Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc đăng ký bán 7.6 triệu cổ phiếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN) .
Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ bán 7,6 triệu cổ phiếu HVN theo phương thức “khớp lệnh” trong thời gian từ ngày 24/01 – 22/02/2018.
Giao dịch, nếu thành công, sẽ đưa giảm quy mô sở hữu của Vietcombank tại HVN từ 22,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,83%) về chỉ còn 14,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 1,21%.
Về mục đích của giao dịch, Vietcombank công bố rằng họ đang thực hiện “cơ cấu lại danh mục đầu tư”. Ở một chừng mực nào đó, có thể hiểu rằng ngân hàng này đang muốn chốt lời khoảng đầu tư ở HVN.
Thực tế, bắt đầu từ tháng 11/2017 đến nay, cổ phiếu HVN bắt đầu bước vào một chu kỳ tăng giá chóng mặt. Từ vùng giá 26.000 đồng/cổ phiếu, chỉ trong 1 thời gian ngắn, mã chứng khoán này đã tăng theo lần và hiện đang duy trì trên vùng 60.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên gần nhất (22/1), HVN tiếp tục tím trần ở 63.700 đồng/cổ phiếu, và đà tăng có thể chưa dừng lại khi lệnh gom giá trần vẫn đang được chất thêm.
Về động lực tăng trưởng của cổ phiếu HVN, bên cạnh xu thế thuận lợi của thị trường, không thể không kể đến kết quả nổi bật và bất ngờ của bản thân hãng bay. Như đã nói, HVN bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 11/2017 – thực ra đây cũng là lúc mà Vietnam Airlines công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2017 với những con số ngỡ ngàng: “Doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt hơn 65.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 2.310 tỷ đồng, vượt hơn 40% so với kế hoạch cả năm 2017, tính riêng Quý III lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ”, nhấn mạnh là HVN chỉ mất 9 tháng để vượt gần gấp rưỡi kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Và mới đây, theo cập nhật mới nhất của Vietnam Airlines cho cả năm 2017: Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 88.400 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế chạm mốc kỷ lục trên 2.800 tỷ đồng, vượt 72% kế hoạch và tăng 8,3% so sánh cùng kỳ. Trong đó, Công ty mẹ ước đạt 66.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng xấp xỉ 50% so với kế hoạch và 8% so với năm 2016. Nộp ngân sách nhà nước tăng gần gấp đôi, vượt mức 1.900 tỷ đồng.
Với những thành tựu chưa từng có nêu trên, không lạ khi cổ phiếu HVN đã liên tục thăng hoa. Thứ nữa, khi đánh giá về mức hợp lý cho cổ phiếu HVN, nhiều nhà đầu tư cũng thường đặt mã chứng khoán này trong tương quan so sánh với cổ phiếu VJC của hãng hàng không đối thủ - Vietjet Air.
Quy mô vốn điều lệ lớn khiến cho các chỉ số về khả năng sinh lời của HVN còn thấp hơn đáng kể so với VJC, tuy nhiên cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của HVN – theo nhiều nhà phân tích – lại lành mạnh và bền vững hơn hẳn so với VJC. HVN hầu như không bị phụ thuộc vào nguồn lợi nhuận từ các thương vụ “sales and leaseback” tàu bay – một nghiệp vụ có thể mang lại lợi nhuận tức thời nhưng lại là khởi nguyên cho áp lực chi phí khổng lồ về sau – như VJC. Đối thủ của Vietnam Airlines, Vietjet Air đang vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ về thị phần nội địa nhưng thực tế HVN vẫn chiếm ưu thế với 60% thị trường trong nước và gần như tuyệt đối với các chặng bay quốc tế.
Từ lẽ đó, nhiều người cho rằng, dư địa tăng giá của cổ phiếu HVN vẫn còn rất nhiều, khi mà cổ phiếu VJC của hãng hay đối thủ đã tiếp cận sát khu vực 190.000 đồng/cổ phiếu. “VJC như thế thì không lý gì HVN chỉ có 60.000 đồng. Nên nhớ là năm 2018 này, HVN cũng sẽ chuyển sàn sang HoSE”, một nhà đầu tư bình luận.
Tuy nhiên, động thái đăng ký bán ra 7,6 triệu cổ phiếu HVN mới đây của Vietcombank hẳn cũng khiến thị trường cân nhắc. “Phải chăng Vietcombank đánh giá là HVN đã đạt đỉnh nên mới “thoát hàng”. Bộ phận đầu tư của VCB lâu nay vẫn nổi tiếng về sự nhạy bén”, trích một băn khoăn.
Song cũng có những ý kiến phản biện. “Tổng sở hữu của Vietcombank có tới 22,4 triệu cổ phiếu HVN. Phần bán bán 7,6 triệu cổ phiếu mới có bằng 1/3, mà mới là đăng ký bán chứ đã bán thật đâu. HVN còn tăng”, một ý kiến quả quyết.
Chưa rõ cổ phiếu HVN rồi sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, với Vietcombank, ngân hàng này đang lãi lớn từ thương vụ đầu tư vào HVN. Theo đó, Vietcombank cũng với Techcombank là hai nhà băng đã tham gia phiên IPO của Vietnam Airlines vào tháng 11/2014. Tính đến cuối năm 2017, Vietcombank đang ghi nhận khoản đầu tư 499,6 tỷ đồng cho 22,4 triệu cổ phiếu HVN, tương ứng mức giá vốn khoảng 22.300 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, với thị giá hiện giờ của HVN thì chỉ cần Vietcombank “thoát” xong 7,6 triệu cổ phiếu HVN vừa đăng ký, nhà băng này đã có thể hoàn vốn cho cả khoản đầu tư vào Vietnam Airlines vào cuối năm 2014. Phần còn lại là đoạn lời nhận về.
Liên quan đến Vietnam Airlines, mới đây vừa có thông tin theo lộ trình giảm vốn Nhà nước tại hãng, theo đó, năm 2019, Nhà nước sẽ giảm sở hữu từ hơn 86% của hiện tại xuống còn 51%. Cụ thể, trong quý 1/2018, HVN sẽ hoàn thành phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành thêm hơn 191 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Trong đó Nhà nước chuyển nhượng quyền mua gần 58 triệu cp, theo đó, dự kiến sau phát hành, vốn Nhà nước sẽ giảm từ 86.16% xuống 82%.
Đó hẳn là một tin tốt nữa cho cổ phiếu HVN. Tuy nhiên, khi đầu tư vào một mã cổ phiếu hàng không cũng rất nên lưu ý đến yếu tố mùa vụ trong đặc thù hoạt động của ngành. Trong mùa du lịch cao điểm (Quý III) và dịp Tết (Quý I) lượng khách sử dụng thường tăng vọt, do đó doanh thu và lợi nhuận của các hãng trong kỳ này thường tăng đột biến so với hai kỳ còn lại. Thứ nữa, hàng không cũng là ngành thâm dụng nhiên liệu nên giá dầu trên thị trường cũng sẽ tác động rất lớn tới kết quả tài chính của các hãng bay./.