Ngôn ngữ báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo rất sớm, và ngay từ đầu với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, những bài báo của Người đã bộc lộ những nét phong cách mà về sau này vẫn không thay đổi.

Chỉ tính riêng những bài đăng trên báo Nhân dân từ số 2 ra ngày 16/3/1951 đến số 5.526 ra ngày 1/6/1969 – không kể những bài có tính chất danh nghĩa Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng – thì Hồ Chủ tịch đã viết hàng nghìn bài với nhiều bút danh.

Bài đầu tiên là bài “Đảng viên Đảng Lao động phải như thế nào?” và bài cuối cùng là bài “Toàn Đảng chăm sóc thiếu nhi”. Có thể thấy điều vừa nêu ra có vẻ ngẫu nhiên mà chính lại là tất yếu: Hồ Chủ tịch viết về con người là chính, con người tiên phong nhất và con người của thế hệ mai sau. Sự kiện báo chí đối với Người chủ yếu là con người mà trong đó nội dung xây dựng con người của ta, bảo vệ con người của ta được Người rất chú trọng.

Ngôn ngữ phục vụ cho sự kiện trung tâm đó được Hồ Chủ tịch vận dụng rất tài tình, luôn phù hợp với từng đối tượng (già, trẻ, gái, trai, các tầng lớp xã hội khác), với từng hoàn cảnh (nói về ta, về địch, khi biểu dương ca ngợi, khi phê phán nội bộ, khi đả kích quân thù,…). Bút pháp của Người vì thế mà đã thỏa mãn được những yêu cầu cơ bản của ngôn ngữ báo chí, nghĩa là lúc nào nó cũng có tin, tin bao giờ cũng mới, cũng khách quan, không sa vào phân tích khoa học nhưng cũng không phải là sáng tác văn chương, v.v.

Đọc một bài báo của Người, không cần biết trước tên người viết chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra ngay tác giả. Điều đó cũng hiển nhiên với những nhà báo đã hình thành phong cách viết của mình như Thép Mới, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Quang, Hữu Thọ,v.v… Nhưng giữa Người với những nhà báo đó vẫn có sự khác biệt rõ ràng khiến ta không nhầm lẫn được. Điều đó có được chính là nhờ những đặc điểm tổng quát về ngôn ngữ của Người.

Đặc điểm đầu tiên là “Sự đổi mới cách diễn đạt truyền thống”. Việc vận dụng cách diễn đạt truyền thống dân tộc là một trong những nét tiêu biểu nhất của Hồ Chủ tịch. Cách diễn đạt truyền thống mà chúng tôi quan niệm ở đây bao quát một diện khá rộng, bao gồm thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những lời nói có tính châm ngôn, những lời nói ngoại lai quen dùng cho đến cả văn thơ quen thuộc như truyện Kiều, hay Khúc ngâm Chinh phụ, v.v.

Ví dụ khi nhắc nhở việc bảo vệ đê điều, tích cực phòng lũ lụt, Người viết: “Quyết chớ để nước đến chân mới nhảy.” Ở đây người dùng dạng thức “giữ nguyên cách diễn đạt”. Ta thấy cùng một lúc có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có cả lời khuyên nghiêm túc lẫn hình ảnh gây cười. Trong khi đó thành ngữ gốc chỉ duy trì nghĩa bóng. Cái Mới do đó nảy sinh trong ngữ cảnh hàm nghĩa. Giữ nguyên cách diễn đạt vốn có nhưng lại phải thỏa mãn yêu cầu xuất hiện cái mới, một yêu cầu cơ bản của ngôn ngữ báo chí.

Công việc quả rất khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch lại thực hiện quá dễ dàng, dễ dàng đến mức ai đó trong chúng ta cảm thấy bản thân mình cũng có thể làm được. Thành công của Người là ở chỗ tạo ra những ngữ cảnh có hàm ý sâu, những chuỗi sự kiện trong thế phát triển của chúng khiến cho sự kiện được nêu ra trong cách lặp lại lối diễn đạt truyền thống lúc nào cũng xuất hiện trên bình diện của hiện tượng cộng đồng nhiều nghĩa.

Hoặc người dùng dạng thức “cải biến cấu trúc diễn đạt”. Đây là một nét rất độc đáo của Hồ Chủ tịch, là một sự sáng tạo táo bạo, một sự phóng bút thoải mái. Có ba biện pháp mà Người thể hiện, đó là “Biện pháp thay thế yếu tố”, “Biện pháp thêm yếu tố”“Biện pháp đảo trật tự yếu tố”.

“Biện pháp thay thế yếu tố” đã làm giàu thêm tính sự kiện trong các bài báo của Người, nhờ đó tăng được lượng tin, gắn người và việc vào những vấn đề đang có tính chất thời sự. Bài báo vì vậy mà luôn có tin và tin bao giờ cũng mới. Chẳng hạn, để tô đậm ngoại hình khiến cho tính sự kiện có thể hình dung rất cụ thể như khi Người lên án tệ đánh đập con dâu: Mẹ chồng và chị em chồng đã không can ngăn thì chớ lại còn tham gia “thượng đấm tay, hạ đá chân” (nguyên dạng: thượng cẳng tay, hạ cẳng chân).

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.

“Biện pháp thêm yếu tố” làm tăng cường chất lượng của nghĩa, gây sự chú ý người đọc hoặc tô đậm một nét đặc tả nào đó. Ví dụ Người viết: “Bọn thống trị giương hai mắt ếch”. So sánh với thành ngữ gốc “giương mắt ếch” thì ở đây yếu tố “hai” được thêm vào làm cho sự kiện bài báo sinh động hơn, rõ nét hơn nhiều.

“Biện pháp đảo trật tự yếu tố” là một việc làm có cân nhắc, đặt yếu tố này, yếu tố kia, hoặc ý này, ý kia trước sau như thế nào đều không phải là việc làm ngẫu nhiên, tùy tiện.

Một dạng thức cải biến nữa mà Người thường dùng là dạng thức “mô phỏng văn thơ”. Mô phỏng văn thơ quen biết, Hồ Chủ tịch đã tạo nên một sự cảm thông tối đa cho người đọc. Sự cảm thông đó được hình thành trên sự kết hợp của chuỗi sự kiện. Sự kiện xưa có giá trị của một ký ức với sự kiện đang diễn ra trước mắt có giá trị của một thời sự.

Đặc điểm thứ hai trong ngôn ngữ báo chí của Hồ Chủ tịch là “khai thác triệt để đặc tính của ngôn ngữ dân tộc”. Hồ Chủ tịch có một biệt tài về việc vận dụng những đặc tính của tiếng Việt, và có một sự nhạy cảm đặc biệt về những đặc tính đó khiến cho những bài báo của Người hàm ý rất tinh tế và hấp dẫn lạ lùng.

Ví như Người “tận dụng đặc tính khuôn vần” (âm tiết). Đây là đặc tính bao trùm của tiếng Việt, đơn vị tự nhiên nhất vốn không mang nghĩa, trùng hợp hoàn toàn (về mặt cấu trúc) với một đơn vị nhỏ nhất có mang nghĩa trong tiếng Việt là tiếng. Nhờ đặc tính này mà ta có thể tách những tiếng trong từ nhiều tiếng hoặc trong các cụm từ để kết hợp với những tiếng khác trong những từ, những cụm từ.

Những kết hợp mới này sẽ cung cấp những nghĩa mới, những thông tin mới, những sự kiện mới. Tác dụng chủ yếu của việc vận dụng các đặc tính này trong các bài báo của Hồ Chủ tịch là phê phán, đả kích, mỉa mai, hài hước,… Ví dụ khi phê phán tệ nạn tổ chức liên hoan chè chén, Người viết: “Chỉ thị của Trung ương về đến xã vì đường xa, ngày dài nên chữ nghĩa bị mòn đi, không đọc được. Do đó mà tiết kiệm thành tiết canh”. Hay khi đặt tiêu đề cho một bài báo đả kích kế hoạch Taylor là: “Tay lo, chân cũng lo”.

Người cũng đặc biệt khai thác những “đặc tính âm thanh” của ngôn ngữ Việt như “đặc tính dấu giọng” (thanh điệu), “đặc tính vần điệu và cách ngắt nhịp cân đối”, “đặc tính trật tự trong lời nói”.

Mỗi đơn vị tiếng trong tiếng Việt đều có dấu giọng làm nên sự phân biệt nghĩa nhất là những tiếng có âm giống nhau. Hồ Chủ tịch đã vận dụng đặc tính này rất uyển chuyển, ý nhị và sâu sắc.

Trong tiếng Việt, cách nói quen thuộc là duy trì nhịp điệu cân đối hoặc chẵn hoặc lẻ và thường là nhịp chẵn, đồng thời duy trì vần điệu. Do đó việc ngắt nhịp nhiều khi không phụ thuộc vào nghĩa của lời nói mà chỉ cốt sao cho có vần điệu nhịp nhàng dễ nghe. Hồ Chủ tịch rất chú ý vận dụng đặc tính này. Về trật tự các yếu tố, các thành phần trong tiếng Việt thì đây là một đặc tính hết sức quan trọng vì trật tự các yếu tố, các thành phần là cách tạo ra nghĩa của lời nói.

Thay đổi trật tự cũng có nghĩa là thay đổi nghĩa của lời nói. Hồ Chủ tịch cũng rất quan tâm tới đặc tính này. Ví dụ, Người viết: “Nay dời về hậu phương các đồng bào mỗi người phải làm một việc, không nên ăn rồi ngồi không.” So sánh với trật tự có sẵn của thành ngữ ăn không ngồi rồi có hàm ý lên án thì trật tự mới ăn rồi ngồi không lại chứa đựng một sự khuyên nhủ. Nhưng việc tạo ra nghĩa mới ở đây không chỉ dừng lại ở bình diện trật tự các yếu tố mà còn thực hiện cùng một lúc cả ở bình diện cấu trúc: một bên là ăn không/ ngồi rồi, một bên là ăn rồi/ ngồi không.

Tuy cấu trúc khác nhau (nhịp chẵn, nhịp lẻ) nhưng do thói quen duy trì nhịp điệu cân đối nên cấu trúc mới dễ dàng hòa vào với cấu trúc cũ để trở thành ăn rồi/ ngồi không cho tương ứng với ăn không/ ngồi rồi. Nhiều khi việc vận dụng những đặc tính này của Người rất kín đáo.

Một đặc điểm thứ ba của Người là “cách viết tạo hình”. Đây là một trong những biện pháp để Hồ Chủ tịch tránh được được việc lý giải tin, bài một cách dài dòng vô ích, đồng thời làm cho người đọc có thể hình dung được sự kiện như một bức họa trước mắt. Chẳng hạn viết về việc các cụ trồng cây: “Những người đầu bạc đã làm đồi trọc trở nên xanh tươi”. Cách viết như thế tạo nên sự nhuần nhuyễn trong việc hình ảnh hóa tư duy logic mà ngôn ngữ báo chí rất đề cao.

Qua một đôi điều đã trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy phong cách ngôn ngữ báo chí của Hồ Chủ tịch rất đậm đà tính dân tộc. Và điều đó làm nên sự khác biệt về phong cách giữa Người với các nhà báo khác. Nếu như các nhà báo khác có thói quen tạo lập cách diễn đạt mới như ví việc nước Anh gia nhập khối thị trường chung châu Âu là “Một đám cưới gặp nhiều trắc trở”, hoặc đặt tên cho cuộc cách mạng 1974 ở Bồ Đào Nha là “Cuộc cách mạng của hoa cẩm chướng” thì Hồ Chủ tịch lại tận dụng ngay những phương tiện, những cách diễn đạt sẵn có trong kho tàng dân tộc. Hơn thế, nhiều khi phương tiện được Người sử dụng lại quá hiển nhiên không ai ngờ tới nên lại thành ra một bất ngờ lớn đối với mọi người.

Việc vận dụng các đặc tính của tiếng Việt trong các bài báo của Hồ Chủ tịch chứng tỏ Người rất am hiểu ngôn ngữ dân tộc và là một tấm gương về lòng quý trọng tiếng mẹ đẻ với chúng ta. Tấm gương đó vốn được Người nói lên từ lâu: “Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và quý báu của dân tộc”.

(Bài viết này đã được lược bớt so bản gốc, do con gái của tác giả - chị Nguyễn Phương Anh - thực hiện)

Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên

Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên

Nguyễn Tri Niên (1931 – 2021) là nhà Ngôn ngữ học, một chuyên gia về ngôn ngữ báo chí. Ông là một trong ba người đầu tiên được coi là “khai viện công thần” của Viện Ngôn ngữ Việt Nam. “Hoàng Phê, Đào Thản, Tri Niên/ Có ba ông ấy mới nên Viện này” (theo Tạp chí “Ngôn ngữ và Đời sống”, số 6 (224) – 2014).

Ông nguyên là Phó Trưởng khoa Kiến thức cơ bản – Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ngoài ra ông còn giảng dạy tại rất nhiều trường đại học khắp cả nước. Là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ.

Sách đã xuất bản: Giáo trình Ngôn ngữ – Tiếng Việt (Đại học Tuyên giáo, 1993); Ngôn ngữ Báo chí (tái bản lần thứ 4: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019).

Ngoài ra, ông còn xuất bản tập thơ “Đèn khuya” (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2013)./.