApp với giá 22 tỷ USD (2014)
Thương vụ tốn kém này giúp Facebook tiếp cận hàng chục triệu người dùng tiềm năng. Tương tự Instagram, WhatsApp vẫn là một trong những ứng dụng phổ biến trên toàn cầu dù nằm dưới trướng Facebook. Ảnh: TechSpot.
HP mua lại Compaq với giá 25 tỷ USD (2001)
Trong bài viết “Những thương vụ mua bán, sáp nhập tồi tệ nhất ngành công nghệ” của ZDNet, thương vụ Compaq và HP đứng vị trí đầu tiên. Không chỉ khiến hàng chục nghìn nhân viên mất việc, sự thất bại của thương vụ đã được báo trước bởi nhiều cổ đông lớn - trong đó có Walter Hewlett, con trai của đồng sáng lập William Redington Hewlett. Trong ảnh là Carly Fiorina (trái), CEO HP và Michael Capellas, CEO Compaq sau cuộc họp báo diễn ra ngày 4/9/2001. Ảnh: Reuters.
Microsoft mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD (2016)
Đây là cột mốc đánh dấu kỷ nguyên mới trong hoạt động mua bán của Microsoft. Từ 2016, Microsoft cho phép các công ty được mua lại hoạt động tự do. Sau 4 năm, LinkedIn cơ bản vẫn không thay đổi cấu trúc tổ chức, cách vận hành. Ảnh: WSJ.
SoftBank mua lại ARM với giá 31 tỷ USD (2016)
Thời điểm đó, ARM là thương vụ thâu tóm lớn nhất mà SoftBank từng thực hiện. Masayoshi Son, ông chủ SoftBank nói rằng thương vụ này sẽ giúp tập đoàn bắt kịp công nghệ mới bằng cách tận dụng tiềm năng của Internet of Things. Hiện tại, tập đoàn Nhật Bản muốn bán ARM cho doanh nghiệp khác, một trong những cái tên tiềm năng là hãng sản xuất chip NVIDIA đến từ Mỹ. Ảnh: VentureBeat.
IBM mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD (2018)
Thương vụ này giúp Intel sở hữu loạt phần mềm phổ biến như Red Hat Enterprise Linux, Red Hat Virtualization. Ảnh: Getty Images.
Avago mua lại Boardcom với giá 37 tỷ USD (2015)
Dù là 2 công ty lớn, cái tên Avago lẫn Broadcom lại khá xa lạ với người dùng. Lý do là cả 2 chịu trách nhiệm trong lĩnh vực hạ tầng, công nghệ. Sản phẩm của họ là linh kiện bên trong của modem mạng, bộ chuyển mạch Ethernet, smartphone... Ảnh: Reuters.
Dell mua lại EMC Corporation với giá 67 tỷ USD (2015)
Đây đang là vụ thâu tóm đắt giá nhất lịch sử công nghệ. Chia sẻ năm 2015, Michael Dell, chủ tịch Dell cho biết vẫn tiếp tục phát triển EMC dựa trên xu hướng công nghệ mới nhất. Kết hợp sản phẩm của 2 công ty giúp Dell tiến xa hơn trong các dịch vụ điện toán doanh nghiệp, cho phép EMC thoát khỏi sức ép từ nhà đầu tư do tình hình kinh doanh suy giảm. Trong ảnh là CEO EMC, Joe Tucci (trái) bắt tay với Michael Dell. Ảnh: Dell.