Tân Tổng giám đốc NCB Đào Trọng Khanh có đôi chút cảm xúc khi được trở lại công việc quen thuộc trong 10 năm qua. Từng là Tổng giám đốc ngân hàng trẻ nhất vào những năm 2008, ông Khanh cũng đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác tại một vài ngân hàng nhưng có lẽ đây là vị trí cho ông nhiều trải nghiệm cung bậc cảm xúc.
“Tôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc một số năm, sau đó là Phó chủ tịch HĐQT thường trực ở hai ngân hàng. Theo thông lệ ở Việt Nam, HĐQT rất sát sao, theo dõi trực tiếp hoạt động kinh doanh của ngân hàng để hỗ trợ điều hành kịp thời. Mỗi vị trí đều cho tôi những trải nghiệm quý và vai trò Tổng giám đốc là công việc quen thuộc trong 10 năm qua”, ông Khanh chia sẻ.
“Tôi có đôi chút sốt ruột”
Ông Khanh cho biết sau 2 năm tự tái cơ cấu, NCB đã có sự thay đổi về chất. Ngân hàng đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ, thay đổi nhận diện thương hiệu, nâng cao chất lượng nhân sự và hoàn thiện hệ thống quản trị, hoạt động.
“Tôi rất may mắn được tiếp nhận một NCB có hoạt động cốt lõi tốt, có sản phẩm mũi nhọn, các ngân hàng bạn và khách hàng đã nhìn NCB ở vị thế khác. Đến thời điểm này, NCB tự tin là ngân hàng lành mạnh, hiện đại, sẵn sàng để phát triển nhanh chóng và bền vững”, ông Khanh chia sẻ.
Tuy vậy, ông Khanh cho biết bản thân ông có đôi chút sốt ruột chưa nhìn thấy NCB có điểm thật sự khác biệt và “chúng tôi quyết tâm tạo thế mạnh khác biệt cho NCB”.
Nói như vậy, có nghĩa nhiệm vụ lần này sẽ khó khăn hơn so với những nhiệm vụ trước đây?
Hai năm vừa qua NCB tập trung xử lý những khó khăn của Ngân hàng Nam Việt để lại và giờ chỉ còn lại một số khó khăn nhỏ cần khắc phục. NCB thực sự đã “thay da đổi thịt”, có diện mạo hoàn toàn mới.
Hiện NCB còn một số ít việc cần hoàn thiện nốt trong thời gian tới. Giai đoạn từ 2016 – 2018, NCB tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh, khẳng định vị thế trên thị trường, thực hiện mục tiêu chiến lược là ngân hàng có thế mạnh khác biệt. Với kỳ vọng về tăng trưởng kinh doanh như vậy, một số công việc cần hoàn thiện trong thời gian tới sẽ được giải quyết sớm.
Tuy vậy, nhiệm vụ và thách thức lần này của tôi lớn hơn nhiều, đó là, làm sao phát triển NCB mạnh mẽ và bền vững, khẳng định được vị trí trên bản đồ ngân hàng Việt Nam.
Đây luôn là nhiệm vụ lớn nhất cho Tổng giám đốc của bất cứ ngân hàng nào. NCB là ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, nên sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều lần. Không nằm ngoài vòng quay chung của ngành ngân hàng nên trước mắt NCB giữ nhịp tốt, phát triển lành mạnh, nhanh chóng, đúng hướng.
Ông sẽ “định vị” NCB trên bản đồ ngân hàng Việt Nam như thế nào?
Nếu đi con đường các ngân hàng khác đã vạch sẵn, tôi e NCB sẽ mãi là người đến sau. Chúng tôi bắt buộc phải tìm ra con đường khác biệt và chắc chắn NCB sẽ có những thế mạnh khác biệt để phục vụ khách hàng tốt nhất.
Để định vị được, NCB sẽ phải có sự khác biệt trong định hướng chiến lược. Theo đó, chiến lược phát triển của NCB sẽ không dàn trải, mà dồn nguồn khai phá thị trường ngách, tập trung phân khúc khách hàng cá nhân và DNNVV, đưa ra những sản phẩm “may đo” cho khách hàng.
Cùng với đó, NCB nỗ lực nâng cao năng lực quản trị, tạo nền tảng xây dựng một ngân hàng lành mạnh, bền vững lâu dài.
Hẳn ông cũng phải tìm thấy thế mạnh hay tiềm năng nào từ ngân hàng nhỏ mới xong giai đoạn tái cơ cấu ban đầu này thì mới tự tin với nhiệm vụ mới này?
Tôi nhìn thấy ngân hàng lõi hoạt động tốt ở NCB. Tôi đánh giá NCB nằm trong nhóm ít ngân hàng có hệ thống quản trị minh bạch, phân tách trách nhiệm giữa quản trị và điều hành.
Bộ máy nhân sự đã có sự đổi mới thực sự, năng động, trẻ, cùng chung hoài bão đưa NCB không chỉ vượt qua khó khăn mà còn bước lên tầm cao mới. Đây là bệ phóng tốt để NCB tạo dựng vị thế trên thị trường.
Khi bắt đầu tái cơ cấu, ngân hàng đã liên tiếp bổ sung các vị trí lãnh đạo chủ chốt, tìm kiếm con người phù hợp, bổ sung vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt để phát triển NCB theo mục tiêu đã đề ra.
Bà Trần Hải Anh là người được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc từ tháng 2/2014 và đã giải quyết đại đa số những tồn đọng những khó khăn cũ để lại. Gần đây, ngân hàng đã bổ nhiệm thêm ông Tạ Ngọc Đa phụ trách thị trường khu vực phía Nam, cá nhân tôi vừa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc để tiếp nối nhiệm vụ điều hành và thực hiện các mục tiêu tiếp theo, đưa NCB phát triển trong giai đoạn mới.
“Dù lớn hay bé cũng có vị trí của riêng mình”
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch kinh doanh năm 2016 của NCB dưới sự điều hành của mình?
Với tiềm năng sẵn có, NCB sẽ đạt được tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước chi phí tái cấu trúc 50-70% trong 1-2 năm tới.
Thời gian vừa qua, hai sản phẩm chiến lược của NCB là cho vay mua nhà và xe đã khẳng định được ưu thế của mình, chính sách ưu đãi tốt, phê duyệt nhanh chóng, có thể so sánh với các ngân hàng lớn.
Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung hơn cho thị trường ngách đồng thời đẩy mạnh bán sản phẩm cho vay nhà xe tới các đối tượng hộ gia đình trẻ, tầng lớp trung lưu. Tín hiệu đáng mừng các sản phẩm này bắt đầu tạo sự khác biệt và được đón nhận trên thị trường.
NCB đặt mục tiêu sẽ là ngân hàng hiệu quả nhất, sinh lời tốt nhất với văn hóa doanh nghiệp đồng nhất, thân thiện, chuyên nghiệp.
Ông có lạc quan quá không khi đặt mục tiêu đó, vì NCB chỉ là một ngân hàng có quy mô còn nhỏ so với nhiều thành viên khác trong hệ thống?
Theo quy luật tự nhiên sinh vật dù lớn hay bé cũng có vị trí của riêng mình. Thị trường lúc nóng lúc lạnh, lúc thuận lợi lúc khó khăn nhưng lúc nào cũng có lối đi cho người biết lựa sóng.
Ở NCB mọi người thường nói hai năm trước đây Tổng Giám đốc Trần Hải Anh vừa phải chèo thuyền, vừa tát nước, vì thế mà NCB mới vượt qua chặng đường đầy thử thách, có diện mạo mới như ngày hôm nay.
Áp lực của tôi là làm sao tiếp tục nhiệm vụ của chị Trần Hải Anh, tạo dựng sự khác biệt và vị thế mới cho NCB.
Điều đáng mừng nữa, xu thế ứng dụng công nghệ vào phát triển ngân hàng điện tử là tất yếu và dần dần thay đổi quan điểm quản trị và kinh doanh ngân hàng.
NCB cũng cải tổ công nghệ trong hai năm vừa qua, nâng cao năng lực quản trị và mang lại các tiện ích tốt nhất cho khách hàng. Tôi là người rất có duyên với công nghệ.
Cùng với hội nhập, áp lực cạnh tranh của ngành ngân hàng cũng tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng đứng trước yêu cầu về tăng vốn, đổi mới công nghệ, tăng cường quản trị rủi ro… Liệu NCB có tính tới khả năng tìm các đối tác chiến lược nước ngoài hay giải pháp mua bán, sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh không?
Trong quá trình phát triển, đối với các doanh nghiệp nói chung, hay các Ngân hàng nói riêng, tăng vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua mời gọi cổ đông nước ngoài hay cổ đông trong nước là tất yếu.
Hiện NCB tập trung vào phát triển nội tại, nâng cao năng lực quản trị hoạt động Ngân hàng và tạo bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm tới.
Chúng tôi luôn mở rộng cửa đón những cổ đông là đối tác chiến lược nước ngoài hay trong nước có cùng quan điểm trong định hướng quản trị và phát triển.
Xin cám ơn ông!
Theo Bizlive
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu