Nghĩ thêm trước Trụ sở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cái tin khởi tố, bắt tạm giam ông Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Chu Ngọc Anh đang làm xôn xao dư luận. Hai ông bạn già, một sử gia một nhà phong thủy, rủ tôi đi lượn một vòng.

Nơi cả bọn dừng lâu hơn, ngay cạnh Hồ Gươm, nhìn sang số 79 Đinh Tiên Hoàng. Sừng sững trước mắt: tòa nhà trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.

Đầu não của bộ máy chính quyền Hà Nội được đặt ở đây. Những quyết sách điều hành quan trọng và thường xuyên nhất của Thủ đô được thảo luận, thống nhất và quyết định tại đây, rồi từ đây chạy về các quận huyện, phường xã để thực thi. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc họp Hội Đồng Nhân dân; nơi thực hiện công việc và các nghi thức đối ngoại của Thành phố; nơi thường xuyên đón tiếp và giải quyết các yêu cầu của mọi tổ chức, cơ quan và nhân dân Thành phố…

Tạt xuống ghế đá mép hồ hướng cái nhìn sang phía Tháp Rùa cổ kính cùng Đền Ngọc Sơn, mỗi người trong chúng tôi hình như đương mải mốt nghĩ một phách theo cái cách của mình? Theo cái âm hưởng chủ đạo rằng “tạo hóa gây chi cuộc hý trường”…

Từ Tòa Đốc lý Hà Nội…

Ông bạn già ngành sử của tôi vốn là người Hà Thành gốc. Đặc biệt, ông có cái may mắn chứng kiến sự kiện phá Tòa Đốc lý Hà Nội để xây trụ sở mới có tên gọi như hiện nay: Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội.

Trong chất giọng chắc khừ, ông chậm rãi kể lại lịch sử của công trình trước mắt. Nào đã đâu xa! 35 năm trước, nó (tòa trụ sở này) mới khánh thành, sau 2 năm xây dựng.

Tòa Đốc lý Hà Nội khoảng năm 1920. (Ảnh: Flickr)

Tòa Đốc lý Hà Nội khoảng năm 1920. (Ảnh: Flickr)

Tiền thân của nó là Tòa Đốc lý Hà Nội. Còn trước đó nữa, nền đất này là một ngôi chùa. Theo đó, bên Hồ Gươm yên ả thanh bình, trước đây, có một ngôi chùa cổ kính. Chùa xây mãi từ thời Hậu Lê (1770-1774), có tên là chùa Phổ Giác.

Phổ Giác ở đây tạm hiểu là phổ cập quảng bá rộng rãi cái sự giác ngộ chăng? Còn trong dân gian, chùa hay được gọi là chùa Tàu Tượng. Sở dĩ chùa có tên Tàu Tượng vì đây vốn là nơi tập trung các tàu voi của đơn vị tượng binh đời Lê. Liền cạnh có cả ngôi miếu Dương Võ có khắc văn bia Dương Võ bi ký, thờ ba vị có công luyện tập voi chiến, xem như ba tổ sư công tượng. Sang đời Nguyễn, miếu bị đổ nát, bia được chuyển sang chùa Phổ Giác.

Từ năm 1889 đến khoảng năm 1905, Pháp chiếm thành Hà Nội, mở thêm nhiều phố xá doanh trại nhà binh, xây cất nhiều dinh thự dần dần hình thành Khu phố Tây. Sự mở mang, xây cất của nhà nước Bảo hộ đã khiến chùa Phổ Giác trở thành bình địa. Nền chùa trở thành mặt bằng cho Tòa Đốc lý thành Hà Nội đứng chân. Khá khen thay cho vị quan nào đó của thành Hà Nội khéo nói hay sự nghĩ lại của viên Toàn quyền Đông Dương, chùa Phổ Giác không bị phá sạch bách mà được di dời xuống khu vườn của Viện Thái Y cũ, tức ở cuối phố Ngô Sĩ Liên ngày nay.

Thời thuộc Pháp, hệ thống chính quyền TP Hà Nội bao gồm hai tổ chức quản lý hành chính: Hội đồng thành phố và Tòa Đốc lý. Đứng đầu Tòa Đốc lý là một viên Đốc lý người Pháp và hai viên Phó đốc lý. Đốc lý là người quản lý hành chính cao cấp nhất của bộ máy chính quyền TP, chịu trách nhiệm trước Thống sứ Bắc Kỳ về mọi mặt hoạt động của TP, từ việc đảm bảo hệ thống an ninh, cảnh sát, quản lý công sản, thuế, xây dựng các công trình công cộng… đến việc ký các văn bản có tính chất quy định của TP. Đốc lý do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử và do toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Về mặt tổ chức, Tòa Đốc lý bao gồm: Văn phòng, Phòng Kế toán, Phòng Cảnh sát, Phòng Quản lý giao thông đường bộ, Phòng Địa chính…

Tháng 10/1905, nhằm mục đích “đáp ứng các yêu cầu cấp thiết” là “làm cho mối quan hệ giữa chính quyền thành phố với dân chúng người An Nam thêm phát triển”, Tòa Đốc lý đã được bổ sung thêm một đơn vị mới: Phòng quản lý các công việc liên quan đến người bản xứ.

Năm 1945, sau thời gian đảo chính Pháp, người Nhật từng bước “trao trả nền độc lập” cho Việt Nam. Đến ngày 21/7, Bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý, một chức vụ vốn được quy định chỉ dành riêng cho người Pháp, do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử và do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm. Song chính quyền mới này chỉ tồn tại chưa đầy một tháng thì cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã bùng nổ ở Hà Nội.

… đến Trụ sở thành phố

Theo thuyết minh, công trình Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội một tổ hợp liên hoàn nhiều khối chức năng, mặt chính nhìn trực tiếp ra trung tâm Hồ Gươm, có chiều cao từ 3 đến 7 tầng, xây dựng trên diện tích 5.520m2, với tổng diện tích sàn 16.600m2. Kết cấu khung bê tông chịu lực, sàn lắp panen hộp. Mặt bằng nhà đối xứng, chính giữa là đại sảnh, phòng khánh tiết, các phòng tiếp khách, phòng họp và hội trường lớn. Xung quanh là các khối nhà làm việc chức năng.

Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội hiện nay. (Ảnh: Internet)
Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội hiện nay. (Ảnh: Internet)

Năm thiết kế và hoàn thành xây dựng Trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội là giai đoạn 1985 – 1987. Như vậy công việc được thực thi dưới thời ông Chủ tịch Lê Ất Hợi. Hoặc có thể đã được rập rạp bàn soạn từ dạo ông Chủ tịch thành phố Trần Tấn? Nhưng thực sự công cuộc xây cất Trụ sở UBND Hà Nội hoành tráng vẫn là thời ông Lê Ất Hợi.

May ông bạn già của tôi khá rành vị Chủ tịch này.

Ông Lê Ất Hợi sinh năm 1935, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, nay thuộc xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Mà ông Hợi hình như có duyên hơi bị lâu với ngành xây dựng?

Năm 1965 ông Hợi là sinh viên Trường Đại học Xây dựng Moskva (Liên Xô), nghiên cứu sinh cơ học đất nền móng và công trình ngầm. Ông được cấp bằng Tiến sĩ khoa học kỹ thuật. Rồi đến năm1969, ông là chủ nhiệm bộ môn Cơ học đất, Phó chủ nhiệm Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng. Từ 1971–1975, là Trưởng ban Kiến thiết các công trình vật liệu, Phó Chủ nhiệm kiêm Kỹ sư trưởng Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Hà Nội.

Sau đó ông chuyển sang công tác chính quyền, được bầu làm Quận ủy viên dự khuyết quận Hai Bà Trưng. 1976–1980: là Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, kiêm Viện trưởng Viện Kỹ thuật xây dựng Hà Nội. Năm 1981 là Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa VIII. Rồi năm 1983, ông Hợi là Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội. 1983–1996: liên tục là Ủy viên Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội khóa 8, 9, 10. Tháng 3, 1984 – tháng 12, 1989: là Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rồi kế nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thay cho ông Trần Tấn. Ông Lê Ất Hợi từng tham gia làm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Hà Nội. Ông mất năm 2011 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

Tôi cắt ngang đoạn trích ngang lý lịch của vị nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội mà ông sử học đương nhấn nhá bằng câu hỏi: Vậy thì ai là tác giả của công trình xây mới Trụ sở UBND Thành phố? Vị tiền nhiệm Trần Tấn hay ông Chủ tịch Lê Ất Hợi?

Hơi thất vọng vì vị này chỉ nhún vai rằng không biết!

Ông bạn còn lại của tôi – im lặng suốt cả cuộc chuyện, lúc này bỗng cất lời. Ông trầm ngâm nhìn về hướng tòa nhà: Bế thế thì có nhưng phong thủy thì chưa!

Tay chỉ, miệng nói, ông thủng thẳng phân tích về khối bê tông, mà dưới góc nhìn của một nhà phong thủy, ông cho là đã bị phạm cách đầu hà phòng; rồi bậc thềm quá dài với thiết kế khối bê tông che sảnh tạo ra hình tượng sư tử cười trời; rồi mái nhà là hình tượng nhị quỉ đài kiện,…

Thấy tôi ngơ ngác, ông bạn già còn hẹn sẽ chuyển cho tôi một tài liệu. Tài liệu về phong thủy trong xây cất, với các phân tích cụ thể về tòa nhà trước mắt.

Nghĩ thêm…

Sau buổi lượn phố mà có cuộc dừng lâu hơn ở Hồ Gươm trước Tòa thị chính thong thả về nhà, tôi nhủ thầm rằng mình nghe vậy thì biết vậy!

Cứ khi nào biến cố ập đến, người ta lại muốn lý giải nguyên nhân. Nhiều khi hay biện dẫn đến những yếu tố siêu nhiên. Số mệnh, phong thuỷ... Nhưng liệu nhà cửa, đất cát quyết định một vị trí, một cuộc cai trị, quản trị? Việc hai thị trưởng của Hà Nội theo nhau xộ khám liên tiếp vả chăng tại phong thủy?

Chợt nghĩ đến lời thủ thỉ của một Thiền sư Ấn Độ mà tôi quên tên.

"Nếu con là một người có phúc, nơi con sống chính là nơi đất lành. Nếu nơi con sống không phải là chốn đất lành thì con vẫn có thể biến nó thành nơi đất lành chim đậu. Trong tất cả các phong thủy, phong thủy đầu tiên là con người, phong thủy đầu tiên của con người là trái tim, phong thủy dưỡng nhân, nhưng nhiều người không biết rằng nhân cũng dưỡng phong thủy. Phong thủy tốt do mình tự tạo ra."

Và nghĩ thêm câu của cụ Nguyễn Du.

"Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều."

Hà thành 6-2022

X.B