Các nhà khoa học của NASA đang dựa vào "vườn sao Hỏa" mô phỏng để tìm ra loại thực vật có thể trồng trên hành tinh đỏ, giúp phi hành gia có thể tự trồng trọt thức ăn khi thực hiện nhiệm vụ trên không gian, Nature World News hôm 8/10 đưa tin.
Sao Hỏa được cấu thành chủ yếu từ đá núi lửa và lớp đất mặt. Nó có môi trường cằn cỗi, không thuận lợi cho việc trồng rau.
"Theo định nghĩa, đất chứa chất hữu cơ và là nơi thực vật, côn trùng và sâu bọ sinh sống. Do đó, sao Hỏa không thật sự có đất", Ralph Fritsche, người chỉ đạo Dự án Sản xuất thực phẩm tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ cho biết.
Ngoài ra, đất trên sao Hỏa còn chứa một số chất hóa học độc hại, khiến việc trồng cây trở nên phức tạp hơn. Trung tâm Không gian Kennedy của NASA đang hợp tác cùng Viện nghiên cứu Không gian Buzz Aldrin ở Florida để tìm cách trồng cây trên hành tinh đỏ.
Theo Tech Times, "vườn sao Hỏa" lấy đất từ Hawaii và được mô phỏng phù hợp với các thông số của đất trên hành tinh đỏ. Trong nghiên cứu thí điểm, các cây rau diếp được trồng trong ba điều kiện khác nhau, một cây trồng trong đất mô phỏng, một cây trồng trong đất mô phỏng có thêm chất dinh dưỡng, cây còn lại trồng trong đất chậu.
Sau 5 tuần nghiên cứu, kết quả cho thấy cả ba loại rau diếp có mùi vị như nhau. Điểm khác biệt duy nhất đó là rau diếp trồng trên loại đất giống sao Hỏa có rễ yếu hơn và tốc độ nảy mầm chậm hơn.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm thêm nhiều loài thực vật khác trong "vườn sao Hỏa" mô phỏng, bao gồm các loại cây giàu dinh dưỡng như củ cải, cải cầu vồng, cải xoăn, bắp cải Trung Quốc, đậu Hà Lan, ớt và cà chua.