NHNN được giao nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền điện tử trong giai đoạn 2021-2023. Đây là một trong số các giải pháp để xây dựng chính phủ điện tử, phát triển thành chính phủ số trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền kĩ thuật số dựa trên công nghệ Việt
Tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian thực hiện là năm 2021- 2023.
Tiền điện tử sẽ thay thế tiền giấy? |
Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, DN Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số.
Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản số, tiền số theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản số, tiền số.
Vài năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối (hay còn gọi là forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý. Tuy nhiên, các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được Nhà nước cho phép.
Được biết, Nhà nước chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam . Đồng thời, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật. Đối với các loại tiền ảo, Nhà nước vẫn chưa công nhận bất cứ loại tiền ảo nào là đơn vị thanh toán tại Việt Nam .
Đề cập về Quyết định 942/QĐ-TTg về việc giao NHNN chủ trì để nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng với thí điểm này, nhà nước sẽ phát hành ra một loại VNĐ điện tử và đây sẽ là một loại tiền mới, lưu thông trên không gian số. “Nó khác với các đồng tiền ảo đang xuất hiện trên thị trường hiện nay" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Kiểm soát rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp
Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng việc nghiên cứu tiền điện tử đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện rất nhiều. Đây cũng là xu hướng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Thụy Điển, Pháp. Trong đó, Trung Quốc được xem là quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng tiền kỹ thuật số trong đời sống thực tiễn.
Nghiên cứu tiền điện tử dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) |
“Về nguyên tắc, tiền điện tử do NHNN triển khai thí điểm (nếu có) sẽ không khác gì so với tiền giấy hiện nay. Đồng tiền này sẽ trở thành đồng tiền pháp định được NHNN quản lý và bảo đảm bởi cả một nền kinh tế quốc gia như đồng tiền giấy. Thay vì in tiền giấy NHNN phát hành 1 lượng nhất định tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ Blockchain vào lưu thông trong nền kinh tế” - TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đồng quan điểm. TS Cấn Văn Lực cho biết, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo là bước tiến lớn, bắt nhịp với cách làm tương tự về thí điểm tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (Central bank digital currency - CBDC). Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn.
“Bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức "điện tử hóa" dạng vật chất của tiền mặt, nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác”- TS Cấn Văn Lực phân tích.
Trên thế giới hiện có khoảng 3.000 loại tiền ảo tồn tại trên thị trường. Trong đó, 5 đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất và giao dịch nhiều nhất trên thế giới hiện nay là Bitcoin, Ethereum (ETH), Binance Coin, XRP và Tether. Một số nước quản lý và thu thuế các đồng tiền ảo và có cơ sở pháp luật để tránh những vấn đề về trốn thuế, rửa tiền. "Giá trị của tiền điện tử sẽ do Chính phủ điều chỉnh và quyết định chứ không phụ thuộc vào biến động thị trường như các đồng tiền ảo hiện nay" - TS Cấn Văn Lực chỉ ra.
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành cũng có 4 rủi ro chính. Đó là, mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều; rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi hay vi phạm xảy ra; rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp; thách thức đối với điều hành của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới. Vì vậy, tương tự như một số quốc gia khác, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp, nhưng cũng không nên quá bảo thủ, thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia…
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, điểm khác biệt lớn nhất giữa tiền giấy và tiền điện tử, đó là tính an toàn và bảo mật. Tiền điện tử của NHNN sẽ được quốc gia bảo vệ, giống tiền giấy nhưng điều đáng lưu ý là, chúng ta có thể kiểm soát được hay không khi phát hành sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain?
Tiền điện tử hiện tại là những đồng tiền sử dụng xuyên biên giới nhanh, chi phí thấp nên trở thành công cụ của rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia từ các hoạt động đồng kinh tế phạm pháp như buôn lậu, thuốc phiện, tài trợ khủng bố,… “Các ngân hàng Trung ương trên thế giới đều lo ngại các đồng tiền này lũng đoạn thao túng tiền tệ thế giới. Đây cũng là điều NHNN Việt Nam phải tính đến”- TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Theo Báo Kinh tế đô thị
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu