Đó là một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị “Sơ kết và triển khai kế hoạch 2017-2022 dự án Thiên văn vũ trụ (TTVT) Việt Nam” do Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức hôm qua (23/3).
Theo Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh, TTVT Việt Nam là dự án trọng điểm quốc gia lớn nhất trong lĩnh vực KHCN của nước ta từ trước đến nay và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Đây là nền tảng cơ bản để phát triển lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam sau năm 2020, đặc biệt trong việc phòng chống thảm họa thiên tai và chống biển đổi khí hậu.
Qua dự án này, Việt Nam sẽ có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại; từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Dự án được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 9/2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Sau 5 năm triển khai, dự án đã chế tạo và ứng dụng thành công công nghệ vệ tinh. Trung tâm đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon, đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon, MicroDragon, LOTUSat bám sát theo đúng kế hoạch phát triển vệ tinh đã đặt ra.
Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “Made in Vietnam”.
Với 2 vệ tinh công nghệ cảm biến ra đa hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường.
Song song với việc thực hiện các dự án vệ tinh, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã và đang thực hiện các hướng nghiên cứu ứng dụng quan trọng khác thông qua Chương trình KH&CN vũ trụ quốc gia như đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống mô phỏng, xác định và điều khiển tư thế vệ tinh quan sát trái đất có độ chính xác cao” và tham gia đề tài nhánh tên lửa mô hình thuộc đề tài “Tiếp cận kỹ thuật phóng tên lửa đẩy tầm thấp bằng mô hình vật lý dựa trên cơ sở mẫu tên lửa thử nghiệm TV-01”.
Nhằm tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng của công nghệ vệ tinh cũng được Trung tâm hết sức coi trọng. Mục tiêu của quá trình này chính là đưa được các ứng dụng, các lợi ích mà vệ tinh đem lại, nhằm góp phần và thúc đẩy nhanh sự phát triển của đất nước thông qua những đóng góp thiết thực như quản lý rừng, nông nghiệp, đánh giá tác động biến đổi khí hậu, môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế biển.
Trong thời gian tới, Trung tâm Vệ tinh quốc gia tiếp tục đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học vũ trụ. Đặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc dự án TTVT Việt Nam được đưa vào phục vụ cộng đồng vào năm 2018 sẽ góp phần phổ cập kiến thức và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê của những người trẻ, học sinh sinh viên về công nghệ vũ trụ.
Trong giai đoạn 2017-2022, cùng với việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, Trung tâm Vệ tinh quốc gia cũng xác định tập trung nghiên cứu, phát triển KHCN vũ trụ theo định hướng ứng dụng tạo ra sản phẩm thông qua năng lực phát triển của Trung tâm theo các lĩnh vực chính gồm: Công nghệ vũ trụ, ứng dụng công nghệ vũ trụ, khoa học vũ trụ và vật lý thiên văn, đào tạo đại học và trên đại học, phổ biến kiến thức vũ trụ.
Đồng thời tiếp tục mở ra hướng hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ, Nhật, Israel, Australia, Đức và các nước ASEAN để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, đưa công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam.