Nghị định 116 và Thông tư 03 có đang vi phạm Hiệp định TBT?
Kỳ Long
VietTimes -- Trong văn bản góp ý mới đây của Hội đồng Chính sách ô tô Hoa Kỳ (AAPC) gửi tới Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, AAPC cho biết Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT đang vi phạm Hiệp định về các Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại (Hiệp định TBT).
Cụ thể, Nghị định 116 và Thông tư 03 đã vi phạm một số điều khoản gồm Điều 2.9.1, Điều 2.9.4, Điều 5.1.1, Điều 5.1.2, Điều 5.6.2, Điều 5.9 về không phân biệt đối xử, thông báo và gây ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế của Hiệp định TBT.
Trong đó, quy định yêu cầu tất cả phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam về giấy chứng nhận kiểu loại (VTA) do cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp là không phù hợp với Điều 5.12 Hiệp định TBT.
Phía AAPC chỉ ra quy định trên thuộc Điều 6.2 của Nghị định 116 là “Chỉ riêng có ở Việt Nam nên rất khó đáp ứng ở những nước khác và chỉ nhằm mục đích hỗ trợ quá trình nhập khẩu chứ không chứng minh được việc tuân thủ với các tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn và khí thải trong nước.”
Theo AAPC, cho dù có cung cấp được các giấy VTA thì xe sau khi đến cảng vẫn phải được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn. Do đó, đây là một quy định không cần thiết và tạo gánh nặng đối với xe nhập khẩu mà không bắt buộc với xe sản xuất trong nước.
AAPC cho hay Nghị định 116 là “Chỉ riêng có ở Việt Nam nên rất khó đáp ứng ở những nước khác (Ảnh minh họa)
Về quy định thử nghiệm theo lô, Điều 6.12.a của Nghị định 116 bắt buộc các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải thực hiện thử nghiệm về khí thải và an toàn cho từng mẫu ô tô đại diện cho từng loại ô tô trong lô xe nhập khẩu. Nhưng AAPC cho rằng quy định này vi phạm điều khoản về không phân biệt đối xử thuộc Điều 5.1.1 trong Hiệp định TBT.
Quy định này buộc các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ phải thử nghiệm lặp đi lặp lại cùng một mẫu ô tô tại cảng, dẫn đến việc kéo dài thời gian nhập khẩu có thể lên tới vài tháng do Việt Nam chỉ có một phòng thử nghiệm khí thải.
Điều này dẫn tới gia tăng chi phí cho nhà nhập khẩu mà không có lợi ích rõ ràng về mặt an toàn. Trong khi đó, các mẫu xe sản xuất mới tại Việt Nam chỉ phải thử nghiệm một lần 36 tháng.
Về quy định đường thử ô tô, Điều 7 Nghị định 116 quy định doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô được cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô” khi đáp ứng một số điều kiện.
Trong đó, tại Điều 7.1.a và Phụ lục 1 quy định doanh nghiệp sản xuất ô tô hoạt động ở Việt Nam phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với đường thử ở Việt Nam và đường thử này phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bề mặt, chiều dài và yêu cầu kỹ thuật.
Yêu cầu về thử nghiệm đường thử mới này là quy trình đánh giá sự phù hợp “khắt khe hơn mức cần thiết” (Ảnh minh họa)
AAPC cho hay một số doanh nghiệp sản xuât ô tô Hoa Kỳ đã sản xuất và lắp ráp xe ở Việt Nam hơn 20 năm nay được xây dựng ở những khu vực không đủ điều kiện để thi công loại đường thử như đã yêu cầu trong Nghị định 116.
Ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ đã vận hành nhiều cơ sở thử nghiệm trên khắp thế giới cho phép thực hiện nhiều thử nghiệm chính xác trong mọi điều kiện lái.
Hiện tại cũng không có luận cứ kỹ thuật nào được đưa ra để chứng minh những đường thử đang được sử dụng bởi những doanh nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ không phù hợp hay thấp hơn quy định tại Nghị định 116.
Đường thử Guangde Proving Ground của GM tại Trung Quốc có tổng chiều dài 60 km và có thể tái tạo 67 điều kiện lái xe khác nhau (Ảnh minh họa)
Việc xây dựng một cơ sở thử nghiệm mới hoặc vận chuyển phương tiện đến đường thử để tuân thủ Nghị định 116 là rất tốn kém, nhất là khi các doanh nghiệp này thị phần tương đối nhỏ ở Việt Nam.
Do vậy văn bản của AAPC cho rằng yêu cầu về thử nghiệm đường thử mới này là quy trình đánh giá sự phù hợp “khắt khe hơn mức cần thiết” theo các mục tiêu của Điều 5.1.2 của Hiệp định TBT.
Ngoài các nội dung trên, AAPC cũng kiến nghị nên hoãn việc thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03 để ngành ô tô và cơ quan quản lý Hoa Kỳ có thể làm việc với Chính phủ Việt Nam nhằm sửa đổi nghị định theo hướng xây dựng và phù hợp với Hiệp định TBT.