Trong một nỗ lực quảng bá cho bộ phim có tên Sát thủ Khali (Khali the Killer), Sony Pictures Entertainment đã vô tình đăng tải toàn bộ nội dung phim hoàn chỉnh thay vì một đoạn trailer giới thiệu trên Youtube.
Sát thủ Khali thuộc thể loại lý tội phạm chịu ảnh hưởng khá nhiều của nền điện ảnh phương Tây và phong cách phim của thập niên 70. Thực tế, bộ phim đã được ra mắt dưới dạng đĩa DVD vào năm 2017 nhưng phải tới cuối năm nay mới được ra mắt tại một số rạp, cũng như ra phát hành phiên bản Blu-Ray và khả dụng trên các nền tảng stream trực tuyến như NetFlix.
Theo Ars Technica, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi video giới thiệu cho Sát thủ Khali trên kênh Youtube của Sony có độ dài lên tới 1 tiếng 30 phút. Mặc dù nó đã bị Sony Picture Entertainment gỡ xuống sau hơn 5 giờ nhưng chừng đó cũng đủ để trở thành chủ đề chế giễu trên nhiều diễn đàn phim ảnh.
Ngay lập tức trên diễn đàn mở Reddit, đã xuất hiện bài đăng trêu ghẹo Sony và toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh. Tài khoản GeraltForOverwatch viết “Một đoạn Trailer đã làm hỏng cả bộ phim!”. Bình luận này đã nhận hơn 15.000 lượt đồng tình (upvote). Nhiều người dùng khác trên Reddit lại đưa ra giả thiết rằng đây là chiêu bài của Sony để tiếp thị cho một bộ phim không có nhiều sức hút.
Bộ phim hài The Interview nói xấu Lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã khiến Sony gặp không ít rắc rối trong năm 2014. Ảnh: Sony
|
Không rõ hành động này là cố tình hay đơn giản chỉ là sự nhầm lẫn tai hại. Nhưng khó có thể phủ nhận Sony đang phải vật lộn với không ít sự cố bi hài về bảo mật trong vài năm qua. Vụ tấn công vào cơ sở dữ liệu của Sony Picture năm 2014 đã khiến thông tin nhạy cảm của hàng nghìn của khách hàng, bao gồm số an sinh xã hội, email… bị tổ chức tin tặc Guardians of Peace xóa sạch. Sau đó, chúng còn phát tán những dữ liệu này qua torrent, kèm theo một số email lưu hành trong nội bộ công ty. Ngược về trước đó 1 năm, toàn bộ dữ liệu khách hàng sử dụng mạng lưới giải trí Playstation Network đã bốc hơi khi bị một nhóm tin tặc đánh sập.
Ars Technica cho rằng quy trình xuất bản video lên các nền tảng của Sony có thể là nguyên nhân của sự cố. Cụ thể, một nhân viên không may sao chép và dán sai số ID từ kho lưu trữ video của công ty vào một công cụ xuất bản hàng loạt, đăng tải tự động thông qua giao diện Youtube Data API hoặc các nền tảng khác. Nhưng tất cả chỉ là suy đoán bởi tới nay Sony vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.