Nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc phải chuẩn bị cho một sự tổn thương về kinh tế khi cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ nổ ra tuần qua. Người dân Ấn Độ đang kêu gọi tẩy chay mọi hàng hóa phổ biến của Trung Quốc, từ các app (ứng dụng) cho đến điện thoại thông minh.
Các lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Trung Quốc như vậy đã xuất hiện trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội ở Ấn Độ sau khi quân đội Ấn Độ xác nhận rằng 20 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong một cuộc giao tranh với quân đội Trung Quốc vào cuối ngày thứ Hai (15/6) vừa qua.
Ông Lin Minwang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Fudan, Thượng Hải cho biết, tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ ở Ấn Độ vào thời điểm này chắc chắn là một báo động đỏ cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Trên TikTok, các video gắn hashtag tẩy chay Trung Quốc như #BoycottChinese Products, #IndiaChinaborder và #Chinaborder đã ghi nhận được các lượt xem tương ứng là 7,3 triệu, 10,5 triệu và 11,5 triệu. TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance – một mục tiêu của cuộc tẩy chay – là ứng dụng giải trí được nhiều người Ấn Độ xem nhất.
Vào ngày thứ năm (18/6), hashtag #HindiCheeniByeBye đã được xếp hạng trong số 5 xu hướng Twitter phổ biến nhất Ấn Độ, nơi nó được đề cập trong hơn 116.000 bài đăng.
Một người dùng Ấn Độ đang làm video TikTok trên sân thượng của một căn hộ ở thành phố Hyderabad, thủ phủ của bang Telangana. Nền tảng chia sẻ video TikTok là ứng dụng giải trí phổ biến nhất ở Ấn Độ (ảnh: AFP)
|
Các báo cáo địa phương cũng cho biết khoảng 52 ứng dụng di động của Trung Quốc đã bị các cơ quan tình báo Ấn Độ gắn cờ đỏ sau sự cố 20 binh lính Ấn Độ thương vong tại khu vực biên giới chưa được phân chia giữa Ấn Độ và Trung Quốc (vốn được hai nước gọi là Đường kiểm soát thực tế).
Cơ quan này đã yêu cầu chính phủ Ấn Độ chặn hoặc đưa ra các lời khuyên không sử dụng ứng dụng vì lo ngại rằng những thứ này có thể làm tổn hại dữ liệu của người dùng Ấn Độ, theo một bài viết đăng tải hôm thứ Tư (17/6) của Hindustan Times.
Các ứng dụng được gắn cờ đỏ bao gồm TikTok, nền tảng phát trực tiếp Bigo Live, ứng dụng hội nghị truyền hình Zoom, nền tảng blog Weibo, ứng dụng video xã hội Kwai của Tencent, và ứng dụng nhắn tin đa năng WeChat. Các ứng dụng khác đang được nhắm mục tiêu là của Tập đoàn Xiaomi, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm Baidu và đại gia thương mại điện tử Alibaba - công ty sở hữu tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng các ứng dụng tại Ấn Độ - thị trường ứng dụng lớn nhất thế giới - sẽ là một cú đánh lớn đối với các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc.
Ông Meenakshi Tiwari, một nhà phân tích công nghệ độc lập có trụ sở tại New Delhi cho biết các ứng dụng Trung Quốc dễ bị tổn thương trong hoàn cảnh hiện tại. “Chẳng hạn như TikTok là một ứng dụng giải trí sẽ không được nhiều người Ấn Độ dùng nữa nếu xu hướng tẩy chay này tiếp diễn”, ông nói.
Cũng có những suy đoán rằng các thương hiệu sản xuất smartphone của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu tại thị trường Ấn Độ.
Oppo hôm thứ Tư (17/6) đã hủy bỏ buổi ra mắt trực tiếp mẫu điện thoại thông minh 5G hàng đầu của mình ở Ấn Độ mà không trả lời câu hỏi của giới truyền thông về động thái này. Một nguồn tin từ Reuters nói rằng Oppo hủy bỏ sự kiện này để tránh bất kỳ sự náo động nào trên các phương tiện truyền thông xã hội. Oppo là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ năm ở Ấn Độ trong quý một năm nay, theo Counterpoint Research.
Cả Xiaomi và Tencent đều từ chối bình luận về khả năng bịh hạn chế ứng dụng ở Ấn Độ. Đại diện của Alibaba, ByteDance, Weibo, Baidu và Bigo đã không trả lời ngay lập tức để yêu cầu bình luận.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày hôm qua, đại diện Zoom nói rằng hãng này là một công ty Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Đã có những thông tin sai lệch về Zoom từ nhiều kênh khác nhau. “Tại Ấn Độ, chúng tôi tự hào giúp các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, cộng đồng, giáo viên và những người dùng khác kết nối với nhau trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do Covid-19 gây ra”, đại diện Zoom nói.
Tuy nhiên, nhà phân tích Tiwari cho rằng người tiêu dùng Ấn Độ sẽ khó thay thế hàng hóa công nghệ phổ biến từ Trung Quốc trong thời gian tới.
“Các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn và mang lại lợi ích về tiền bạc cho người tiêu dùng Ấn Độ”, cô Tiwari nói. “Các thương hiệu của Trung Quốc chiếm hơn 50% các lô hàng điện thoại thông minh trong nước. Cho đến khi chúng tôi có những lựa chọn thay thế tốt hơn những gì các thương hiệu này cung cấp, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong hành vi của người tiêu dùng ở Ấn Độ”.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã và đang thực hiện các chính sách để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. New Delhi vào tháng Tư đã thông qua một chính sách hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia giáp Ấn Độ, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Bhutan, Nepal, Pakistan và Bangladesh.
Giáo sư Lin từ Đại học Fudan (Phục Đán), Trung Quốc nói rằng Ấn Độ thật là thiển cận nếu làm chậm tốc độ đầu tư từ Trung Quốc hoặc báo chí nước này cổ vũ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
“Những công ty công nghệ Trung Quốc đã cung cấp cho Ấn Độ các sản phẩm, đầu tư và công ăn việc làm. Ấn Độ cũng là một cường quốc công nghệ mạnh mẽ, nhưng có lẽ chúng ta phải chờ khoảng 10 năm nữa để bắt đầu thảo luận về việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc”, ông Lin nói.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng