Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y:

Những điều cần biết về dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới

VietTimes  –Dịch viêm phổi Vũ Hán đang khiến người dân hoang mang, lo sợ. Giữa những ngày dịch rất "nóng", Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y – đã gửi cho VietTimes bài viết khá toàn diện xung quanh căn bệnh này, hy vọng giúp mọi người có thêm hiểu biết đúng, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng dịch ở cửa khẩu quốc tế Nội Bài (ảnh: Huynh Nguyễn)
Lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng dịch ở cửa khẩu quốc tế Nội Bài (ảnh: Huynh Nguyễn)

Lịch sử phát hiện:

-  Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Trung Quốc đã gửi thông báo tới WHO về các trường hợp viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Từ ngày 31 tháng 12 năm 2019 đến ngày 3 tháng 1 năm 2020, tổng cộng 44 bệnh nhân bị viêm phổi nguyên nhân không rõ đã được báo cáo tới WHO bởi các nhà chức trách Trung Quốc. Trong thời gian này báo cáo đều chưa xác định được tác nhân gây bệnh viêm phổi cấp.

-  Ngày 7 tháng 1 năm 2020 các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được căn nguyên gây bệnh viêm phổi cấp là một chủng Coronavirus mới (novel coronavirus 2019: 2019-nCoV)

-  Ngày 11 và 12 tháng 1 cơ quan y tế Trung Quốc gửi báo cáo tới WHO về các trường hợp viêm phổi cấp do chủng Coronavirus mới liên quan tới tiếp xúc với hải sản ở TP. Vũ Hán, TQ

-  Ngày 12 tháng 1 năm 2020 các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã được hoàn toàn bộ gen của 2019- nCoV và công bố trên ngân hàng gen thế giới (ký hiệu MN908947) giúp các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất chế tạo kit chẩn đoán 2019-nCoV.

Dịch tễ học và diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV.

-   Ngày 13 tháng 1 Bộ Y tế Thái Lan báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm 2019-nCoV được khẳng định bằng xét nghiệm xâm nhập vào Thái Lan. Đây là ca nhiễm nCoV đầu tiễn xảy ra ở ngoài Trung Quốc

-  Ngày 15 tháng 1 Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV.

-  Ngày 20 tháng 1 Hàn Quốc báo cáo ca nhiễm nCoV đầu tiên

-  Tính đến ngày 20 tháng 1 tổng cộng 282 trường hợp được khẳng định nhiễm nCoV trong đó 278 ca ở Trung Quốc (tp Vũ Hán 258, Quảng Đông: 14, Bắc Kinh: 5 và Thượng Hải: 1), 2 ca ở Thái Lan, 1 ở Hàn Quốc và 1 ở Nhật Bản. Trong số 278 ca khẳng định xét nghiệm có 51 ca nặng và 12 ca rất nặng và 6 trường hợp tử vong.

-  Ngày 21 tháng 1 WHO nhận được thông báo tổng số 314 ca nhiễm, trong đó có 16 nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV mắc bệnh. Cơ quan Y tế TQ cho biết nCoV lây truyền từ người sang người.

-  Ngày 22 tháng 1 Việt Nam báo cáo 2 ca nhiễm nCoV đầu tiên ở 2 bệnh nhân cha con người TQ nhập viện điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Các nhà khoa học Việt Nam công bố 2 ca nhiễm nCoV và nhấn mạnh sự lây truyền từ người sang người của nCoV. Hiện nay 1 bệnh nhân đã hồi phục và xét nghiệm âm tính với nCoV.

-  Các ngày sau đó lần lượt các nước Mỹ, Pháp, Malaysia… báo cáo các trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV.

-  Tính đến ngày 2 tháng 2, WHO báo cáo có tổng số ca nhiễm được khẳng định đã tăng lên 11.949, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 11.791. Tổng số trường hợp tử vong: 259, trong đó tại Trung Quốc: 259. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 158. Hiện có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.

-   Nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Lancet cho thấy biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh nhân nhiễm nCoV gồm sốt (98%), ho (76%), khó thở (55%), mệt mỏi và đau mỏi cơ (44%), đau đầu (8%). Phân tích dịch tễ học cho thấy 66% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với 1 chợ hải sản ở Vũ Hán, TQ.

Trong 1 nghiên cứu khác công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy thời gian ủ bệnh của nCoV trung bình là 5,2 ngày (2,2 – 12,5 ngày). Sự lây truyền từ người sang người được công bố trong hai nghiên cứu từ những bệnh nhân trong gia đình nhiễm với nCoV được công bố trên tạp chí Lancet (5 thành viên trong gia đình nhiễm với nCoV ở Hong Kong) và tạp chí New England Journal of Medicine (2 cha con người TQ nhiễm nCoV di chuyển đến Việt Nam).

- Cho đến nay đã có 35 trình tự nCoV được giải mã hoàn toàn và công bố trên GISAID giúp các nhà khoa học phân tích sâu hơn về sự tiến hóa và đặc điểm di truyền phân tử của nCoV so với các chủng coronavirus đã được phát hiện gây bệnh cho cả người và động vật phục vụ cho công việc phát triển vaccine phòng bệnh và chế tạo các xét nghiệm chẩn đoán nCoV.

-  Hiện nay đã có hai công ty thương mại là TIB-MOLBIOL (Đức) và PRIMERDESIGN (Anh) đã phát triển các kit realtime – PCR phục vụ xét nghiệm nCoV dưới hình thức nghiên cứu. Trong khi đó để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi do nCoV viện nghiên cứu hệ gen Trung Quốc (BGI) đã nghiên cứu chế tạo 20.000 kit realtime – PCR sẵn sàng sử dụng xét nghiệm nCoV.

Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y (ảnh: HVQY)
Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y (ảnh: HVQY)

Đặc điểm viêm phổi cấp do nhiễm nCoV.

- Coronavirus là một loài của virus thuộc phân họ Coronavirinae trong gia đình Coronaviridae. Tên Coronavirus có nguồn gốc từ tiếng Latin, có nghĩa là vương miện, vì hình dạng của virus này khi soi dưới kính hiển vi giống như vương miện hoặc vành nhật hoa. Coronavirus dễ bị bất hoạt ở điều kiện nhiệt độ 65oC hoặc cao hơn, tia cực tím bước sóng 254 nm, dung môi có pH kiềm (>12) và pH a xít (pH<3), formalin and glutaraldehyde.

-  Cho đến nay, người ta mới phát hiện ra Coronavirus chỉ lây nhiễm cho những loài động vật có xương sống và gây nên những bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và hệ thần kinh ở người và động vật nói chung. Trước năm 2003 chỉ có 2 chủng CoV 229E (HCoV-229E) và HCoV-OC43 được xác định gây bệnh ở người. Chủng Coronavirus mới được tìm thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc là một loài mới và chưa được tìm thấy trước đây.

WHO đã đặt tên cho chủng virus mới này cái tên là 2019-nCov. Phân tích trình tự gen chủng nCoV cho thấy có sự tương đồng cao 80% so với chủng SARS-CoV gây dịch bệnh SARS năm 2003 với 8098 ca nhiễm và 774 trường hợp tử vong. Việt Nam có 63 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong trong đó có cả nhân viên y tế.

- Virus Corona lây lan như thế nào?

Ngoài chủng Coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng Coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người trong đó 4 chủng 229E, OC43, NL63, and HKU1 lưu hành phổ biến và gây bệnh cảm thông thường ở người. Tuy nhiên hai chủng được phát hiện trong thời gan gần đây cực kỳ nguy hiểm, mức tác động và ảnh hưởng vượt xa các chủng loại virus Corona khác, đó chính là MERS – CoV (tỷ lệ gây tử vong 35%) và SARS – CoV (tỷ lệ gây tử vong 8%).

Các Coronavirus lây nhiễm qua các đường sau:

-  Lây nhiễm qua đường không khí thông qua việc người mắc bệnh hắt hơi và ho tạo giọt bắn.

-  Tiếp xúc với người đang mang bệnh thông qua các cử chỉ thân mật như bắt tay, ôm hôn.

-  Vô tình chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt mà không rửa tay sạch sẽ trước đó.

-  Lây nhiễm qua đường phân, ô nhiễm phân, con đường này khá hiếm xảy ra.

-  Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Dấu hiệu nhiễm nCoV ở ngƣời

-  Thời gian ủ bệnh 2 – 14 ngày.

- Triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm:

-  Sốt cao 39, 40 độ kéo dài liên tục 1 - 2 ngày

-  Ho liên tục, ho khan

-  Khó thở

-  Cơ thể ớn lạnh

-  Choáng váng

-  Đau nhức toàn thân

-  Mệt mỏi, không còn sức lực

-  Suy hô hấp dẫn đến tử vong

Những triệu chứng này phát triển nhanh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong nếu không có can thiệp điều trị kịp thời.

Chẩn đoán xét nghiệm

  Mẫu bệnh phẩm:

-            Dùng tăm bông loại dacron lấy mẫu dịch mũi họng (hai tăm bông cho 2 bệnh phẩm) sau cho vào tube 3 ml chứa môi trường bảo quản bệnh phẩm.

-            Có thể lấy dịch súc họng, dịch hút nội khí quản, dịch rửa phế quản và đờm.

-            Lấy bệnh phẩm máu: Lấy 3-5 ml máu tĩnh mạch cho vào tube có chống đông EDTA bảo quản ở 4oC

-            Bệnh phẩm được bảo quản, đóng gói và vận chuyển đến phòng xét nghiệm theo qui định của WHO

-            Đối với bệnh phẩm chưa bất hoạt phải được xử lý trong tủ an toàn sinh học cấp II (BSC-II), bệnh phẩm đã được bất hoạt có thể xử lý trong phòng an toàn sinh học cấp II (BSL-2)

-            Nhân viên lấy mẫu và xử lý bệnh phẩm phải sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cá nhân thích hợp (kính bảo vệ mắt, khẩu trang y tế, áo choàng dài tay, găng tay, ủng). Nếu mẫu được thu thập với quy trình tạo khí dung, nhân viên phải đeo khẩu trang bảo vệ như N95 được chứng nhận NIOSH, FFP2 tiêu chuẩn EU hoặc tương đương

·       Kỹ thuật xét nghiệm:

-            Sử dụng realtime RT-PCR với các cặp mồi và probe đặc hiệu cho nCoV. Ngày 17 tháng 1 năm 2020 WHO phối hợp với Viện vi rút học, Đại học Berlin Charite đã công bố qui trình xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật realtime PCR. Tiếp theo CDC Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan, CDC Hoa Kỳ đều công bố qui trình chẩn đoán xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật realtime PCR.

-            Ngoài ra có thể sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS: Next Generation Sequencing) và miễn dịch huỳnh quang để chẩn đoán nCoV. Tuy nhiên kỹ thuật này cho kết quả muộn và đòi hỏi chuyên gia phân tích kết quả.

-            Nuôi cấy nCoV hoặc các phân tích xét nghiệm trên vi rút sống phải được thực hiện trong phòng an toàn sinh học cấp III (BSL-3).

Phòng bệnh:

 Hiện chưa có vaccine phòng ngừa coronavirus. Các thử nghiệm vaccine  phòng bệnh vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ nhiễm bệnh:

-       Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người;

-       Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc;

-       Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán giotk bắn các dịch tiết đường hô hấp. Khăn giấy đã sử dụng phải được bỏ vào thùng rác có nắp. Người hắt hơi phải tiến hành rửa lại tay bằng xà phòng hoặc dung dịch có cồn ít nhất 20 giây.

-       Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng;

-       Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;

-       Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

-       Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao;

-       Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính với biểu hiện như sốt, ho khan, khó thở… phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho coronavirus. Hầu hết những người mắc bệnh coronavirus thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có thể làm một số điều để làm giảm các triệu chứng nếu có:

-            Uống thuốc giảm đau và hạ sốt (Chú ý: không cho trẻ em uống Aspirin)

-            Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc tắm nước nóng để giúp giảm đau họng và ho

-            Nếu bị bệnh nhẹ, bạn nên uống nhiều nước, ở nhà và nghỉ ngơi.

-            Nếu các triệu chứng không giảm, nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, cách ly kịp thời.

-            Những trường hợp nặng cần được chăm sóc đặc biệt tại khu vực cách ly sử dụng thông khí nhân tạo và oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

Kiểm soát nhiễm khuẩn

-            Tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn của WHO, CDC và Bộ Y tế đối với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

-            Thực hiện nghiêm luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Nguồn tham khảo:

1)  Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16//2020 về việc Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) và 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)

2)  WHO.int. link: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019

3)  CDC Hoa Kỳ: link https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/index.html

4)  Chaolin Huang et al, www.thelancet.com Published online January 24, 2020 https://doi.org/10.1016/S0140-6736(20)30183-5

5)  Qun Li et al, published on January 29, 2020, at NEJM.org, DOI: 10.1056/NEJMoa2001316

6)  Lan T. Phan et al, published on January 28, 2020, at NEJM.org, DOI: 10.1056/NEJMc2001272