Nhưng ở Anh, chính phủ thậm chí đang cân nhắc cấm dùng điện thoại dù có tính năng rảnh tay (hands free). Ví dụ, việc thực hiện các cuộc gọi thông qua tai nghe bluetooth cũng có thể bị phạt.
Tại Anh, năm 2014, một bé trai bảy tuổi thiệt mạng do một nữ tài xế sử dụng điện thoại rảnh tay gây tai nạn. Cậu bé, khi đó đang sang đường ngay gần nhà mình thì bị ôtô đâm trúng. Bị chấn thương sọ não, nạn nhân qua đời sau đó hai tuần. Do việc dùng điện thoại rảnh tay không vi phạm luật, người phụ nữ kia chỉ bị phạt 117 USD vì lỗi lái xe bất cẩn.
Không riêng điện thoại di động, những hoạt động tưởng chừng vô hại, như bật nhạc quá to, cũng gây tác động. Âm thanh lớn có thể át mất những tiếng cảnh báo ở bên ngoài, như còi xe, và có thể gây mất tập trung do tài xế mải nghe nhạc. Tranh thủ ăn hay uống khi đang lái xe cũng khiến xao nhãng phần nào việc điều khiển phương tiện.
Những thói quen cá nhân như đi giày cao gót khi lái xe được khuyến cáo không nên. Giày cao gót có phần mũi và đế nhỏ, tạo cảm giác không thật khi đạp chân phanh hay chân ga.
Đi dép xỏ ngón hay xăng đan cũng ẩn chứa nguy cơ khi lái xe. Dép xỏ ngón có thể bị trượt, còn dây dép xăng đan có thể bị mắc vào các bàn đạp, gây ra những tình huống nguy hiểm chết người. Ngay cả việc để chân trần lái xe cũng được khuyến cáo không nên.
Tại Trung Quốc, lái xe để chân trần, đi dép lê/dép xỏ ngón hay giày cao gót (từ bốn cm trở lên) đều bị phạt 7 USD. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị trừ hai điểm bằng lái.
Tại Việt Nam, luật giao thông quy định, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt 600.000-800.000 đồng. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 60.000 đồng.
Tuy nhiên thực tế, nhiều người vẫn thản nhiên dùng điện thoại khi đang lái xe. Gọi điện, nhắn tin hay tìm đường là những nguyên nhân chính khiến các tài xế cầm lấy điện thoại trong khi đang điều khiển phương tiện.
Ngày 7/8 vừa qua, một tài xế xe khách ở Hải Phòng bị lập biên bản xử phạt hành chính 700.000 đồng về hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang lưu thông trên cao tốc. Tài xế này thừa nhận đã dùng điện thoại để mở nhạc, là hành vi "gây nguy hiểm cho hành khách và bản thân".
https://vnexpress.net/oto-xe-may/nhung-thu-khong-nen-su-dung-khi-lai-xe-4016048.html