Nhiều năm nay, tin đồn rộ lên rằng các nhà khoa học Trung Quốc luôn được thưởng tiền khi các công trình nghiên cứu khoa học của họ được đăng trên các tờ báo nổi tiếng. Đầu tiên, tin đồn này khiến các nhà khoa học phương Tây vô cùng kinh ngạc, vì với họ, việc thưởng tiền như thế này rất đáng xấu hổ. Với họ, khoa học rất tôn kính và việc nghiên cứu để tìm ra sự thật không thể bị ảnh hưởng bởi những lợi ích cá nhân.
Tuy nhiên, số các tờ báo xuất bản công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc bắt đầu tăng vọt, những khoản tiền thưởng đã làm dấy lên nhiều câu hỏi hóc búa về mức độ tin cậy của những công trình nghiên cứu được đăng báo và tính liêm chính của khoa học Trung Quốc nói chung.
Và điều quan trọng nhất trong cuộc tranh cãi này chính là – các nhà khoa học Trung Quốc được trả bao nhiêu tiền khi công trình nghiên cứu của họ xuất hiện trên những tờ báo lớn?
Số tiền trung bình mà các trường đại học Trung Quốc trả cho các nhà khoa học khi họ xuất hiện trên những tờ báo nổi tiếng từ năm 2008-2016
Wei Quan của trường Đại học Vũ Hán, Bikun Chen tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, và Fei Shu tại Đại học McGill ở Montreal đã cung cấp thông tin và trang Technology Review đã có được câu trả lời cho câu hỏi này.
Theo Technology Review, một cuộc khảo sát về các động cơ tài chính đã được 100 trường đại học hàng đầu Trung Quốc đưa ra, sau đó rút ra những dữ liệu về các xu hướng đang lên. Những động cơ đăng-báo-vì-tiền rất phổ biến và các nhà khoa học có bài viết đăng trên những tờ báo hàng đầu của phương Tây có thể nhận được hơn 100.000 USD/bài. Hơn nữa, có những dấu hiệu đáng lo ngại là những phần thưởng bằng tiền này đang "bóp méo" nền khoa học Trung Quốc.
Trung Quốc có hơn 1.000 trường đại học. Nhưng vào những năm 1990, Trung Quốc khởi đầu một chương trình mang tên Project 211 để đưa 100 trường đại học vào nhóm những trường đại học đẳng cấp thế giới. "Thực tế, 116 trường đại học đã được vào Project 211, hình thành nhóm các trường đại học "đỉnh", chiếm 70% các quỹ nghiên cứu quốc gia và đào tạo, giám sát đến 80% sinh viên học tiến sỹ", Wei nói.
Năm 1998, Trung Quốc bắt đầu một chương trình khác là Project 985 nhằm tạo ra nhóm các trường đại học Trung Quốc tương đương với những trường đại học danh tiếng Ivy League của Mỹ. Những trường đại học trong dự án Project 985 được lấy từ danh sách các trường trong Project 211. Project 985 hiện đã có 39 trường đại học, và nhận được số tiền tài trợ còn nhiều hơn nữa.
Kết quả là Trung Quốc có một hệ thống đại học 3 cấp, gồm 39 trường trong top 1; 73 trường trong top 2 và trên 1000 trường trong top 3.
Wei cho biết chính sách thưởng tiền mặt khi có bài đăng báo lần đầu tiên được khoa Vật lý của trường Đại học Nam Kinh ban hành vào khoảng năm 1990. Ban đầu, các nhà khoa học nhận 25 USD/bài báo, và vào giữa những năm 1990, số tiền tăng lên 120 USD.
Chính sách này có tác động rất lớn. Sau khi áp dụng hệ thống thưởng này, trường Đại học Nam Kinh đã dẫn đầu danh sách các trường đại học Trung Quốc xuất bản nhiều bài viết trên các báo nhất. Và không lâu sau các trường đại học khác cũng làm theo.
Nhiều trường đại học hiện vẫn xuất bản bài theo chính sách "tiền mặt" này. Vì thế Wei đã dùng công cụ tìm kiếm của Trung Quốc là Baidu để tìm ra các tài liệu, bài viết trên các website về 100 trường đại học – 25 trường ở top 1, 33 trường ở top 2 và 42 trường ở top 3.
Đây không phải là cách lấy mẫu lý tưởng, vì nhiều trường đại học giữ bí mật về chính sách thưởng này, do đó việc lấy mẫu này được thực hiện theo cách tự lựa chọn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hệ thống thưởng tiền dành cho các nhà khoa học được xem xét một cách hệ thống, để xem việc xét thưởng ảnh hưởng gì đến báo chí và cũng để xem chế độ thưởng tăng thế nào qua thời gian.
Tạp chí Science and Nature có các yếu tố ảnh hưởng cao nhất, và mức thưởng khi được đăng bài trên ấn phẩm này cũng cao nhất. Năm 2016, mức thưởng trung bình của một tờ báo là 44.000 USD và mức cao nhất lên tới 165.000 USD.
Đây là một số tiền lớn ở một nơi mức lương trung bình của một giáo sư đại học chỉ là 8.600 USD.
Mức thưởng sẽ thấp hơn đáng kể ở những tờ báo có sức ảnh hưởng thấp hơn. Mức thưởng trung bình khi có bài viết đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences là 3.513 USD, trên Journal of the Association for Information Science and Technology là 2.488 USD và trên PLoS One là 984 USD.
"Giá trị khoản tiền thưởng khi có bài đăng trên JASIST tương đương với mức lương cả một năm của một giáo sư mới vào làm, trong khi mức thưởng trên Nature or Science cao gấp 20 lần so với mức lương trung bình của một giáo sư đại học", Wei nói.
Điều này bắt đầu tác động đến thái độ của một số nhà khoa học. Báo cáo cho thấy nạn ăn cắp bản quyền, không trung thực về học thuật, giấy tờ bằng chứng ma, và những vụ scandal đang gia tăng ở Trung Quốc, số lượng các nghiên cứu sai lầm cũng gia tăng. "Số lượng các bài viết của các học giả Trung Quốc phải đính chính đã tăng lên từ mức 2 bài viết hồi năm 1996 đến 1.234 vào năm 2016, một mức cao lịch sử", báo cáo cho biết.
Cơ chế thưởng này đang tạo ra những mục tiêu (kiếm tiền) ngắn hạn, chứ không phải là những mục tiêu nghiên cứu lâu dài. Điều này đang tạo ra mối lo ngại lớn. Những năm gần đây, hơn một nửa các nghiên cứu y, sinh học không thể ứng dụng, cho thấy nhiều nghi ngờ đằng sau quá trình nghiên cứu khoa học.
Tất nhiên, các nhà khoa học phương Tây cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng. Nghiên cứu tìm kiếm "sự thật" không hoàn toàn "trong sáng" như nhiều người tin, việc thưởng tiền còn khiến mọi thứ trở nên bóp méo hơn.
Một cách để chống lại chuyện này là sự minh bạch. Nhiều nhà khoa học tuyên bố rõ lợi ích cá nhân khi xuất bản nghiên cứu. Chắc chắn, các tờ báo sẽ xem xét kỹ các nhà khoa học Trung Quốc, mà thực tế là sẽ phải kiểm tra kỹ mọi nhà khoa học, bằng cách yêu cầu họ tuyên bố có nhận khoản thưởng nào và bao nhiêu khi đăng bài.