Tại một góc nhỏ của Trung tâm Triển lãm Las Vegas, một dãy điện thoại Huawei Mate P20 được trưng bày cho khách tham quan CES dùng thử. Đây là cảnh thường thấy tại một hội chợ thông thường, nhưng hiện tại ít có người Mỹ nào dám sở hữu một chiếc smartphone như vậy. Sản phẩm Huawei đang bị cấm vận với các nhà mạng Mỹ, do quan ngại của các cơ quan an ninh liên quan tới nguy cơ bị theo dõi từ Trung Quốc.
Huawei vẫn quyết định tham gia trình diễn tại Triển lãm CES năm nay, tại thời điểm mà Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn đang đối mặt với cuộc tranh tụng có thể dẫn độ về Mỹ do cáo buộc lừa đảo tài chính. Bên cạnh đó, căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ đang ở cao trào. Theo Gary Shapiro, Giám đốc điều hành của Consumer Technology Association (CTA), đơn vị tổ chức của CES: "Lập trường kinh doanh khiến họ tới đây tham gia, bởi họ có thể gặp gỡ khách hàng từ khắp nơi trên thế giới".
Những gương mặt vắng bóng
Ý chí lạc quan của giám đốc Gary Shapiro có vẻ chỉ thể hiện bề ngoài, khi mà một số công ty hàng đầu Trung Quốc đã không hiện diện tại CES 2019.
ZTE, cái tên có mặt kể từ CES 2011, đã không tham gia dù trước đó vẫn được liệt kê trong danh mục đơn vị triển lãm. Công ty này không đưa ra lời giải thích, nhưng trong năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm việc sử dụng thiết bị của ZTE trong các cơ quan chính phủ Mỹ, hoặc các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công.
Mặc dù Huawei có một gian trưng bày lớn nhưng không có đại diện của Ban lãnh đạo tập đoàn này tham dự sự kiện năm 2019, trong khi năm ngoái, CEO Richard Yu là một trong số diễn giả chính.
Cuộc chiến thương mại
Đầu năm 2019, Apple tuyên bố doanh thu của tập đoàn này sẽ giảm sút tương đối trong lần công bố số liệu tiếp theo do nguyên nhân từ sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như căng thẳng đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ và Trung.
Nhiều nhà phân tích nhận định không chỉ có Apple phải đối mặt với sự sụt giảm đó. Hơn hết, ít điện thoại iPhone được bán hơn đồng nghĩa với việc ít iPhone được sản xuất tại Trung Quốc hơn. Mối quan hệ phức tạp trong chuỗi cung ứng nguyên liệu và phụ kiện tới từ khắp nơi trên thế giới khiến cho định nghĩa rành mạch điện thoại Mỹ hay Trung trở nên vô nghĩa.
Đó là lý do vì sao giới công nghệ đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh. Kể cả khi cuộc chiến thương mại giảm nhiệt, vẫn còn tồn tại bầu không khi căng thẳng giữa hai cường quốc về cách thức sử dụng công nghệ mới. Huawei gia nhập cuộc chơi khi chuyển khẩu hiệu từ "Made in China" thành "Designed in China", với chất lượng tốt hơn, cải tiến chất lượng và mức giá mềm hơn so với Apple. Chính điều này đã làm thay đổi trật tự thị trường smartphone toàn cầu, khi tính doanh số bán ra Samsung dẫn đầu, theo sau là Huawei.
Có thể kể tới bước đột phá của công nghệ di động 5G cùng tốc độ siêu nhanh nhưng đòi hỏi cơ sở hạ tầng mạng lưới được đầu tư lớn - Huawei hiện thống trị thị trường thiết bị toàn cầu. Phát ngôn viên về an toàn bảo mật của Huawei, Andy Purdy, có chia sẻ về động thái cấm cản việc sử dụng thiết bị 5G của hãng này bởi chính phủ Mỹ như sau: "Kể từ đầu năm 2018, hành động của chính phủ Mỹ với Huawei hoàn toàn chống lại cạnh tranh... Với chúng tôi, bất kỳ vấn đề an ninh nào tồn tại ở sản phẩm của mình có thể được giải quyết. Nhưng chúng ta phải thực sự có cuộc đối thoại để tìm ra giải pháp".
Bao giờ thì Mỹ mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc?
Đây là một câu hỏi ngày càng khó trả lời khi Trung Quốc đang trở thành tâm điểm của sáng tạo theo cách vượt mặt những gì mà phương Tây đã đạt được. Khi mà phần lớn tương lai sẽ nói về cách thức thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, những đột phá quan trọng trong công nghệ - điều mà chúng ta đều mong đợi ở CES - đã không còn hiển nhiên như trước.
Câu hỏi chủ chốt cho tương lai không phải là một sản phẩm, mà là một triết lý cho xã hội phát triển: công nghệ hay sự tự do?