Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan hay còn gọi là TSMC, đã lên lịch tổ chức hội nghị nhà đầu tư vào cuối tuần này để đưa ra những kỳ vọng cho quý đầu tiên của năm 2023 và cho cả năm.
Cho đến nay, gã khổng lồ Đài Loan đã công bố doanh thu tháng 12 năm 2022 và đây lần đầu tiên sau hai năm, họ không đạt được dự báo doanh thu hàng quý.
“Doanh thu quý IV tại TSMC tăng 43% lên 625,5 tỉ Đài tệ (20,6 tỉ USD). Mức doanh thu này thấp hơn mức trung bình 636 tỉ Đài tệ mà các nhà phân tích dự đoán”, Bloomberg cho biết theo tính toán dựa trên số liệu hàng tháng do TSMC báo cáo. Điều này cho thấy ngay cả TSMC, với lợi thế về công nghệ và quy mô lớn, cũng không thể thoát khỏi tình trạng suy giảm chi tiêu toàn cầu khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lãi suất và lạm phát gia tăng.
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, TSMC đã chia sẻ doanh thu thuần cho tháng 12 năm 2022 là khoảng 192,56 tỉ Đài tệ, giảm 13,5% so với tháng 11 năm 2022 nhưng tăng 23,9% so với tháng 12 năm 2021. Mặt khác, doanh thu từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2022 tổng cộng là 2.263,89 tỉ Đài tệ, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm ngoái, TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã giảm kế hoạch chi tiêu vốn khoảng 10% xuống còn 36 tỉ USD. Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng công ty có thể cắt giảm hơn nữa kế hoạch chi tiêu cho việc mở rộng trong năm nay.
Là nhà cung cấp độc quyền chip silicon của Apple, TSMC cũng không tránh được việc bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về hoạt động lắp ráp mà Apple gặp phải ở Trung Quốc. Apple đã buộc phải cắt giảm ước tính sản lượng sau hỗn loạn liên quan đến dịch Covid-19 tại một nhà máy ở Trịnh Châu.
Cổ phiếu của TSMC có trụ sở tại Hsinchu, công ty có giá trị nhất Đài Loan, đã giảm 27% vào năm ngoái — sau khi tăng gấp đôi trong đại dịch — và tăng khoảng 8% trong năm nay. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với nhiều sản phẩm sử dụng chip TSMC, nhưng công ty và khách hàng của họ vẫn kỳ vọng xu hướng dài hạn về nhu cầu điện tử sẽ tiếp tục tăng.
Điều này thể hiện rõ qua quy mô mở rộng của TSMC. Vào tháng trước, TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip thế hệ tiếp theo và tăng đầu tư vào bang Arizona của Hoa Kỳ lên 40 tỉ USD.
TSMC đang chịu áp lực đa dạng hóa phân phối địa lý về hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Công ty vừa hợp tác với các chính phủ lớn như Mỹ và Nhật Bản để mở rộng dấu ấn toàn cầu, vừa cam kết với chính quyền Đài Loan sẽ giữ công nghệ chip tiên tiến nhất ở quê nhà. Các nhà hoạch định chính sách và khách hàng đang ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc công nghệ vào Đài Loan và đã thúc đẩy TSMC chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Theo Yahoo Finance, Tech Wire Asia