Nga triển khai sứ mệnh giải cứu phi hành đoàn ISS bị mắc kẹt sau sự cố va chạm với thiên thạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch phóng của tàu Soyuz MS-23 để đưa 3 phi hành đoàn mắc kẹt về Trái Đất sau khi va chạm với thiên thạch.
Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Moscow sẽ phóng một tàu cứu hộ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng tới để đưa ba thành viên phi hành đoàn đang bị mắc kẹt trên quỹ đạo về nhà sau khi con tàu ban đầu của họ bị một thiên thạch va phải.

Được biết, sau vụ va chạm vào tháng 12/2022, tàu Soyuz MS-22 đã gặp sự cố rò rỉ lớn, làm phun chất làm mát bộ tản nhiệt vào không gian và khiến 2 phi hành gia phải hủy bỏ kế hoạch đi bộ ngoài không gian như đã dự kiến.

Trong khi cơ quan vũ trụ của Nga, Roscosmos, cho biết vụ va chạm không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho phi hành đoàn của trạm vũ trụ, nhưng nó làm dấy lên lo ngại về kế hoạch để đưa họ trở về Trái Đất. Với việc rò rỉ làm nhiệt độ trong cabin tăng cao, MS-22 được coi là không phù hợp để thực hiện nhiệm vụ đưa các phi hành gia quay về.

Trong khi đó, cách khác được đưa ra là sử dụng con tàu Crew Dragon của SpaceX đang neo đậu trên ISS. Tuy nhiên, có tới 7 người trên trạm vũ trụ nhưng con tàu của SpaceX chỉ có 4 chỗ ngồi.

Sau khi cân nhắc, Roscosmos cho biết họ đã quyết định dời kế hoạch phóng Soyuz MS-23 vào tháng 3 xuống ngày 20 tháng 2 để có thể sớm đưa các nhà du hành vũ trụ người Nga Sergey Prokopyev, Dmitry Petelin và phi hành gia người Mỹ Francisco Rubio trở lại Trái Đất.

Roscosmos cho biết, nếu một tình huống "đặc biệt nghiêm trọng" xảy ra trên ISS trong những tuần tới, thì khả năng sử dụng Soyuz MS-22 đang bị hư hỏng để giải cứu phi hành đoàn sẽ được xem xét.

Roscosmos cho biết thêm, con tàu MS-22 bị hư hỏng được đưa trở lại Trái Đất mà không có phi hành đoàn sau khi các bộ phận thay thế được chuyển đến.

Micrometeoroids là tên gọi những mảnh đá hoặc kim loại xuất hiện tự nhiên có thể nhỏ bằng hạt cát, gây nguy hiểm cho chuyến bay vũ trụ của con người. Chúng bay quanh Trái đất với tốc độ khoảng 17.000 dặm/giờ (27.400 km/giờ), nhanh hơn nhiều so với tốc độ của một viên đạn.

Roscosmos cho biết đường kính của thiên thạch siêu nhỏ va vào tàu Soyuz là rất nhỏ, Viên thiên thạch này đã tạo ra một lỗ có đường kính chỉ 1mm trên thân tàu, tuy nhiên đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

“Rác vũ trụ” do con người tạo ra cũng có thể làm hỏng tàu vũ trụ. Vào năm 2021, Nga đã cho nổ tung một trong những vệ tinh của mình trong một vụ thử tên lửa tạo ra những đám mây mảnh đạn trong không gian.

Được biết, khám phá không gian là lĩnh vực hiếm hoi mà Moscow và Washington vẫn còn hợp tác kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Trạm vũ trụ quốc tế, ISS được phóng theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 1998 vào thời điểm tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Nga gần một thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trạm vũ trụ già cỗi này dự định sẽ "rời khỏi quỹ đạo" vào năm 2031, với kế hoạch hạ cánh xuống một điểm xa xôi ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, cuộc chạy đua vào không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên. Vào năm 2021, chương trình không gian của Bắc Kinh đã thành lập trạm vũ trụ có phi hành đoàn quay quanh Trái đất đầu tiên. Trạm Tiangong (Thiên cung) nặng 70 tấn, dự kiến sẽ hoạt động trong ít nhất 10 năm tới.

Theo The Guardian