Người ta “ném đá” nhau bằng những từ ngữ báng bổ nhất trên MXH

VietTimes -- Mạng xã hội tác động lớn, làm con người nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương hơn; đồng thời cũng làm con người vô cảm, nhẫn tâm hơn. Nói nặng với nhau bên ngoài thì khó, nhưng trên mạng người ta lại sẵn sàng "ném đá" nhau bằng những từ ngữ mà người báng bổ nhất bình thường cũng ngại nói ra.

Mạng xã hội là nơi tập trung của những phán xét lạnh lùng, cay nghiệt của “anh hùng bàn phím”. Ảnh: BTG.
Mạng xã hội là nơi tập trung của những phán xét lạnh lùng, cay nghiệt của “anh hùng bàn phím”. Ảnh: BTG.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, vừa diễn ra ngày 25/12, tại TPHCM do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhận định ngành chức năng chưa giải quyết nhiều sự việc một cách công bằng giữa trên mạng và đời thực và yêu cầu đội ngũ tuyên giáo phải rút ngắn thời gian kiểm tra, xác định các thông tin trên mạng xã hội.

"Nhiều vấn đề xuất hiện đầy trên mạng nhưng chúng ta lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh cho báo chí... Tôi thấy việc này phải điều chỉnh, thay đổi", ông Thưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng cho rằng mạng xã hội tác động lớn, làm con người nhạy cảm hơn và cũng dễ bị tổn thương hơn; thậm chí, ở một khía cạnh nào nó làm con người vô cảm, nhẫn tâm hơn. Nói nặng với nhau bên ngoài thì khó, nhưng trên mạng người ta lại sẵn sàng "ném đá" nhau bằng những từ ngữ mà người báng bổ nhất bình thường cũng ngại nói ra.

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, ông Thưởng cho rằng, ngành tuyên giáo cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; huy động trí tuệ, tâm huyết xã hội vào công tác tuyên giáo. Cần có phương thức tổ chức lực lượng thật khoa học, kết nối rộng rãi và thống nhất các lực lượng làm công tác tuyên giáo.

Người ta “ném đá” nhau bằng những từ ngữ báng bổ nhất trên MXH ảnh 1Quang cảnh hội nghị

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng -- Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng đấu tranh trên lĩnh vực Internet, mạng xã hội là cực kỳ khó khăn, phức tạp và lâu dài.

"Các địa phương như Tây Ninh vừa rồi đã có kinh nghiệm, ở Trung ương cũng đã triển khai một số biện pháp, vấn đề là chúng ta phải có quyết tâm, quan tâm và đầu tư cho vấn đề này. Chúng ta có đội ngũ tuyên giáo đông đảo, cùng với đó là trên 800 tờ báo; cần sớm thực hiện chủ trương Quy hoạch báo chí đã được Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua. Đây là chủ trương rất quan trọng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan của Đảng cần gương mẫu thực hiện trước", ông Vượng lưu ý.
Cũng tại Hội nghị, ông Võ Văn Phuông -- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, một số nội dung tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Định hướng nghiên cứu lý luận còn bất cập so với yêu cầu; tổng kết thực tiễn chưa đủ khái quát ở tầm lý luận. Bên cạnh đó, dự báo tình hình tư tưởng chính trị chưa sâu; chưa kịp thời thông tin một số tình huống nhạy cảm, vụ việc phức tạp, gây lúng túng cho cơ sở.
Công tác đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội chưa đạt kết quả mong muốn. Có những biểu hiện thiếu nhạy cảm trong đưa tin về các sự kiện quan trọng, thiếu khách quan phản ánh vụ việc ở địa phương. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế chưa được tham mưu xứng tầm với kỳ vọng xã hội.