Neuralink của Elon Musk được chấp thuận thử nghiệm cấy ghép não người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đây sẽ là bước ngoặt lớn của Neuralink sau hàng loạt khó khăn để đạt được sự chấp thuận từ FDA.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Mới đây, Neuralink - công ty cấy ghép não do Elon Musk sáng lập cho biết họ đã chính thức nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để bắt đầu nghiên cứu lâm sàng lần đầu tiên trên người. Có thể nhận định, đây là một cột mốc quan trọng sau những khó khăn trước đây trong việc đạt được sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ.

Trước đó, Elon Musk đã dự đoán ít nhất bốn lần kể từ năm 2019 rằng công ty thiết bị y tế của ông sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người việc cấy ghép não nhằm điều trị các tình trạng bệnh nghiêm trọng như liệt nửa người và mù lòa. Tuy nhiên, công ty này chỉ mới xin cấp phép từ FDA vào đầu năm 2022.

Vào thời điểm đó, FDA đã chỉ ra một số mối quan ngại mà Neuralink cần phải giải quyết trước khi nhận được phê duyệt thử nghiệm trên người. Các vấn đề chính bao gồm pin lithium của thiết bị, khả năng di chuyển của thiết bị cấy ghép trong não và khó khăn trong việc thu hồi thiết bị một cách an toàn mà không làm tổn thương mô não.

Tháng 5.2023, các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi điều tra xem liệu hội đồng giám sát việc thử nghiệm trên động vật tại Neuralink có vội vã trong việc nghiên cứu dẫn đến các thất bại hay không, sau nhiều vụ việc được trình báo trước đó.

Neuralink đã trở thành đối tượng của các cuộc điều tra liên bang.

Năm ngoái, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) theo yêu cầu của một công tố viên liên bang đã điều tra Neuralink về khả năng vi phạm Đạo luật Phúc lợi Động vật, quy định về cách các nhà nghiên cứu đối xử và tiến hành thử nghiệm trên một số loại động vật. Được biết, Neuralink đã giết hơn 1.500 con vật, bao gồm hơn 280 con cừu, lợn và khỉ, sau các thí nghiệm kể từ năm 2018, theo Reuters đã đưa tin trước đó.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng đang điều tra riêng xem liệu Neuralink có vận chuyển bất hợp pháp mầm bệnh nguy hiểm trên các con chip lấy từ não khỉ mà không có biện pháp ngăn chặn thích hợp hay không. Neuralink cũng đang bị Văn phòng Tổng thanh tra của USDA điều tra về các vi phạm có thể xảy ra đối với động vật.

Trong một tweet vào thứ năm, Neuralink cho biết công ty vẫn chưa mở cửa cho một thử nghiệm lâm sàng.

"Điều này là kết quả của công việc đáng kinh ngạc của đội ngũ Neuralink đồng thời là sự hợp tác chặt chẽ với FDA, đánh dấu bước đầu quan trọng để công nghệ của chúng tôi có thể cứu nhiều bệnh nhân".

Trong nhiều năm qua, tỉ phú Elon Musk đã công khai kế hoạch đầy tham vọng cho Neuralink. Vị tỉ phú này đã thu hút sự chú ý vào cuối năm ngoái khi cho biết ông đã đủ tự tin về độ an toàn của thiết bị đến mức sẵn lòng cấy ghép chúng vào con mình.

Theo Hãng tin AFP, tỉ phú Elon Musk hình dung cấy ghép não có thể chữa một loạt bệnh và hội chứng, bao gồm béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt, cũng như cho phép duyệt web và phát triển khả năng thần giao cách cảm.

"Ban đầu, chúng tôi sẽ giúp những người gần như không có khả năng vận động cơ bắp, giúp họ dùng điện thoại nhanh hơn so với những người có đôi tay khỏe mạnh", tỉ phú Elon Musk nói. "Nghe có vẻ kỳ diệu, chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ này thậm chí có thể khôi phục toàn bộ chức năng cơ thể cho bệnh nhân bị tổn thương tủy sống".

Theo AFP, The Guardian