Nhóm tác giả của nghiên cứu mới được công bố đã phát triển được một phương thức tính toán chính xác hơn dựa trên dữ liệu vệ tinh, từ đó đưa ra dự báo về tầm ảnh hưởng của mực nướ biển dâng cao đối với những khu vực rộng lớn. Họ nhận ra rằng, các dự báo được đưa ra trước đây vẫn là viễn cảnh tích cực. Nghiên cứu mới cho thấy, khoảng 150 triệu người đang phải sống trên những vùng đất sẽ nằm dưới mực nước biển vào giữa thế kỷ này.
Bức ảnh so sánh tầm ảnh hưởng của nước biển dâng ở miền Nam Việt Nam trong nghiên cứu cũ và nghiên cứu mới. (Ảnh: NYTimes)
|
Trong hình ảnh trên, bức ảnh bên trái thể hiện mực nước biển xâm lấn ở khu vực miền Nam Việt Nam vào năm 2050 theo các nghiên cứu trước đây. Trong khi bức ảnh bên phải dựa trên nghiên cứu mới nhất, cho một khu vực rộng lớn sẽ chìm dưới mực nước biển ở đỉnh triều vào năm 2050. Theo nghiên cứu mới, hơn 20 triệu người – tương đương ¼ dân số Việt Nam – sẽ chịu ảnh hưởng.
Phần lớn TP Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mực nước biển dâng cao – theo nghiên cứu được Trung tâm Khí tượng, một tổ chức khoa học có trụ sở tại bang New Jersey, Mỹ thực hiện và đăng tải trên tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu này không tính toán tới sự gia tăng dân số hay tình trạng bờ biển bị xói mòn.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan đối mặt với khả năng bị xóa sổ (Ảnh: NYTimes)
|
Ở Thái Lan, hơn 10% tổng dân số giờ đang sinh sống trên các vùng đất có khả năng bị nhấn chìm vào năm 2050, so với chỉ 1% so với nghiên cứu trước đây. Thủ đô của nước này, Bangkok, đặc biệt nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Biến đổi khí hậu sẽ gây sức ép lớn đối với các thành phố theo nhiều cách khác nhau – Loretta Hieber Girardet, một cư dân sống ở Bangkok là quan chức thuộc cơ quan giảm thiểu rủi ro từ thảm họa của Liên Hợp Quốc, cho hay. Khi tình trạng nóng lên toàn cầu lan rộng tới nhiều khu vực, nó sẽ đẩy những người nông dân nghèo lên thành phố kiếm sống.
“Đây là tình trạng rất tồi tệ” – bà Girardet nói.
Ảnh hưởng của nước biển dâng với thành phố Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: NYTimes)
|
Ở Thượng Hải (Trung Quốc), được xem là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của khu vực châu Á, nước biển dâng đe dọa sẽ “nuốt chửng” trung tâm thành phố cùng nhiều thành phố lân cận.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các khu vực trên sẽ biến mất hoàn toàn. Dữ liệu mới cho thấy có khoảng 110 triệu người đang sống ở những nơi nằm dưới mực nước biển ở đỉnh triều. Điều này được ông Benjamin Strauss – Giám đốc điều hành Climate Central – giải thích là nhờ một số biện pháp bảo vệ như xây dựng đê biển và tường bao. Theo vị chuyên gia, chính quyền các thành phố bị ảnh hưởng cần phải đầu tư mạnh tay cho các biện pháp như trên, và cần triển khai một cách gấp rút.
Nhưng dù cho có đầu tư mạnh tay cho các biện pháp phòng hộ, thì chúng cũng chỉ có giới hạn. Ông Strauss nêu ra trường họp của New Orleans một thành phố Mỹ nằm dưới mực nước biển, từng chịu sự tàn phá kinh hoàng vào năm 2005 khi hệ thống đê bao bị vỡ do siêu bão Katrina. “Chúng ta muốn sống trong cái bát sâu cỡ nào?” – ông Strauss đặt ra câu hỏi.
Thành phố Mumbai của Ấn Độ cũng không tránh khỏi rủi ro bị nước biển xâm lấn. (Ảnh: NYTimes)
|
Nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng, phần lớn của Mumbai – thủ phủ tài chính của Ấn Độ và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới – giờ đối diện khả năng bị xóa sổ. Được xây dựng trên khu vực từng là một nhóm các hòn đảo nhỏ, khu vực phố cổ của thành phố này giờ gặp rủi ro nhiều nhất trước tình trạng nước biển dâng.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng nên bắt đầu chuẩn bị tái định cư cho người dân – Dina Ionesco, làm việc cho Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), nhận định.
“Chúng tôi đã cố gắng gióng hồi chuông cảnh báo nhiều lần” – bà Ionesco nói – “Chúng tôi biết rằng điều đó sắp xảy ra”.
Nước biển dâng cao cũng có thể hủy hoại nhiều di sản văn hóa trân quý của nhân loại. Ví dụ như thành phố Alexandria, Ai Cập – được xây dựng bởi Alexander Đại đế vào khoảng năm 330 trước CN – có thể bị biến mất do nước biển dâng cao. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, tình trạng di dân do nước biển tăng cao cũng có thể khuấy động các cuộc xung đột./.
Theo New York Times