Theo đó, Chương trình hướng tới "4 không 1 có", bao gồm: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa.
Mục tiêu tỉnh đặt ra trong chương trình chuyển đổi số, đến 2030, Thừa Thiên Huế hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số; Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; Kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đây sẽ là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, CNTT và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, Chương trình CĐS đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ trên mạng với mục tiêu 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt và 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng.
Chương trình cũng tập trung xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành tại 100% cơ quan nhà nước, 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hoá, lưu trữ tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và đưa vào khai thác hiệu quả.
Chương trình CĐS đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn tỉnh, 50% người dùng smartphone được tiếp cận các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh cũng như tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 100% người dân đảm bảo điều kiện được phổ cập điện thoại thông minh.
Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay 100% các thủ tuc hành chính của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó số DVCTT mức độ 3 với 1.296 dịch vụ; 976 DVCTT mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp (DN) có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan thủ tục hành chính cần giao dịch. Đồng thời tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nộp được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo...
Đại diện Cục Tin học hóa Bộ TT&TT cho biết, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành trên toàn quốc có chỉ số dịch vụ hành chính công trên 0,9 điểm (0,9039 điểm), và được xếp vị trí thứ nhất.