Ngành công nghiệp bán dẫn được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỉ USD vào năm 2030 nhưng triển vọng trong ngắn hạn đang trở nên ảm đạm hơn, theo Techwire Asia.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là tình trạng dư cung đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Triển vọng kinh tế xấu đi đã tác động đến hoạt động sản xuất điện thoại thông minh, máy tính cá nhân (PC) và hàng điện tử tiêu dùng, từ đó khiến thị trường DRAM có thể rơi vào tình trạng dư cung trong 3 quý đầu năm 2023.
DRAM là viết tắt của Dynamic Random Access Memory, tạm dịch: “Bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên động”, là bộ phận không thể thiếu trong sản xuất máy tính, thiết bị điện tử thông minh.
Theo Gartner, doanh thu DRAM ước đạt 90,5 tỉ USD trong năm 2022 và sẽ giảm 18% vào năm 2023, xuống còn 74,2 tỉ USD. Điều này sẽ tác động ra sao tới triển vọng của các 'ông lớn' trong ngành bán dẫn (?).
TSMC
TSMC cũng mong đợi một bước tiến suôn sẻ cho công nghệ 3nm mới nhất của mình vào năm 2023. (Nguồn – Shutterstock) |
Tổng giám đốc điều hành TSMC C.C.Wei (Ngụy Triết Gia) kỳ vọng 2023 là một năm tăng trưởng và 'ông lớn' sản xuất chip của Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các thách thức mang tính chu kỳ.
Sự suy giảm của thị trường điện thoại thông minh và PC cũng sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng chip tiến trình 7nm và 6nm (N7 và N6). Tiến trình chip càng nhỏ giúp các nhà sản xuất thêm được nhiều transitor trong một con chip qua đó giúp chip mạnh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.
TSMC đã giải quyết thách thức trên bằng việc tách các bộ phận sản xuất thành 3 'dòng': 7nm, 5nm và 3nm (sắp ra mắt).
N7 về cơ bản là quy trình 7nm được sản xuất hàng loạt mà không cần EUV (siêu tia cực tím - extreme ultraviolet). N7+ là quy trình 7nm thế hệ thứ hai sử dụng một số lớp EUV, cũng được sản xuất với số lượng lớn. N6 là bản thu nhỏ của N7+ mang lại hiệu năng cao hơn và tăng mật độ logic 18%.
TSMC hy vọng hàng tồn kho sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2023, thúc đẩy nhu cầu N7, N6 tăng trở lại. Tính đến quý 3 năm 2022, dòng sản phẩm 7nm của đóng góp 26% doanh thu của TSMC, trong khi điện thoại thông minh và HPC lần lượt đóng góp 41% và 39% doanh thu của TSMC.
Nhìn chung, trong năm 2023, TSMC mong đợi một giai đoạn phát triển suôn sẻ cho công nghệ 3nm mới nhất, tiên tiến nhất của mình, vốn đã được đưa vào sản xuất hàng loạt trong quý 3/2022.
Intel
Intel Corp - nhà sản xuất chip của Mỹ - đã trở nên tụt hậu trước các đối thủ cạnh tranh và sự chậm trễ trong việc chuyển đổi sản xuất. Từng là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới, Intel đã bỏ lỡ giai đoạn sôi động bậc nhất của thị trường và những thay đổi trong công nghệ của vài thập kỉ qua.
Tuy nhiên, Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành của Intel - khẳng định, công ty đang hướng tới mục tiêu giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Intel thậm chí còn có ý định cạnh tranh với TSMC trên thị trường sản xuất chip cho các công ty bán dẫn khác. Thực tế, trong một cuộc họp báo gần đây tại San Francisco, Phó chủ tịch Intel, Ann Kelleher, cũng là người đứng đầu bộ phận phát triển công nghệ, đã tuyên bố, tập đoàn này đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra trên hành trình giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Trong cuộc họp nội bộ, Kelleher tuyên bố rằng, Intel đang thực hiện một cách tiếp cận thực dụng hơn nhiều so với trước đây, xây dựng các kế hoạch dự phòng để đảm bảo không có thêm sự chậm trễ lớn nào nữa, theo Tech Wire Asia.
Bên cạnh đó, Intel cũng lên kế hoạch dựa vào các nhà cung cấp thiết bị thay vì cố gắng tự mình thực hiện tất cả các công đoạn. Hiện tại, Intel đang sản xuất chip 7nmvà đã bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 4 nm.
AMD
Advanced Micro Devices (AMD) đã quay trở lại đầy ngoạn mục trong năm 2022. Công ty này đã giới thiệu những loại chip tiên tiến và đạt được mức doanh thu đáng nể. AMD cũng trở thành nhà sản xuất CPU và GPU hàng đầu.
Theo Mercury Research, AMD đã trở thành 'thế lực' thách thức Intel trong mảng trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo đà tăng trưởng của công ty này sẽ chậm lại trong năm 2023 với mức doanh thu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 13%.
NVIDIA
NVIDIA đã ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 3 của năm tài chính 2023 (1/2/2022 - 31/1/2023), với doanh thu và thu nhập giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng sự tăng trưởng của NVIDIA có thể tăng tốc trong năm tài chính 2024.
Quý đầu tiên của NVIDIA trong năm tài chính 2022 cũng rất khó khăn, đặc biệt là khi tập đoàn này chấm dứt thỏa thuận mua lại Arm Limited từ SoftBank Group Corp.
NVIDIA hy vọng siêu chip Grace và chip ô tô sẽ dẫn đầu vào năm 2023. (Ảnh Getty Images/AFP) |
Theo Techwire Asia, một trong những lý do giúp NVIDIA có thể tăng trưởng trong năm tài chính 2023 là các bộ xử lý máy chủ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu của công ty.
Đây vốn là điểm sáng của nhà sản xuất chip trong quý 3 năm 2022. Doanh thu của phân khúc này tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,8 tỉ USD, chiếm 64% doanh thu của NVIDIA.
Sự tăng trưởng ấn tượng của phân khúc này chủ yếu là do các nhà khai thác siêu máy tính và nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Microsoft và Oracle ngày càng áp dụng các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) trong trung tâm dữ liệu của NVIDIA.
Từ năm 2021, NVIDIA đã thông báo sẽ ra mắt siêu chip CPU trung tâm dữ liệu đầu tiên của mình, được gọi là Grace, vào năm 2023./.
Theo TechwireAsia