Không một tín đồ công nghệ chân chính nào có thể phủ nhận tài năng của Steve Jobs. Với tầm nhìn độc đáo dành cho công nghệ, ông đã đóng góp một phần rất quan trọng vào rất nhiều cuộc cách mạng công nghệ lớn: PC (Apple II), đồ họa trực quan (Macintosh), nhạc số, cửa hàng trực tuyến, máy nghe nhạc cá nhân (iPod), smartphone cảm ứng (iPhone), laptop siêu mỏng (MacBook Air) và tablet (iPad). Với từng đột phá, nhà sáng lập của Apple liên tục mở ra những danh mục điện toán con người chưa từng nghĩ đến, thay đổi hoàn toàn cách tương tác giữa máy móc và người dùng.
Và từ khi Steve Jobs ra đi, Apple vẫn chưa thể thực sự tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ nào cả. Apple Watch, Apple TV mới (với watchOS), AirPods, iPad Pro... tất cả đều là những sản phẩm có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Nhưng tất cả những sản phẩm ấy đều không thể khiến các fan hâm mộ trầm trồ như khi iPhone hoặc iPad ra đời.
Vì lý do này, không khó để hiểu nhiều người vẫn mang suy nghĩ rằng Apple sẽ tốt hơn rất nhiều nếu vẫn còn Steve Jobs. "Apple của Steve Jobs vẫn còn có hy vọng, chứ Apple của ngày nay chẳng có gì đáng chú ý cả", họ nói.
Nhưng sự thật không hề đơn giản như vậy.
Nếu Steve Jobs còn lãnh đạo Apple, chưa chắc iPhone 6 Plus và iPad Mini đã ra đời.
Bất chấp vai trò là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ quan trọng nhất của mọi thời đại, Steve Jobs vẫn có thể mắc rất nhiều sai lầm. Ít ai biết rằng trước cả thời điểm Jobs bị "đá" khỏi Apple năm 1985, Bill Gates đã từng khẩn khoản kêu gọi Apple đem hệ điều hành Macintosh ra phổ biến rộng rãi trên nhiều loại phần cứng. Jobs chắc chắn không đồng ý với điều này, còn CEO John Sculley ít ra đã từng một lần cân nhắc đến hướng đi mới. Cuối cùng, Microsoft đem "copy" rất nhiều ý tưởng từ Mac OS sang Windows và đến nửa sau thập niên 1990 thì hạ bệ Apple, thống trị thế giới.
Ngay cả trong cuộc hồi sinh thần kỳ của Apple vào thập niên 2000, Steve Jobs vẫn có rất nhiều quan niệm đi ngược với thời đại. Ông từng nói về ý tưởng smartphone cỡ lớn: "Bạn không thể dùng tay để điều khiển một chiếc điện thoại như vậy. Sẽ chẳng có ai thèm mua một chiếc điện thoại cỡ lớn". Sau này, Apple bước vào thời kỳ rực rỡ nhất với sự ra mắt của iPhone 6 và 6 Plus với kích cỡ 4.7/5.5 inch.
Một ví dụ nổi tiếng khác về những thiếu sót của Steve Jobs là tablet cỡ nhỏ. "10 inch là kích cỡ tối thiểu để tạo ra những ứng dụng tablet tuyệt vời", ông khẳng định vào cuối năm 2010. 2 năm sau, iPad Mini ra đời và trở thành một phần quan trọng giúp tăng trưởng và duy trì doanh số iPad trước khi trào lưu tablet nguội lạnh.
Thua xa Jobs về tinh thần sáng tạo nhưng Tim Cook lại là một bậc thầy về kinh doanh. Nhờ Cook, giá trị vốn hóa Apple lần lượt cán mốc 700 tỷ USD và 800 tỷ USD.
Còn rất nhiều những quan niệm riêng cho thấy Steve Jobs không phải lúc nào cũng nhìn nhận thị trường một cách chính xác. Ông từng phản đối ý tưởng chợ ứng dụng trên iOS trước khi được phó tướng Phil Schiller thuyết phục thay đổi. Khi ra mắt iPhone, Jobs chỉ trích thậm tệ chiếc bút stylus mà không tính tới khả năng rằng stylus có thể từ bỏ vai trò bù đắp cho công nghệ điện trở cũ kỹ để trở thành một công cụ quan trọng cho tablet làm việc. Và đó là còn chưa kể tới khá nhiều ý tưởng dở tệ như "mạng xã hội" iTunes Ping, ứng dụng quản lý dữ liệu người dùng MobileMe hoặc chiếc máy PowerMac G4.
Ở chiều ngược lại, bạn có thể chỉ trích CEO Tim Cook vì chưa thể tạo lập một cuộc cách mạng nào trên lĩnh vực phần cứng như Steve Jobs đã từng vô số lần thành công. Song, sự thật là không chỉ riêng gì Apple mà là tất cả các hãng phần cứng đều chưa thể tạo lập ra một cuộc cách mạng công nghệ (cho người dùng cuối) từ khi Steve Jobs ra đi. Thời trang công nghệ phần lớn vẫn là các thiết bị "làng nhàng" không cần thiết, các thiết bị gia dụng IoT dù có chút thành công nhưng cũng chưa hợp nhất dưới tầm nhìn của bất cứ một gã lớn nào.
Nếu có trách Cook, bạn cũng chỉ có thể trách vì sao Apple lại không đứng đầu cuộc đua loa thông minh do Echo của Amazon khởi sướng. Ấy vậy nhưng doanh số của những chiếc loa Echo mới chỉ dừng ở mức vài triệu "lẻ" trong khi iPhone bán ra mỗi quý vẫn đạt hàng chục triệu. Smartphone vẫn đứng ở vị trí trung tâm trong cuộc sống của con người, và iPhone vẫn đang là danh mục smartphone thành công nhất.
Không một nhà lãnh đạo công nghệ nào lại không vấp ngã một vài lần. Jobs vĩ đại bởi ông vấp ngã rồi bước lên những đỉnh cao chói lọi.
Thực tế là cũng giống như Jobs, huyền thoại công nghệ nào cũng có sai lầm. Bill Gates đã từng đem 150 triệu USD "cứu" Apple và cuối cùng không thể bám đuổi kịp iPod, iPhone và iPad. Vị CEO huyền thoại Jorma Ollila của Nokia đã sai lầm khi trao quyền lãnh đạo cho một vị phó tướng hèn nhát không dám cách mạng hóa thị trường viễn thông. Những sai lầm của Amazon dưới quyền Jeff Bezos hay của Google dưới quyền Larry Page và Sergey Brin cũng nhiều không kể xiết.
Steve Jobs cũng vậy. Dù vẫn được tung hô là huyền thoại công nghệ vĩ đại nhất, ông vẫn không phải là người hoàn hảo. Ông cũng đã từng mang những tầm nhìn đi ngược lại xu thế của thị trường - một vài trong số đó có thể khiến Apple gục ngã thay vì vẫn sống tốt với 800 tỷ USD trị giá vốn hóa và khối tiền mặt 250 tỷ USD như ngày hôm nay. Nhưng may mắn cho Apple, may mắn cho cả thế giới công nghệ, sau mỗi lần ngã đau Steve Jobs lại đưa ra những tầm nhìn cách mạng hơn, choáng ngợp hơn.
Dù sao, không một ai có thể thay đổi hướng đi của quá khứ. Cũng không một ai có thể biết Apple của ngày hôm nay sẽ như thế nào nếu vẫn được Steve Jobs dìu dắt. Sẽ có cuộc cách mạng nào? Sẽ có thất bại nào? Câu trả lời chỉ nằm trong trí tưởng tượng của bạn và tôi mà thôi.