LTS: Trong dịp trở lại Việt Nam cuối tháng 4/2010, nhân kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, phóng viên huyền thoại Peter Arnett của AP đã nói với tác giả bài phỏng vấn này: "The Sorrow of War" (Nỗi buồn chiến tranh) là cuốn sách của một anh binh nhì kể về cuộc chiến từ phía Việt Nam, khác hẳn với các hồi ký của các tướng lĩnh, bởi nó kể thực sự những gì người lính nếm trải. Đọc xong cuốn sách này, những cựu binh Hoa Kỳ nói với tôi rằng nó xóa đi ngăn cách giữa cựu binh hai nước, bởi nếu cựu binh Hoa Kỳ chịu "hội chứng chiến tranh Việt Nam", thì cựu binh Việt Nam cũng chịu một hội chứng tương tự. Mặc dù cựu binh hai nước có mục đích tham gia cuộc chiến khác nhau, sau cuộc chiến, họ đều cùng vất vả trở lại hòa nhập với cuộc sống đời thường. t
"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, ngoài việc là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam, còn mang một ý nghĩa như thế. Tuy nhiên, bạn đọc lâu nay không phải ai cũng biết, để "Nỗi buồn chiến tranh" được lan tỏa như ngày hôm nay, có một nhân vật đứng đằng sau nó, góp phần không nhỏ, chính là nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc. Chúng ta hãy cùng nghe Nguyên Ngọc kể lại, trong cuộc đối thoại với nhà báo Huỳnh Phan.
Không có Trường viết văn Nguyễn Du sẽ không có "Nỗi buồn chiến tranh"?
Nhà báo Huỳnh Phan: Cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” tình cờ đến với ông thế nào và vì sao ông xem xét để đề nghị trao giải thưởng?
- Nhà văn Nguyên Ngọc: Hoàn toàn không tình cờ. Bảo Ninh học Trường Viết văn Nguyễn Du, và trường này phải tuân thủ quy chế của một trường đại học, tức là để ra trường sinh viên phải có luận văn tốt nghiệp. “Nỗi buồn chiến tranh” chính là luận văn tốt nghiệp của nhà văn Bảo Ninh.
Ông hồi đó cũng là giáo viên ở trường?
- Đúng. Mỗi giáo viên được phân công theo dõi, giúp đỡ 3 sinh viên. Bảo Ninh là một trong ba sinh viên tôi được phân công giúp đỡ. Bảo Ninh vốn là sinh viên khoa Sinh, đang học thì đi bộ đội. Xuất ngũ trở về, Bảo Ninh vào học tiếp ở khoa Sinh. Ra trường, được nhận vào Viện Sinh học.
Ở Viện Sinh học, người ta có nuôi gà thí nghiệm, không hiểu Bảo Ninh nghịch ngợm thế nào, gà chết hết, thế là họ đuổi cậu ấy khỏi cơ quan. Sau đó, ông Hoàng Tuệ, Giám đốc Viện Ngôn ngữ học, mới gặp tôi, xin cho Bảo Ninh vào Trường Viết văn Nguyễn Du.
Hồi đó, bọn tôi có chủ trương thế này: có thể đào tạo một học sinh phổ thông thành bác sĩ, kỹ sư, nhưng không thể đào tạo một học sinh, dù rất giỏi, thành nhà văn được.
Ngoài năng khiếu, vốn sống cũng rất quan trọng để hình thành một nhà văn, đúng không thưa ông?
- Đúng. Sau khi tôi không làm ở Trường Viết văn Nguyễn Du nữa, Đặng Việt Bích (PGS-TS Đặng Việt Bích hiện là Ủy viên HĐQT của Công ty CP Bamboo Capital, con trai cố Tống Bí thư Trường Chinh –TG) về nắm trường và ông đã biến trường này thành một khoa của Đại học Văn hóa, và cho tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông vào trường. Như anh thấy đấy, kết quả rất không ổn.
Pháp không hề đào tạo nhà văn nhé, bởi ở hệ đại học họ trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức rồi. Bên Mỹ có dạy viết văn trong một số trường đại học, nhưng dạy theo kiểu giúp mấy ông về hưu muốn viết hồi ký có thể viết được hồi ký.
Vậy mô hình trường viết văn các ông lấy từ đâu ra?
- Trường Gorki của Liên Xô ấy. Bọn mình cũng làm tương tự. Nhất là việc cứ sáu tháng kiểm tra một lần, nếu thấy sinh viên mà viết giống văn phong của nhà văn hướng dẫn, thì đổi luôn giáo viên hướng dẫn. Văn chương phải sáng tạo, không thể đào tạo ra một Nguyễn Du thứ hai được, vì đó là thừa.
Tôi bàn với ông Trần Độ khi ấy đang là Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương rằng các nhà văn trẻ rất cần có kiến thức văn hóa cơ bản. Vì vậy, chúng tôi cho mời các chuyên gia hàng đầu của từng lĩnh vực đến, chủ yếu là khoa học xã hội, nhân văn và kể cả khoa học tự nhiên, đến nói chuyện.
Ví dụ, ông giáo sư đầu ngành về vật lý đến nói về vật lý hiện đại. Hay giáo sư đầu ngành về thiên văn nói chuyện thiên văn v.v.
Hay nói về Khổng giáo. Nhà văn Việt Nam không thể nào không biết về Nho giáo, nên chúng tôi mời Giáo sư Trần Đình Hượu đến giảng, nói về Nho giáo, về dân tộc học.
Hoặc Giáo sư Từ Chi, ông Đặng Kim Vạn là những nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, chúng tôi cũng mời đến. GS Sử học Trần Quốc Vượng thì giảng cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lịch sử.
Trường Viết văn Nguyễn Du đặt ở Hà Nội, vì ở đó có những chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực. Chứ các nhà văn chỉ đến nói chuyện chơi chơi thôi, không có ai dạy cách viết văn cả.
Tức là sinh viên của trường là những người trước khi vào trường đã viết văn rồi?
- Vì trường viết văn là trường đại học nên phải thi. Trần Đăng Khoa thi vào, văn được có 2 điểm, mấy cô giáo chấm thi đọc bài Trần Đăng Khoa cứ cười suốt.
Nhưng chúng tôi bắt phải nộp thêm các tập truyện ngắn, hay tập thơ, như điều kiện thi năng khiếu. Chính vì vậy Trần Đăng Khoa mới được bù điểm mà đỗ.
Bảo Ninh có hai, ba truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ Quân đội. Mấy truyện ngắn đó sau này Bảo Ninh cũng dùng trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.
Tôi còn nhớ, khi bảo vệ luận văn, Bảo Ninh bảo vệ rất hay trước hội đồng. Và cũng rất cảm động.
Người ta hỏi tại sao Bảo Ninh lại chọn chủ đề này, cậu ấy nói thời kỳ đó thế hệ Bảo Ninh từ ngoài Bắc vào chiến trường phải làm du kích, vì lính hy sinh nhiều quá, không đủ phiên chế thành đơn vị bộ đội chủ lực.
Bảo Ninh nói cậu ấy may mắn sống sót, trong khi đó nhiều người giỏi hơn, uyên bác hơn, đẹp trai hơn, lại bỏ mạng. Điều đó ám ảnh cậu ấy.
Hôm tôi mời cậu ấy vào Trường Phan Chu Trinh nói chuyện, cậu ấy cũng nói điều tương tự. Cậu ấy nói sự sống sót của cậu ấy cứ như là sự "phản bội" lại bạn bè.
Điều thứ hai, Bảo Ninh nói cậu ấy là người binh nhì đầu tiên viết về chiến tranh. Chứ còn những người như tôi, nhà văn Nguyên Ngọc, được cử vào viết về chiến tranh, có cái nhìn khác về cuộc chiến. Có lẽ có cái nhìn của cán bộ tuyên huấn, có tính chất tuyên truyền. Chu Lai cũng vậy.
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, ngày xưa là Chính ủy của Mặt trận Tây Nguyên, có hôm đến Hội Nhà văn chơi, và gặp Bảo Ninh ở đó. Ông nói ông đọc “Nỗi buồn chiến tranh” rồi. Ông hỏi Bảo Ninh ở đơn vị nào, Bảo Ninh trả lời Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, đúng chỗ mà ông Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy.
Ông Đặng Vũ Hiệp có nói rằng đọc là ông biết ngay Bảo Ninh ở đơn vị nào, nhưng những điều Bảo Ninh nói là không chính xác. Bảo Ninh đáp lại rằng cái sự thật mà ông Đặng Vũ Hiệp biết là cái sự thật mà người chính ủy ở trên biết, còn cái sự thật tôi, một người bình nhì, biết là một sự thật hoàn toàn khác.
Sự thật của người binh nhì là sống chết thế nào, có sợ tới mức đào ngũ hay không, hay dũng cảm chiến đấu để trờ thành anh hùng. Còn với chỉ huy, đó chỉ là chiến thắng, hay thất bại tại trận chiến đó.
Và khi ông đọc bản thảo của Bảo Ninh ông đã thấy hay ngay từ lúc đó? Ông có hướng dẫn gì thêm cho bản thảo đó hoàn thiện không?
- Văn của Bảo Ninh hay lắm, tôi đọc với sự thích thú. Nhưng tôi có một nhận xét là Bảo Ninh có một nhược điểm là câu văn nào cũng hay, đọc một cuốn sách mà câu văn nào cũng được trau chuốt thì không nên. Như cô gái đẹp ấy, nét nào cũng đẹp, nhưng cô ấy có một chiếc răng khểnh, tức là không hoàn hảo, thì lại rất có duyên. Tôi bảo “cậu còn thiếu cái duyên đó”.
Câu nào cũng trau chuốt là cho người đọc cảm thấy căng thẳng. Đôi khi phải thả lỏng, chen vào những ngôn ngữ đời thường, hơi sai ngữ pháp một tí, tất cả làm cho cuốn truyện tự nhiên hơn.
Bảo Ninh có sửa lỗi đó không?
- Tôi chỉ bảo với Bảo Ninh đừng sửa tầm bậy tầm bạ vào cuốn sách. Nhưng cậu cần phải học điều đó, phải thả lỏng khi viết cho nó hồn nhiên.
Điều thứ hai là văn học chiến tranh trước Bảo Ninh, ví dụ như trường hợp của tôi, là sử dụng dòng văn học sử thi, nặng về độc thoại, và tôi viết, như một kẻ độc tài, thay cho dân tộc tôi, và khẳng định chúng ta nhất định thắng. Kiểu như “Hịch tướng sĩ” của thời chống Mỹ. Tức là nó rõ ràng giữa tốt - xấu, hay thiện - ác.
Thế mà với Bảo Ninh, lần đầu tiên trong văn học của Việt Nam, như một tiểu thuyết gia, không phải là độc thoại, mà có tranh luận, có đối thoại rất rõ ràng. Và nhân vật có thể là người hùng, nhưng đồng thời cũng có thời điểm rất hèn nhát. Tức là tùy vị trí người quan sát, góc này thì thế này, mà góc kia lại ngược lại.
Vậy liệu không có Trường Viết văn Nguyễn Du sẽ không có “Nỗi buồn chiến tranh”, thưa ông?
- Bảo Ninh từng nói như vậy, không chỉ với tôi, rằng cậu ấy không thể viết được “Nỗi buồn chiến tranh” nếu không học ở trường. Bởi Trường Viết văn Nguyễn Du đã trang bị cho Bảo Ninh một khối kiến thức, hay văn hóa, tổng hợp.
Chẳng hạn, về Milan Kundera (nhà văn và nhà lý luận văn học gốc Tiệp, nhưng năm 1975 sang định cư ở Pháp – TG), tôi chỉ dịch những bài lý luận văn học, các tiểu luận của ông, chứ không dịch tiểu thuyết. Hay với Roland Barthes (nhà văn, nhà phê bình và lý luận văn học Pháp -- TG) cũng vậy.
Nhà văn Bảo Ninh
|
Chuyện gì xảy ra sau khi “Nỗi buồn chiến tranh” được trao giải?
Cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” được trao giải như thế nào?
- Hồi đó, tôi là Trưởng ban Sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam. Sau Đại hội lần thứ 4 của hội, tôi lúc đó muốn trao giải thưởng cho “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Tuy nhiên Ban Chấp hành Hội Nhà văn có tận 9 người, và trước đây thường có vai trò chung khảo trong việc xét tác phẩm được trao giải. Tôi nói: “Chúng ta ở Ban Chấp hành không phải là những nhà văn giỏi nhất, nhưng chúng ta được chọn vì có khả năng làm được những việc hợp lý nhất trong hội nhà văn. Anh làm đối ngoại, anh làm tổ chức, anh làm tài chính... Như tôi giúp anh em về mặt sáng tác.”
Nhưng, theo tôi, Ban Chung khảo chấm giải thì phải khác Ban Chấp hành, bởi vì tính chuyên môn của nó. Tôi đề nghị một ban chung khảo khác, và thuyết phục từng người, như nhà văn Lê Ngọc Trà, Vũ Cao…
Có cái may nữa là ông Vũ Tú Nam là Tổng Thư ký Hội Nhà văn bị thuyết phục bởi “Nỗi buồn chiến tranh”, ông ấy nói văn của Bảo Ninh hay lắm. Thậm chí, ông ấy còn nói, “năm nay hoặc giải văn xuôi thuộc về 'Nỗi buồn chiến tranh', hoặc không trao giải.”
Cuối cùng, tác phẩm của Bảo Ninh được trao giải, cùng với “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, và “Bến không chồng” của Dương Hướng.
Thế là đầu xuôi chuôi lọt rồi.
- Không đâu. Khi giải thưởng được công bố, bắt đầu sự phê phán nổi lên. Nhiều tờ báo cũng chỉ trích quyết định của chúng tôi. Nhất là bên quân đội, thông qua một vài bộ phận ở Tổng cục Chính trị.
Ngay cả cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không đồng tình với cách miêu tả cuộc chiến của Bảo Ninh. Ông gặp Bảo Ninh trong lần ghé chơi tới Hội Nhà văn chúng tôi. Ông nói đấy không phải là đội quân chiến thắng...
Thế là anh em trong Ban Chung khảo bắt đầu sợ hãi. Ông Vũ Tú Nam "thú tội", ông Nguyễn Khải cũng "thú tội". Chỉ có tôi, Lê Ngọc Trà và Bùi Hiển là giữ vững quan điểm. (Bùi Hiển là người phản đối “Nỗi buồn chiến tranh” từ đầu đến cuối, nhưng khi có sự phê phán vẫn vững vàng bảo vệ quan điểm của ban chung khảo).
May mà tôi còn giữ biên bản bỏ phiếu, 7/9 phiếu đồng ý.
Sau đó không có tác phẩm nào về chiến tranh nổi trội nữa sao, thưa ông?
- Sau đó có 2 quyển của Nguyễn Bình Phương là “Mình và họ” và “Kể xong rồi đi”, nhưng cách đặt vấn đề của anh về chiến tranh hoàn toàn theo cách khác.
Bảo Ninh, sau “Nỗi buồn chiến tranh” không thấy ra cuốn tiểu thuyết nào nữa. Hỏi thì cậu ấy trả lời là đang viết, nhưng mấy chục năm có thấy xuất bản đâu. Tôi bảo “chắc cậu sợ cuốn sau không hay bằng cuốn trước chứ gì, cái đó cũng rất bình thường với các nhà văn”.
Theo tôi, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, có lúc phát lộ tài năng, ra những tác phẩm xuất sắc, như Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” năm 17 tuổi, hay Chế Lan Viên in tập “Điêu tàn” năm 17 tuổi, nhưng sau đó họ không có tác phẩm nào nổi trội nữa.
Chỉ có Nguyễn Ngọc Tư là khác, một hiện tượng lạ của văn học Việt Nam. Cô ấy viết tạp văn rất hay, và kéo dài được lâu, do chịu khó đọc nhiều. Chính tôi khuyên cô ấy nên học tiếng Anh mà đọc sách.
Sau khi “Nỗi buồn chiến tranh” được dịch sang tiếng Anh, và trở nên nối tiếng trên thế giới, được trao giải nọ giải kia, có rất nhiều phóng viên nước ngoài tìm đến phỏng vấn Bảo Ninh. Thế ông, với tư cách người đứng sau việc trao giải, có được các phóng viên họ quan tâm không?
- Cũng có một vài lần. Như lần Truyền hình NHK (Nhật Bản) có phỏng vấn tôi, người dịch buổi phỏng vấn đó là bạn thân của tôi, chuyên gia tiếng Anh Hoàng Túy, người cũng rất hiểu “Nỗi buồn chiến tranh”.
Bảo Ninh và cuốn "Nỗi buồn chiến tranh" đã được dịch ra tiếng Anh
|
Vậy họ hỏi ông những gì?
- Bối cảnh trao giải như tôi nói với anh khi nãy. Đặc biệt là việc “Nỗi buồn chiến tranh”, tác phầm của một anh binh nhì, đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa cựu binh hai nước, đóng góp vào công cuộc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Ông có thể nói rõ hơn?
- Những người cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam đã chịu “Hội chứng chiến tranh Việt Nam”. Bộ đội Việt Nam, không ít người cũng vậy, rất khó hòa nhập vào cuộc sống đời thường, cũng thỉnh thoảng bị mộng du. Tức là họ cũng bị “hội chứng chiến tranh”.
Vì vậy, cựu binh Mỹ đã dễ dàng hơn trong việc “bắt tay” với những "cựu thù". Họ nghĩ họ có thể chia sẻ “số phận” với các cựu binh Việt Nam.
Xin cám ơn ông.