Khoa học, công nghệ phải trở thành lực lượng sản xuất cực kỳ quan trọng

VietTimes -- "Khoa học, công nghệ phải thực sự trở thành lực lượng sản xuất cực kỳ quan trọng. Không có cách nào khác là chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ngày 8/7.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định ngành khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) phải đổi mới mạnh mẽ, thiết thực; làm nòng cốt, động lực cải thiện năng suất, chất lượng của nền kinh tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng biểu dương những đóng góp của hệ thống TCĐLCL và của đội ngũ những người làm công tác này đối với sự phát triển chung của đất nước thời gian qua.

Trao đổi một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng bày tỏ trăn trở trước thực trạng đất nước còn không ít khó khăn, thách thức, vì vậy nhất định phải tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.

“Phát triển nhanh đã khó nhưng phát triển bền vững càng khó hơn. Muốn làm được như vậy thì khoa học, công nghệ phải thực sự trở thành lực lượng sản xuất cực kỳ quan trọng. Không có cách nào khác là chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ và mong muốn ngành TCĐLCL sẽ vận dụng, kế thừa những bài học kinh nghiệm để đổi mới mạnh mẽ hơn, cổ vũ những ý tưởng, sáng kiến mới.

Đặt câu hỏi vì sao trong nhiều lĩnh vực dù có đầy đủ các nghị quyết, quy định về tầm quan trọng, quan điểm, giải pháp lớn nhưng tình hình vẫn không tốt như mong muốn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh các yêu cầu đặt ra phải rất cụ thể, thiết thực như Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định 81 tiêu chí cụ thể trong chỉ số năng lực sáng tạo quốc gia cho từng bộ ngành. Nhờ vậy chỉ số này đã tăng 12 bậc, xếp thứ 47 trên thế giới trong năm 2017.

“Tôi đã làm việc với Bộ, với Tổng cục, thậm chí có một câu, một chữ trong thông tư mà cũng mất cả năm. Nếu chúng ta không cụ thể mà chỉ lướt qua rồi ban hành ra thì xã hội cũng vẫn không chấp nhận, nên phải rất cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nói chung và TCĐLCL nói riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động hội nhập kinh tế, thương mại của DN.

“Hiện nay, năng suất chất lượng là lĩnh vực đòi hỏi hội nhập quốc tế rất lớn và có thể tác động ngay lập tức đến kinh tế, thương mại. Lâu nay, chúng ta nói nhiều về năng suất, và năng suất phù thuộc vào cơ cấu kinh tế nhiều nhất, chứ không phụ thuộc hết vào khoa học công nghệ.

Ví dụ như công nghiệp bao giờ cũng có năng suất cao hơn nông nghiệp, hay cùng làm một việc, người có trình độ sẽ làm tốt hơn người không có trình độ. Tuy nhiên, để tăng năng suất thì công nghệ là một trong những yếu tố không thể thiếu. Bởi một người làm cùng một việc, nếu máy móc tốt, năng suất, chất lượng chắc chắn được đảm bảo hơn. Các đồng chí phải có đột phá về hợp tác quốc tế, trước hết với Tổ chức Năng suất châu Á”, Phó Thủ tướng phân tích và khẳng định đất nước không thể phát triển nếu năng suất, chất lượng không lên. Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành TCĐLCL phải có một vai trò nòng cốt, tạo động lực mạnh mẽ hơn hiện nay để thực hiện nhiệm vụ này.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Tổng cục cần huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện để cho các DN, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia vào hoạt động TCĐLCL ở những lĩnh vực mà DN làm hiệu quả hơn Nhà nước.

Với mong muốn đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thiết thực, “xắn tay làm”, “vướng đâu gỡ đó”.

Nhắc lại cuộc làm việc mới đây về đào tạo nhân lực du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều thứ “nghe chung thì tất cả đều tốt, đều hợp lý nhưng thực tế vẫn kém vì khi bàn cụ thể lại có những thứ tưởng chừng rất nhỏ - nhưng nếu tháo gỡ được sẽ có tiến bộ thực sự”.

Vì vậy, một mặt các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa để môi trường du lịch của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhanh, vững chắc, đồng thời tạo điều kiện để cho các DN đầu tư phát triển du lịch một cách bền vững.

“Đối với mỗi người Việt Nam, phát triển du lịch không chỉ vì kinh tế mà còn vì phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nét đẹp tưởng chừng như mộc mạc, đơn sơ nhưng lại được du khách nước ngoài mong muốn trải nghiệm, chiêm nghiệm nhất”, Phó Thủ tướng bày tỏ.