Người gánh trách nhiệm đưa cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về đất mẹ Hà Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tuy anh còn trẻ, nhưng đã được chọn và anh mạnh dạn gách vác sứ mệnh với tổ tiên, với các vị tiền bối là đưa hài cốt của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về với đất mẹ Hà Tĩnh
Ông Trương Tấn Sang - khi đương nhiệm Thường trực Ban Bí thư, và anh Hà Huy Thanh tại lễ di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (ngày 1/12/2009).
Ông Trương Tấn Sang - khi đương nhiệm Thường trực Ban Bí thư, và anh Hà Huy Thanh tại lễ di dời hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (ngày 1/12/2009).

Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập và 12 năm tìm thấy hài cốt ông cùng đồng đội ở Trường bắn Hóc Môn - TP.HCM, chúng tôi có cuọc gặp gỡ và trò chuyện với anh Hà Huy Thanh - người cháu của cố Tổng bí thư TBT), đồng thời là chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập”.

Anh Hà Huy Thanh - người cháu của cố TBT Hà Huy Tập, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập”.

Anh Hà Huy Thanh - người cháu của cố TBT Hà Huy Tập, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập”.

Khi anh còn rất trẻ, 12 năm về trước - lúc mới 27 tuổi, anh đã được dòng họ và gia tộc đề cử làm “Chủ nhiệm chương trình” và trực tiếp thay mặt gia đình và dòng tộc đọc lời diễn văn đáp từ trong lễ truy điệu được tổ chức theo nghi thức quốc gia của cố TBT Hà Huy Tập. Có bao giờ anh tự hỏi nguyên cớ nào mà anh được giao trọng trách này?

-Anh Hà Huy Thanh: Việc tìm kiếm hài cốt để đưa cụ Hà Huy Tập về với quê hương Hà Tĩnh là trăn trở của cả dòng họ. Qua nhiều thế hệ, việc này vẫn đau đáu trong suốt 68 năm kể từ ngày cụ bị xử tử và chặt đầu sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Dòng họ Hà chúng tôi có nhiều người con rất giỏi như GS. Hà Văn Tấn, GS. Hà Học Trạc và các chú bác trong dòng họ đã dành 8 năm ròng rã đi tìm, bằng nhiều cách thức, nhiều phương pháp.

Những tư liệu quý giá đối với gia tộc của cố TBT Hà Huy Tập đang được anh Hà Huy Thanh lưu giữ, bảo quản.

Những tư liệu quý giá đối với gia tộc của cố TBT Hà Huy Tập đang được anh Hà Huy Thanh lưu giữ, bảo quản.

Dòng họ lựa chọn tôi là bởi khi ấy cần một gương mặt đại diện làm Chủ nhiệm chương trình “Tìm kiếm, khai quật, di dời, an táng và vinh danh cố TBT Hà Huy Tập” để làm việc với các nhà nước, các nhà ngoại cảm và các bên liên quan khác, chứ đằng sau đó là nguyện vọng tha thiết và nỗ lực của cả dòng họ mà tôi chỉ là một thành viên.

Lúc đó tôi còn trẻ, lại là con út trong gia đình, không phải cháu đích tôn. Tuy nhiên, gia tộc và dòng họ lựa chọn tôi để thực hiện sứ mệnh đó vì các cụ cho rằng tôi có sứ mệnh đó. Sứ mệnh mà tôi được dạy là “sứ mệnh với tổ tiên, sứ mệnh với các vị tiền bối”. Khi biết mình là người được chọn, với vai trò là một người con của dòng họ, tôi chấp hành.

Khi nhận trọng trách này, anh có cảm thấy áp lực không - đặc biệt khi còn khá trẻ?

-Ngày nhận quyết định của dòng họ và gia tộc, tôi không thấy bị áp lực gì cả. Có thể do lúc đó tôi còn trẻ. Tôi chỉ thấy đó là một vinh dự vì được lãnh đạo chương trình. Lần đầu tiên trong đời tôi được "lãnh đạo" người thân, toàn người lớn tuổi, bậc cha chú nên tôi rất cẩn trọng và tự đặt cho mình một quyết tâm rất cao.

Mặc dù đã đưa được hài cốt của cố TBT Hà Huy Tập về an táng tại quê nhà nhưng lòng anh Hà Huy Thanh vẫn còn những điều ngổn ngang.

Mặc dù đã đưa được hài cốt của cố TBT Hà Huy Tập về an táng tại quê nhà nhưng lòng anh Hà Huy Thanh vẫn còn những điều ngổn ngang.

Khi đã tìm hài cốt thành công, được Nhà nước công nhận và tổ chức truy điệu nghi thức quốc gia, anh có suy nghĩ gì?

-Lúc đó trong tôi tràn đầy lòng biết ơn, biết ơn Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Thành uỷ TP.HCM, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Hội đồng hương Hà Tĩnh ở TP.HCM, đặc biệt là bà con xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nơi cụ chúng tôi đã ngã xuống và được bà con ôm ấp chở che.

Tuy nhiên, khi Nhà nước vinh danh Cụ tại Dinh Thống nhất (TP.HCM) và đưa về quê hương Hà Tĩnh, cùng với niềm vui khôn tả thì tôi còn canh cánh một nỗi lòng, là trong hố chôn tập thể đó có cả hài cốt cụ Nguyễn Văn Cừ mà trong bối cảnh lúc đó chúng tôi chưa thể đưa cụ về được.

Chúng tôi buộc phải đưa hài cốt Cụ Nguyễn Văn Cừ về nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức, TP.HCM. Và đến nay vẫn là mộ liệt sỹ vô danh, được đặt tên là “Hài cốt các liệt sỹ quy tập cùng đợt với hài cốt cố TBT Hà Huy Tập”. Đó là một nỗi trăn trở trong lòng tôi suốt 12 năm qua.

Thưa anh, sao anh có thể khẳng định đó là hài cốt cụ Nguyễn Văn Cừ và anh đã có những hành động gì để thực hiện tâm nguyện của bậc tiền nhân như anh chia sẻ phía trên?

-Như tôi đã nói Đảng và Nhà nước đã công nhận hài cốt cụ Hà Huy Tập, trong một hố chôn có 4 bộ hài cốt, chúng tôi đã tách được ra thì chúng tôi phải biết được đó gồm những ai bằng cả phương pháp khoa học, linh sử và thậm chí cả tâm linh. Hai cụ đều là TBT, đều là lãnh đạo Nam Kỳ Khởi nghĩa, cùng bị địch xử bắn, cùng một hố chôn. Điều đó lịch sử đã chứng minh và hiện còn có cả nhân chứng lịch sử.

Quá trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập tại hố chôn tập thể 4 người.

Quá trình tìm kiếm hài cốt cố TBT Hà Huy Tập tại hố chôn tập thể 4 người.

Tôi cũng tình cờ được dẫn dắt tìm về quê hương Bắc Ninh, làng Phù Khê, để gặp con cháu cụ Nguyễn Văn Cừ và thăm khu lưu niệm cụ, nhưng mọi thứ đều cần “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì mới thực hiện được. Tôi cũng đã liên hệ với các đơn vị liên quan nhưng có lẽ do bộn bề công việc mà mọi người chưa có sự quan tâm đúng mức.

Dân tộc ta có một sức mạnh đặc biệt, đã được các vị lãnh tụ tiền bối khẳng định, đó là sức mạnh của tinh thần, sức mạnh của tâm linh, của “đạo pháp và dân tộc”, của tình thương yêu. Sức mạnh đó giúp dân tộc ta vượt qua bao nguy nan để đứng vững và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đã vận dụng sức mạnh đó để thành công với công cuộc tìm kiếm hài cốt cụ Hà Huy Tập thì chắc chắn rằng điều đó cũng sẽ giúp chúng tôi đưa được cụ Nguyễn Văn Cừ về với quê hương Phù Khê, Bắc Ninh.

Ảnh lưu niệm ngày tìm được hài cốt cố TBT Hà Huy Tập

Ảnh lưu niệm ngày tìm được hài cốt cố TBT Hà Huy Tập

Anh có niềm tự hào rất lớn vê tổ tiên và các vị tiền bối, có một niềm tin lớn lao vào sức mạnh dân tộc, và được chọn, như anh nói, là để “thực hiện sứ mệnh”, vậy theo anh phải làm gì để hiện hóa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta?

-Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn điều đó, vì đó là truyền thống, luôn có trong máu của người Việt Nam. Chỉ có điều trong mỗi người nó tồn tại, thể hiện ở các hình thức và khía cạnh khác nhau. Điều quan trọng là làm sao khơi dậy, tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng nhau gánh vác và thực hiện mục tiêu cao cả, trong sáng và tốt đẹpcủa cuộc sống: "uống nước nhớ nguồn".

Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã và đang làm rất tốt điều đó, đặc biệt là ngày càng có nhiều hơn những nhà lãnh đạo biết lắng nghe và tận tâm với đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

- Xin cảm ơn anh!