Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng "Chuyển đổi số là thay đổi cách hoạt động của hệ thống. Bởi vậy, người đứng đầu tổ chức phải là người dẫn dắt quá trình chuyển đổi này. Tỉnh uỷ phải có nghị quyết, sau đó chính quyền phải có chiến lược. Người đứng đầu không dẫn dắt thì không thành công".
Theo đó, người đứng đầu Bộ TT&TT đã đưa ra những ví dụ về cách thay đổi mô hình vận hành hiệu quả, đó là "cứ làm ngược lại cách mà mình đang làm".
"Giáo viên thì phải giảng bài nhưng cách làm mới là giáo viên thành trợ giảng, bài giảng qua video sẽ do giáo viên giỏi nhất giảng. Muốn có bác sĩ giỏi về chẩn đoán hình ảnh thì đưa đi đào tạo, cách làm mới là sử dụng một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Tăng số công an đường phố để tăng cường an ninh trật tự thì cách mới là giảm số công an trên đường phố và tăng camera. Truy vết người tiếp xúc gần COVID-19 thì càng nhiều càng an toàn, cách làm mới là càng ít và chính xác thì càng tốt. Phát triển càng nhiều khu công nghiệp càng tốt, thì nay tập trung nhiều hơn vào các khu công nghiệp 4.0 hoặc khu CNTT tập trung - xanh, công nghệ cao, không chỉ lắp ráp mà còn công nghiệp phụ trợ và nghiên cứu phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu |
Bộ trưởng Hùng so sánh, trước đây, các cuộc cách mạng như cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá thì càng dùng nhiều càng đắt. Người sử dụng càng mua nhiều thì công ty sản xuất càng giàu có, công nghệ của họ càng phát triển. Tuy nhiên, công nghệ số thì ngược lại, càng dùng nhiều càng rẻ, chi phí trên đầu người sẽ tiệm cận về 0.
"Công nghệ số, nền tảng số càng dùng nhiều thì càng thông minh vì dữ liệu nhiều lên. Người dùng quyết định sự phát triển công nghệ nhiều hơn là người sáng tạo ra công nghệ" - ông khẳng định.
Đánh giá về tiềm năng phát triển công nghệ số trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng cho rằng, nếu Bắc Giang đi đầu về ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các nền tảng số mới thì tỉnh sẽ thông minh nhất. Đồng thời, các công nghệ có thể sẽ được hoàn thiện tại Bắc Giang.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Người lãnh đạo tập trung vào việc đặt ra mục tiêu, đặt ra bài toán, tức là nói rõ mình muốn gì, nói rõ với số tiền chi ra thế này thì giá trị mang về phải là gì. Không cần quan tâm nhiều đến việc làm như thế nào vì làm thế nào, công nghệ gì, giải pháp nào là việc của doanh nghiệp. Giao việc cho doanh nghiệp là giúp doanh nghiệp phát triển. Giải được bài toán của tỉnh một cách hiệu quả là giúp tỉnh phát triển. Cả tỉnh và doanh nghiệp đều phát triển. Nhưng đầu tiên vẫn phải là xuất phát từ tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh, từ việc lãnh đạo đặt ra bài toán đúng. Chuyển đổi số, đô thị thông minh thì không có đại dự án, không nên bắt đầu bằng các đại dự án. Nên bắt đầu từ những dự án quy mô nhỏ và vừa nhưng giải quyết ngay những vấn đề của tỉnh và mang lại hiệu quả ngay, tạo niềm tin cho chính quyền và người dân để làm tiếp".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu lên những băn khoăn, lo lắng của các địa phương trong quá trình chuyển đổi số như vấn đề đào tạo nhân lực, chuyên viên CNTT các cấp, đặc biệt là đào tạo người dùng. Theo ông, chuyển đổi số khác CNTT ở chỗ các nền tảng dễ dùng hơn, càng dùng nhiều thì càng giỏi lên. Theo đó, nền tảng công nghệ số có thể được sử dụng thay vì phần mềm CNTT để xử lý các vấn đề. Nếu còn băn khoăn về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tỉnh có thể tham vấn Bộ TT&TT.
Về vấn đề chi cho CNTT, chuyển đổi số, Bộ trưởng Hùng khuyến nghị tỉnh Bắc Giang nên chi khoảng 1%. Theo Bộ trưởng, chi cho CNTT hay chuyển đổi số thì đều phải tạo ra giá trị lớn hơn con số đưa ra.
"Tỉnh phải tính toán được giá trị tạo ra do áp dụng CNTT, do chuyển đổi số. Một số giá trị vô hình, giá trị dài hạn cũng phải tìm cách lượng hoá. Nếu giá trị này luôn lớn hơn số tiền chi ra thì công cuộc chuyển đổi số sẽ luôn ổn, chi nhiều cũng vẫn ổn. Tỉnh không tiếp cận theo cách này thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ trong việc đầu tư, chi tiêu cho CNTT, chuyển đổi số" - Bộ trưởng nói. Về vấn đề này, Bộ TT&TT khẳng định sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cách tính toán giá trị tạo ra do ứng dụng CNTT, công nghệ số cho địa phương.